Để làm sáng tỏ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích đặc biệt quốc gia chùa Bổ Đà, phóng viên báo Dân Việt có cuộc phỏng vấn với ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang.
Ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang
Tam bảo chùa Bổ Đà
Thưa ông, tờ trình xây tam quan ở chùa Bổ Đà được thực hiện trước khi di tích chưa được công nhận là Di tích gia đặc biệt. Vậy khi xây dựng tam quan, Sở có gửi tờ trình Bộ VHTTDL về việc này không?
- Không. Khi huyện có nhu cầu đề xuất xây cổng tam quan thì có làm tờ trình gửi Sở thẩm định, sau đó chuyển lên Bộ, lúc đó là giữa năm 2016. Bộ đã có công văn trả lời thống nhất cho xây dựng.
Tuy nhiên, việc xây tam quan là nguồn kinh phí xã hội hóa, không thể một lúc có kinh phí ngay được. Sau khi có kinh phí thì huyện tiến hành triển khai. Vì vậy, khi được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt thì không có chuyện xin phép lại.
Như vậy, việc không xin cấp phép lại thì liệu chúng ta đã thực thi đúng Luật Di sản hay chưa?
- Bất kỳ một di tích nào dù được công nhận hay không được công nhận thì trong quá trình sử dụng, phát huy, không thể giữ nguyên trạng mãi được mà phải có sự phát triển, mở rộng và chắc chắn sẽ có những công trình phụ trợ. Chẳng hạn như những đồi cây xung quanh chùa Bổ Đà đang do người dân quản lý.
Từ Tam bảo nhìn xuống tam quan xây mới
Tới đây, trong quy hoạch tỉnh sẽ thu hồi lại và cho phát triển rừng đặc dụng, trồng cây lâu năm. Sau này, ngoài mục đích phục vụ hoạt động của một di tích lịch sử, tôn giáo thì còn là một điểm danh lam thắng cảnh, bảo tồn thiên nhiên. Vì thế, khi nói giữ nguyên trạng thì phải hiểu cho đúng thế nào là nguyện trạng vì toàn bộ phần lõi của di tích không ai động gì đến cả. Hỏng đâu sửa đấy thôi và vẫn giữ nguyên trạng chứ không có gì khác.
Ông lý giải thế nào khi có ý kiến cho rằng việc trổ thêm cửa và xây tam quan là vi phạm vào hành lang di tích?
- Thực tế thì cửa này đã được trổ từ trước, bây giờ xây cổng tam thì xây bậc thềm. Bức tường cũng mới xây lại sau này theo lối của các cụ làm cũ chứ không phải là tường trình đất ngày xưa.
Việc khoanh vùng trùng tu xây dựng nằm trong hành lang rất rộng của di tích, chính vì thế mới phải xin phép, nếu không thì làm gì phải xin phép. Nói thật, chùa ở khu vực hẻo lánh, xa dân nên khâu bảo quản tượng quý và kinh sách rất khó khăn, nếu không làm tốt sẽ rất dễ bị mất cắp.
Cổng được trổ thêm dẫn xuống vườn nhãn nơi xây tam quan mới
Về nguyên bản chùa Bổ Đà không có tam quan, mà đi bằng một con đường lát đá chạy dài từ ngoài qua những dãy tường trình uốn quanh để vào bên hông gian thờ tam bảo. Việc xây tam quan mới, nghĩa là sẽ thay thế cổng cũ?
- Sẽ đi bằng nhiều cổng, bởi cổng cổ trước đây nhỏ, khi mùa lễ hội, bà con chen chúc đi vào, có khi cả tiếng không vào được tam bảo. Có người lạc bởi những ngóc ngách không biết đường vào, đường ra. Bây giờ mở tam quan, sau tam quan là tam bảo thì thuận lợi cho việc đi lại, chứ nếu nói nó ảnh hưởng đến di tích thì tôi nghĩ là không ảnh hưởng gì nhiều.
Con đường cổ dẫn vào chùa đi qua những dãy tường trình mang dấu ấn thời gian
Khi đi tham quan, người ta cũng sẽ tìm hiểu và đi hết khu di tích bởi đó là lối lên núi, vì Bổ Đà còn có cả chùa Cao trên núi. Còn một vài ý kiến nói chùa theo môn phái Lâm Tế thì không có tam quan - đó cũng không hẳn là chân lý. Cũng chưa có nhà khoa học nào và cũng chẳng có tài liệu nào bảo không có tam quan cả. Có thể người ta nghiên cứu chùa Bổ không thấy có tam quan mà giờ thấy xây thì người ta có ý kiến chứ tôi thấy chùa Việt Nam từ xưa đến nay đều có tam quan cả.
Về điều ông nói, chúng tôi có thể ví dụ: chùa Tây Phương, chùa Thầy đều không có tam quan và việc xây tam quan nghĩa là vi phạm vào hành lang của di sản?
- Không có tam quan thì người ta có hình thức khác. Tôi thì tôi nghĩ các di tích lịch sử xây nhiều năm và có nhiều đợt trùng tu, bây giờ mới có Luật Di sản còn trước kia làm gì có mà toàn làm theo ý tưởng của sư trụ trì.
Tam quan được xây mới bề thế trước tam bảo
Di tích chùa Bổ Đà khi chưa được công nhận Di tích đặc biệt quốc gia thì đã nhiều người đến và đặc biệt vào dịp lễ hội 15.2 âm lịch hàng năm thì du khách đến rất đông. Chính vì chưa có quy hoạch, chưa có phân khu cho các khu chức năng, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến di tích hiện tại. Lối vào nhỏ chen chúc, có người vài tiếng không vào được. Mặc dù năm ngoái cũng đầu tư mở rộng đường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được số lượng lớn du khách. Sắp tới khi xong cổng tam quan, du khách đi cổng nào cũng được thuận lợi.
Cổng tam quan xây mới bề thế, đang gấp rút hoàn thiện
Tôi nghĩ trước chưa có điều kiện làm thì chưa làm, bây giờ bà con có điều kiện mà lại xây trên đất vườn, không phá bất kỳ một công trình cổ nào. Chẳng hạn cổng mà phá đi xây mới thì không bao giờ được phép, nhưng đây xây hoàn toàn ở đất vườn, cây cối hoang dại. Bây giờ xây tam quan, cải tạo cảnh quan khu vực đó thì cũng tạo cho cảnh quan di tích tốt hơn thôi. Tức là bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên mà phải phát huy nó cho nó đẹp lên.
Thờ Tam giáo duy nhất chỉ có ở chùa Bổ Đà, nên không thể lấy cái nào thành cái nào mà chùa thì sau tam quan là đến tam bảo, kiến trúc chùa nói chung là như thế. Bất cứ chùa nào cũng vậy, nhưng có thể do địa thế có chùa xây chính giữa, có chùa xây lệch ra một chút. Nếu như xây được tam quan, sau này cảnh quan được hình thành sẽ thấy toàn cảnh đẹp hơn rất nhiều.
Trước khi trùng tu, xây mới Sở và Ban quản lý di tích có tham vấn ý kiến của các nhà khoa học?
Anh Thế Hùng- Cục trưởng Cục di sản có khẳng định với tôi trước khi Cục di sản tham mưu cho Bộ VHTTDL ký thì cũng đã tham khảo các nhà khoa học rồi, còn tham khảo ai, như thế nào thì tôi không biết. Nói chung những kiến trúc nghệ thuật hay những di sản có giá trị lịch sử thì khi trùng tu tôn tạo vẫn phải giữ nguyên và chỉ được phép làm tốt và bền vững hơn thôi, chứ không được làm khác đi.
Đường bậc thang đá dẫn lên chùa Cao trên núi
Riêng đối với Bổ Đà, quan điểm của anh em khi xây tam quan là tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến vãn cảnh chùa, chứ việc xây tam quan không làm biến dạng di tích. Còn có thể một công trình mới, bên cạnh các công trình cũ thì mới đầu mọi người nhìn nó chưa ăn nhập lắm, mặc dù vẫn xây theo lối kiến trúc cổ chứ không phải xây hiện đại. Tôi nghĩ cũng không nên vì việc này mà nâng quan điểm về việc không quan tâm đến di tích hay vi phạm di tích. Anh em tôi cũng làm rất chặt chẽ và được Bộ và Cục cho phép chúng tôi mới làm. Còn theo Luật di sản thì Di tích quốc gia hay Di tích quốc gia đặc biệt thì cơ quan cho phép vẫn là Bộ VHTTDL chứ không phải trình Thủ tướng.
Chùa Cao trên đỉnh núi
Cảm ơn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và cả những người tam tâm đến di tích, bởi bản chất của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng là để bảo tồn di tích của địa phương cho tốt lên thôi. Từ việc đó cũng mong các nhà khoa học có nghiên cứu tổng thể và cũng theo hướng phát triển chứ không thể bảo thủ mãi như thế được. Trong giai đoạn cách mạng mới thì mình cũng phải có những cái mới. Ví dụ tới đây quy hoạch của chúng tôi sẽ mở rộng khu vực phụ trợ bên ngoài vài chục héc-ta và sẽ còn nhiều công trình khác, nên không thể làm theo lối cũ và sẽ có những công trình hiện đại để làm tốt hơn cho việc bảo tồn di sản. Chúng tôi rất nghiêm túc trong việc bảo tồn, bảo quản di tích. Riêng đối với tam quan, anh em thấy hợp lý mà cũng không ảnh hưởng tới di tích gốc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.