Việc lập dự án trùng tu, tôn tạo và xây mới một số hạng mục nằm trong quần thể di tích đặc biệt chùa Bổ Đà, nhằm bảo quản, khai thác và quảng bá du lịch văn hóa tâm linh đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Cổng tam quan được xây mới trong quần thể di tích cấp quốc gia chùa Bổ Đà.
Thêm một công trình nữa đang được xây dựng phía trước cổng tam quan mới. Ảnh chụp ngày 10.3.2018.
Trước hiện trạng trùng tu xây mới chùa Bổ Đà, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, các kiến trúc sư và những người gắn bó, yêu thích ngôi chùa cổ Bổ Đà đã có những ý kiến tranh luận gay gắt về việc giữ gìn giá trị công trình kiến trúc văn hóa tâm linh đã tồn tại hàng trăm năm đặc biệt là về địa thế, lịch sử hình thành, giá trị văn hóa tâm linh qua 3 thế kỷ.
Tu bổ, tôn tạo hay xây mới?
Chùa Bổ Đà là một di tích văn hóa tâm linh đặc biệt có giá trị về lịch sử và kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ thế kỷ 18 (cuối thời hậu Lê). Chùa được xây dựng trên núi Phượng Hoàng là một thế đất đặc biệt, với lối kiến trúc theo thể "nội công ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, không cốt ở sự nguy nga, tráng lệ mà quan tâm tới sự liên hoàn, thoáng đãng hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật. Mặc dù vẫn có những không gian nhất định được ngăn cách bởi các bức tường bao bọc tạo ra một sự kín đáo, tôn nghiêm nhưng khách thập phương vãn cảnh vẫn đủ phóng tầm mắt cảm nhận cả không gian huyền bí của ngôi cổ tự. Bản thân vị trí đã đắc địa xung quanh lại bao bọc bởi các làng xóm tạo nên một quần thể gắn liền với đời sống của làng quê Kinh Bắc.
Họa sĩ Trương Đức Hải người từ những năm 1974 đã có gần 10 năm, thực hiện công việc “đạc họa” kiến trúc đình, chùa tại nhiều ngồi chùa lớn ở Hà Nội và Bắc Ninh cho rằng: "Cuộc sống ngày một nâng cao,văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh trên đà phát triển. Một mặt chúng ta mừng cho sự phát triển ấy, nhưng ở một khía cạnh khác lại lo cho tuổi thọ và ý nghĩa lịch sử tâm linh của những công trình này đang bị xâm hại. Và liệu những di tích này có bị khai thác một cách bừa bãi hay không? Liệu có phải chỉ là vấn trùng tu đề quảng bá du lịch, văn hoá hay tận thu kinh doanh mà làm ảnh hưởng đến cả một quần thể di tích có giá trị cả về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật với lối kiến trúc riêng có. Chưa nói đến việc thực hiện sẽ tạo ra sự lộn xộn về kiến trúc, cảnh quan của di tích. Đây không chỉ là một nỗi lo rất lớn của những nhà làm công tác nghiên cứu bảo tồn, của các kiến trúc sư, những người tu hành chánh niệm và là nỗi bất an của đông đảo bà con nhân dân và Phật tử khắp cả nước luôn hướng về cõi linh thiêng, thanh tịnh mà đã hàng trăm năm yên bình trong cõi tâm linh của dân tộc".
Chùa Bổ Đà (cùng 12 di tích khác) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 7) theo Quyết định số 2499/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 22 tháng 12 năm 2016.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà theo quy định hiện hành; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các vật liệu trang trí đang tập kết trong khu vực di tích để phục vụ công việc xây dựng.
Tuy nhiên, việc tiến hành thực hiện với các hạng mục đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận bởi theo các nghiên cứu, ghi chép, không phải quần thể kiến trúc nào cũng có cổng tam quan. Đó cũng là điểm đặc biệt khác biệt ở chùa Bổ Đà, mặc dù có đến 2 lớp cổng nối nhau bởi các tường trình bằng đất...Có thể khi đưa ra ý kiến trùng tu, tôn tạo và xây mới người ta đã không tính đến gía trị lịch sử mà chỉ đơn thuần nghĩ tới việc làm cổng tam quan để chỉ để ngăn cách không gian tâm linh và cũng để khách thập phương khi bước qua cổng tam quan cũng phải có ý thức nghiêm ngắn khi vào khu vực tâm linh tôn nghiêm.
Họa sĩ Trương Đức Hải nhấn mạnh: "Dù bất cứ một ý tưởng hay dự án kế hoạch xây dựng như thế nào, cũng phải xuất phát từ ý thức bảo tồn những giá trị lịch sử hiện hữu; tôn trọng tự do tín ngưỡng thờ phụng và đức tin của nhân dân; không thể lấy lợi ích hay bất cứ lý do gì xâm hại và khai thác trên những giá trị lịch sử tâm linh hàng trăm năm của dân tộc. Hãy nhìn vào những bài học trong quá khứ và cả tương lai để mà biết trân quý giữ gìn bảo vệ giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.
Tại sao lại phải xây tam quan mới?
Cuối tháng 6.2017, đoàn công tác của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) về khảo sát lại chùa Bổ Đà để đưa vào sách, lúc đó chưa hề có việc xây dựng cổng tam quan và cũng không nhận được bất cứ thông tin nào về việc trùng tu tôn tạo này.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, đồng chủ biên cuốn sách được lãnh đạo Bộ VHTTDL đánh giá rất cao đó bức xúc lên tiếng: "Được coi là một “chốn Tổ”, Tổ tiên nhiều đời chắc chắn không "lơ đễnh" đến mức "quên" không dựng Tam quan ở chùa Bổ Đà-Tứ Ân. Mấy trăm năm rồi chùa Bổ Đà không có tam quan, tại sao bây giờ lại phải làm? Trong lịch sử chùa Việt Nam, có những ngôi chùa không có tam quan, đó là đặc điểm riêng biệt và là nét độc đáo của chính ngôi chùa ấy. Bổ Đà là một di tích quốc gia đặc biệt, không thể tùy tiện xây mới, dựng thêm. Tôi muốn nhờ báo chí hỏi xem hội đồng nào đã quyết định việc xây dựng này và để đi đến cùng vụ việc, tôi đề nghị mời các nhà khoa học, đặc biệt là những người làm công tác trùng tu di tích tọa đàm khoa học, nhằm tránh chuyện tương tự tiếp tục xảy ra”.
Khi dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cổng tam quan được xây mới không ảnh hưởng đến nơi thờ tự. Tuy nhiên, ở góc độ kiến trúc, nghệ thuật, họa sĩ Trương Đức Hải cho rằng: "Trước mỗi một công trình kiến trúc đều phải có một không gian thoáng đãng, một tầm nhìn để thưởng ngoạn mới thấy sự bề thế của giá trị công trình, nhất là những công trình có giá trị lịch sử. Không thể ứng xử với di tích theo kiểu cứ thích thì xây, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến kiến trúc tổng quan, bởi ngay từ khi xây dựng người ta đã phải tính đến không gian bao quát cả công trình, chưa kể việc xây mới về kiểu dáng, kiến trúc màu sắc có hài hòa với kiến trúc và cảnh quan lịch sử của di sản hay không?".
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho rằng di tích đã bị xâm hại nghiêm trọng: "Kể cả khi di tích chưa được xếp hạng, thì việc xây mới cũng đã phải rất cẩn trọng. Đây là di tích đã xếp hạng đặc biệt thì càng cần tuân thủ đúng Luật Di sản. Một giá trị nguyên gốc của chùa Bổ Đà là những bức tường đất bao kín khuôn viên chùa. Để mở lối cho tam quan mới một phần tường đất cổ kính đã bị đập bỏ".
Đứng từ phía trong nhìn ra, công trình xây mới tọa lạc án ngữ ngay trước mặt tiền của chùa Bổ Đà.
Hiện nay, chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu hơn 40 pho tượng Phật trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu… Ngoài ra còn có các pho tượng bài trí theo tín ngưỡng thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử, thể hiện rõ dấu ấn tam giáo đồng nguyên. Đây là một trong những điểm khác biệt trong thờ tự của chùa Bổ Đà với các ngôi chùa khác trong cả nước. Hệ thống tượng phật tác chất liệu gỗ, sơn thếp đến nay còn nguyên vẹn, có giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tôn giáo.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin cùng bạn đọc về vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.