Chưa có tên Trịnh Xuân Thanh trên trang web truy nã của Interpol

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Vinh Hải Thứ hai, ngày 19/09/2016 07:12 AM (GMT+7)
Sáng nay, 19.9, trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol vẫn chưa đăng tải thông tin truy nã quốc tế với bị can Trịnh Xuân Thanh. Một sự trùng hợp là bị can Trịnh Văn Thảo (nguyên Giám đốc PVC – ME) dù bị truy nã quốc tế từ năm 2012 nhưng cũng không có tên trên trang web này (?).
Bình luận 0

img

Sau khi Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VP Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trình tự thủ tục truy nã quốc tế với bị can này gồm có một số giai đoạn quan trọng.

Trước tiên, quyết định truy nã phải được gửi đến: Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; Công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an; Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an cấp tỉnh; Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

img

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và thông báo rộng rãi trên website của Cục Cảnh sát truy nã để cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức được biết phát hiện thông báo hoặc bắt giữ theo quy định của pháp luật.

Sau đó, khi đã có căn cứ xác định bị can đã bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan truy nã sẽ gửi Lệnh truy nã cùng các giấy tờ pháp lý có liên quan đến Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Đây là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol).

Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.

img

Hiện tên và ảnh của đối tượng Giang Kim Đạt vẫn còn trên trang web các đối tượng bị truy nã của Interpol.

Sáng nay, 19.9, trên trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol tại địa chỉ (www.interpol.int/notice), theo ghi nhận của PV vẫn chưa thấy đăng tải hình ảnh và thông tin về việc truy nã đối với Trịnh Xuân Thanh. Lý giải điều này, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng để đăng tải thông tin của đối tượng bị truy nã quốc tế cũng cần phải có quy trình và phía Interpol cũng cần thời gian để thẩm định lại yêu  cầu truy nã của các nước thành viên.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là bị can Trịnh Văn Thảo, nguyên Giám đốc Công ty CP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) - đơn vị thành viên của PVC (100% vốn của PVC), người cũng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái… như Trịnh Xuân Thanh vào tháng 9.2012 nhưng do bỏ trốn nên bị công an truy nã quốc tế - cũng chưa có tên trên trang web này (?).

Trong khi đó, theo ghi nhận của PV, hiện trên website vẫn có thông tin truy nã quốc tế đối với 148 đối tượng là người Việt Nam, bị công an Việt Nam ra quyết định truy nã. Trong số đó có cả những đối tượng đã bị công an Việt Nam phối hợp với Interpol bắt giữ như Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinline. Giang Kim Đạt bị lực lượng chức năng bắt giữ vào tháng 7.2015 sau nhiều năm lẩn trốn ở nước ngoài. 

Trong nhóm đối tượng nữ bị truy nã, nổi bật có bị can Phạm Thị Tuyết Mai - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam. Đối tượng này đã bị Bộ Công an phát lệnh truy nã đặc biệt từ năm 2010 về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Trả lời báo chí, Thượng tá Đào Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hà Nội cho biết: "Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh sẽ được Tổ chức Interpol thẩm định, rồi đăng tải trên website của tổ chức này để phát trên toàn cầu. Các nước tham gia tổ chức Interpol sẽ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh trên phạm vi toàn thế giới". 

Được thành lập trên cơ sở Uỷ ban Cảnh sát Hình sự quốc tế (1923), với 190 quốc gia thành viên, hiện Interpol là tổ chức quốc tế đa phương toàn cầu lớn thứ hai sau Liên hợp quốc về số lượng thành viên tham gia. Việt Nam là thành viên chính thức từ ngày 04.11.1991. Ngày 28.5.1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định thành lập Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (nay là Tổng cục Cảnh sát PCTP). Qua hơn 20 năm gia nhập Tổ chức Interpol, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với Cơ quan của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC), lực lượng công an, cảnh sát các nước thành viên của Tổ chức Interpol, Aseanapol để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam như tội phạm về ma túy, mua bán người, khủng bố quốc tế, truy nã tội phạm, rửa tiền, bắt truy nã...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem