Chưa đến mùng 3 đã... đau bao tử

Thứ sáu, ngày 11/01/2013 19:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đúng là ngược đời nếu quanh năm kéo cày rồi đến ba ngày Tết vui vẻ cả làng mà phải kiêng cữ vì sợ bệnh. Nhưng chuyện gì cũng có qua có lại, có vay có trả.
Bình luận 0

Xưa nay hễ bàn đến rượu bia thì trăm dâu đổ đầu lá gan. Nếu tưởng rằng độ cồn chỉ “nhậu” lá gan thôi thì còn thiếu sót bởi bên cạnh chuyện viêm gan, không thiếu người chưa hạ cây nêu đã phải tìm thầy chạy thuốc vì đau bao tử, nhất là khi “thủ phạm” trước đó đã nhiều lần viêm loét dạ dày.

Đã gọi là bệnh bao tử thì cách mấy cũng phải dính dáng đến chuyện ăn uống. Niêm mạc dạ dày tất nhiên không vô cớ bỗng loét làm chi. Lý do sinh bệnh, nếu trình bày một cách đơn giản, là do hậu quả mất quân bình giữa công và thủ trong chức năng tiêu hóa của dạ dày. Chất chua, còn có tên chuyên môn là dịch vị, được sản xuất để góp phần xay nhuyễn thức ăn trước khi đưa xuống ruột non.

Chất này tất nhiên cần thiết nhưng khi hoạt động lại theo kiểu chạy theo thành tích bất cần đúng sai. Có thức ăn thì xay, hết thức ăn mà còn thừa dịch vị thì xoay qua tấn công luôn niêm mạc của dạ dày! Niêm mạc bao tử vì biết rõ anh dịch vị hay nhắm mắt làm càn nên ngày đêm tự bảo vệ bằng cách bài tiết một lớp màng nhầy để cầm chân chất chua.

img
 

Nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn lao tâm, lao lực, stress, bội nhiễm, bội thực, uống rượu bia hay do ăn uống thất thường… khiến chất chua được bài tiết quá mức bình thường hoặc quá nhiều ngay cả khi không có nhu cầu tiêu hóa, trong khi màng nhầy của niêm mạc dạ dày quá mỏng thì khi đó sớm muộn cũng xuất hiện một điểm viêm tấy ở nơi nào mặt trận hở sườn, chẳng hạn ở vùng tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản với cấu trúc mong manh. Chuyện nhỏ xé ra to dễ dàng chỉ vì chất chua trong dạ dày có mặt không đúng lúc!

Tình trạng này tất nhiên càng nhanh chân hơn nữa trong mấy ngày Xuân nếu gia chủ do quá vui nên cũng quá chén lại thêm chỉ uống mà không ăn vì độ cồn trong rượu bia, kể cả rượu thuốc khiến chất chua trong dạ dày:

- Được bài tiết rất trễ sau bữa ăn, thậm chí cả giờ sau khi rời bàn tiệc, khi đó dạ dày trống rỗng nên trở thành miếng mồi ngon của dịch vị.

- Được phóng thích liên tục trong giấc ngủ say mèm khiến gia chủ sáng ra, cho dù có uống thuốc trong ngày trước đó, vẫn đau bao tử như thường, nặng hơn là khác.

Do đó, nếu phải chén thù chén tạc thì đừng quên:

- Ăn nhậu là tiếng kép. Đừng nhậu mà không ăn để nhờ thức ăn tráng mặt trong dạ dày và đỡ đòn của chất chua.

- Uống nước cho nhiều trong và sau khi ăn để vừa giúp xay nhuyễn thức ăn cứng, vừa pha loãng dịch vị.

- Đừng quên các món cải trong mỗi bữa ăn càng tốt, cải nào cũng được, cải ngọt, cải bẹ xanh, bông cải, bắp cải… vì trong cải có hoạt chất giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

- Uống nước khoáng lạnh từng ngụm trước bữa ăn nếu ợ chua.

- Uống nước khoáng từng ngụm nhưng hâm nóng sau bữa ăn nếu đầy hơi.

- Đừng vì quá mải mê “bà tám” khiến hai bữa ăn cách quãng quá xa. Đừng quên là vì cảm giác quá đói nên lượng dịch vị được bài tiết nhiều hơn nhu cầu. Đã vậy lượng chất chua đạt đến cao điểm sau khi ăn đến cả giờ đồng hồ. Hậu quả là người ăn no vẫn dễ bị đau bao tử!

- Đừng uống thêm cà phê buổi tối để tỉnh táo bên bàn bầu cua mạt chược vì cà phê uống sau 19 giờ gây tiết dịch vị không thua rượu bia.

- Đừng để bụng đói trước khi ngủ. Nên nhớ là lượng chất chua được bài tiết trong giấc ngủ trăn trở cao gấp 3-6 lần nếu so sánh với lượng cần thiết cho bữa ăn thịnh soạn. Niêm mạc dạ dày nếu không viêm tấy trước lượng chất chua cao như thế mới là chuyện lạ!

Cẩn tắc vô áy náy. Phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản và an toàn hơn đợi bệnh mới chữa. Uống thuốc trị viêm loét dạ dày trước khi ngủ, nếu được loại có công năng “nhiều trong 1”, vừa kháng chất chua, vừa bảo vệ niêm mạc dạ dày, vừa hút hơi lên men trong đường tiêu hóa, là thượng sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem