TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn NTNN.
Thưa ông, lâu nay đã có rất nhiều các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế thì dường như hiệu quả chưa rõ ràng, chưa cải thiện được nhiều cho nông nghiệp, nông thôn, theo ông nguyên nhân vì sao?
- Đúng là từ chính sách đến thực tế là một khoảng cách quá xa. Đầu tư hiện nay cho nông nghiệp, nông thôn quá thấp và chưa xứng với tiềm năng và đóng góp của khu vực này cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
|
Người nông dân vẫn chưa nhận được những hỗ trợ đầy đủ và tích cực nhất từ các chính sách của Nhà nước. |
|
Nếu dùng hệ số ICOR là đại diện cho hiệu quả đầu tư giữa các ngành thì tôi nhận thấy hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp cũng chẳng kém gì các ngành khác, nếu không nói là còn hiệu quả hơn. Nhưng trên thực tế, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm dưới 10% tổng vốn đầu tư xã hội, trong đó một nửa là đầu tư của Nhà nước. Không có lĩnh vực kinh tế nào của Việt Nam lại phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài như nông nghiệp.
Đây thực sự là một vấn đề đáng quan tâm không chỉ vì lý do xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn, tạo công bằng xã hội mà quan trọng hơn là chúng ta đang bỏ quên khu vực có tiềm năng rất lớn và là một trong những động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn không đánh giá cao những ưu đãi này, vì theo họ thủ tục rất phức tạp. Vậy theo ông, doanh nghiệp thực sự cần gì và làm sao để khuyến khích họ một cách thực chất và hiệu quả để lôi kéo họ đầu tư?
|
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp |
- Có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Khách quan thì đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mặc dù có thể đem lại hiệu quả cao nhưng cũng gặp rủi ro lớn về thời tiết, thị trường cả đầu vào và đầu ra.
Với xuất phát điểm thấp thì cần tạo điều kiện cực kỳ ưu đãi về cơ sở hạ tầng (điện, nước, kho bãi, đường giao thông, cầu cảng), đất đai và vốn thì mới có thể tạo đủ sức hấp dẫn lôi kéo các doanh nghiệp lớn vào đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.
Trong điều kiện ở khu vực nông thôn, mọi thứ đều thiếu và yếu thì những hỗ trợ như đã nêu trong Nghị định 61 là cần thiết nhưng chắc là chưa đủ để hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, việc triển khai và các thủ tục nhận hỗ trợ cũng còn rất nhiều bất cập, do vậy đơn giản hóa các thủ tục trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn trở nên vô cùng cấp bách.
Nông thôn và nông nghiệp là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, sản phẩm nông nghiệp không bao giờ lo thiếu thị trường… Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp lớn, và cả doanh nghiệp FDI cũng không mặn mà khi đầu tư vào đây. Có nguyên nhân gì lý giải cho thực tế này?
- Điều này do bất cập cả ở tầm chính sách vĩ mô và vi mô. Các chính sách vĩ mô từ trước tới nay chủ yếu vẫn ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu hoặc tạo ra cơ hội lợi nhuận lớn cho các ngành phi sản xuất tài chính, chứng khoán, bất động sản nên như bạn thấy các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam cũng như các tập đoàn nước ngoài lớn phần lớn đều có mặt trong các ngành này cả. Có rất ít doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng tăm trên trường quốc tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cơ sở hạ tầng nông thôn còn rất nghèo nàn so với thành thị để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Điện cung cấp cho nông thôn mất thường xuyên, mới dùng để thắp sáng và chưa phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất. Nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt ở nông thôn vẫn còn thiếu, chưa nói đến hệ thống cung cấp nước cho sản xuất. Mới chỉ có 43% diện tích cây rau màu và cây công nghiệp được tưới chủ động.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này lo ngại sự yếu thế của khu vực nông thôn, nông nghiệp sẽ ngày một trầm trọng vì sự đầu tư thực sự chưa tương xứng, chưa đúng và trúng… Theo ông cần một chiến lược phát triển ra sao, để vực dậy khu vực nông thôn, nông nghiệp một cách hiệu quả?
Có đến 40% doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn trả lời là đối với họ việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử đối với doanh nghiệp là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh. 76% doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn cho rằng thủ tục phức tạp là trở ngại cho khả năng phát triển của doanh nghiệp trong 5 năm tới, trong đó 33% cho là đặc biệt trở ngại.
- Suy giảm đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn là vấn đề rất cần quan tâm khi ngành này vẫn có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế. Tăng trưởng nông nghiệp ổn định và bền vững là nền tảng để tạo ra ổn định xã hội, ổn định mức thu nhập cho người lao động và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
Đối với các nước có dân số đủ lớn khi tiến hành công nghiệp hóa thì việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm đầy đủ cho chuyển đổi lực lượng lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là yếu tố mấu chốt cho sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Có một điều đáng lưu ý ở đây là nông nghiệp là ngành duy nhất trong nền kinh tế tạo ra lượng xuất khẩu ròng dương (năm 2010 kim ngạch xuất khẩu nông sản trừ đi nhập khẩu nông sản và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 13 tỷ USD), trong khi các ngành khác đều nhập nhiều hơn là xuất. Và theo tính toán của chúng tôi thì ngành nông nghiệp cũng có sức lan tỏa lớn nhất về liên kết đầu vào, đầu ra so với các ngành kinh tế khác.
Ông có thể nêu một số kinh nghiệm, giải pháp cho một vấn đề cụ thể?
- Về các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nơi có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương tự như chúng ta như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản… Các nơi này đều có xuất phát điểm từ nông nghiệp nên trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, họ chú trọng đầu tư rất lớn cho các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Tại Đài Loan chẳng hạn, khi vấp phải vấn đề đất đai phân tán manh mún như chúng ta, họ đưa các nhà khoa học xuống nông thôn để chuẩn bị kỹ lưỡng việc quy hoạch đất đai và thông qua nông hội để bàn bạc với người dân thống nhất phương án quy hoạch lại đất đai. Khi người dân đồng ý, Chính phủ sẽ tài trợ toàn bộ tiền để cải tạo lại ruộng đồng và làm đường giao thông nội đồng. Kết quả là, mặc dù hiện nay quy mô ruộng đất của nông hộ vẫn ở mức 1ha nhưng các mảnh ruộng trở nên vuông vắn, dễ canh tác bằng máy, thu hoạch dễ dàng và tạo điều kiện áp dụng các kỹ thuật sản xuất và thu hoạch mới để nâng cao giá trị sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.