Ngày 11.11, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, vài ngày gần đây, khoa đã tiếp nhận 8 trẻ bị phản ứng sau tiêm vaccin Quinvaxem. Cháu lớn nhất đã 2 tuổi, cháu bé mới 4 tháng tuổi, đều trú tại Hà Nội. Có 1 cháu không sốt nhưng gia đình nghi cháu bị tím tái nên đưa vào viện, tuy nhiên sau điều trị 1-2 ngày thì không có biểu hiện gì, sức khỏe bình thường. Còn 4 cháu bị sốt và phát ban nhẹ ở chân, bụng, cũng có cháu bị phát ban đỏ toàn thân.
Bé C bị sốt phát ban toàn thân sau tiêm, hiện đã khỏe mạnh
Mẹ cháu T.C.C (7,5 tháng ở Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, cháu được tiêm ngày 7.11, đến chiều thì sốt nhẹ và xuất hiện vài chấm ban đỏ ở bụng. Nhưng 2 hôm sau thì cháu bị phát ban đỏ toàn thân, nên gia đình lo lắng đưa vào viện. Bác sĩ Lâm cho biết, đây chỉ là dị ứng thông thường khi sốt. Hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định, có thể xuất viện. Bác sĩ Lâm nhận định, việc trẻ bị sốt, sưng đỏ vết tiêm chỉ là phản ứng bình thường sau tiêm chủng. Đối với một số trẻ phản ứng mạnh, bị sốt cao có thể gây co giật nhưng là co giật do sốt cao chứ không phải do vaccin. Cha mẹ chỉ cần theo dõi chặt chẽ, hạ sốt cho con thì trẻ sẽ giảm sốt trong 24-48 giờ sau tiêm.
Tuy nhiên, trong 8 cháu có một ca đặc biệt là vừa sốt cao vừa kèm theo các cơn co giật liên tục, nhập viện ngày 5.11. Cháu bé tên N.M (Phú Xuyên, Hà Nội). Gia đình cho biết, cháu tiêm mũi Quinvaxem vào ngày 4.11, đến tối bị sốt và kèm theo co giật. Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm đã điều trị hạ sốt cho cháu, tuy nhiên cơn co giật vẫn không chấm dứt. “Các xét nghiệm đều không thấy có liên quan gì đến vaccin nên chúng tôi xác định cháu bị co giật do bị động kinh nên đã chuyển lên khoa Thần kinh” – bác sĩ Lâm cho biết.
Đến chiều 12.11, tức ngày thứ hai triển khai lại chương trình, TP.HCM ghi nhận dưới 10 trường hợp trẻ có phản ứng nhẹ sau khi tiêm vaccin Quinvaxem. Các trường hợp này đã được nhân viên trạm y tế tư vấn qua điện thoại ngay khi gia đình có yêu cầu. Quốc Ngọc
|
Về trường hợp trẻ bị phát bệnh viêm phổi ngay buổi chiều sau tiêm chủng, bác sĩ Lâm cho biết, viêm phổi ở trẻ nhỏ có nhiều căn nguyên, do virus, do nấm, vi trùng. Đối với viêm phổi do virus thì bệnh tiến triển rất nhanh, buổi sáng khám không sốt, không suy hô hấp nhưng đến chiều có thể trở bệnh nặng.
Tuy nhiên, việc trẻ đang ủ bệnh trong người thì việc tiêm vaccin tạo phản ứng kích thích cũng sẽ làm tăng phản ứng cơ thể của trẻ, khiến bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. Do đó, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ trước đó vài ngày, thông báo cho cán bộ y tế biết để có chỉ định đúng.
Theo thông báo của Bộ Y tế, đã có 15 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vaccin Quinvaxem với tổng số hơn 200.000 trẻ được tiêm chủng, trong đó có ít nhất 81 trẻ bị các phản ứng như sốt, quấy khóc, sưng tấy tại chỗ. Hiện sức khỏe các cháu đã ổn định. Có 1 trường hợp tử vong sau tiêm vaccin tuy nhiên được xác định là do viêm phổi.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.