Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ đã có rất nhiều buổi làm việc với nhau để giải quyết nhiều vấn đề về biên chế giáo viên cũng như vấn đề liên quan.
“Giáo viên rất đông nên vướng mắc về biên chế giáo viên, tới đây chúng tôi sẽ cùng nhau cùng nhau có những giải pháp tham mưu cho Chính phủ giải quyết, tháo gỡ các vấn đề đang vướng”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời tại Quốc hội chiều 7/11.
Bộ trưởng GDĐT bày tỏ "rất mừng" trước thông tin Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tới đây sẽ có nhiều đổi mới về tuyển dụng, điển hình như quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. "Qua thực tiễn chúng tôi thấy, đối với giáo viên nói riêng cũng như đối với viên chức, công chức, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Tới đây sẽ được lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có trường học, Tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, khi sáp nhập thì yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, điều kiện. Bởi mỗi cấp học có tâm sinh lý khác nhau, khi sắp xếp phải tính toán kỹ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng lãnh đạo quản lý Nhà trường hay giáo viên khi sáp nhập liên cấp cùng phải có đủ điều kiện.
“Tới đây chúng tôi cùng với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ xây dựng một nghị quyết để tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên đảm bảo hợp lý, có lộ trình giảm như giảm các cán bộ quản lý và phục vụ thực sự không cần thiết, đối với giáo viên thì tăng nhưng tăng thì tăng cũng là hợp lý chứ không phải tăng một cách vô cùng. Ví dụ, định biên về giáo viên cũng phải tính toán đến các vùng thành phố với các vùng miền núi để tìm hướng khác nhau giúp các địa phương có căn cứ sắp xếp, rà soát”, ông Nhạ cho hay.
Trước đó, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đánh giá cao lời nhận khuyết điểm chân thành của Bộ trưởng Nội vụ. Trong phần chất vấn của mình, bộ trưởng đã trên 5 lần nhận khuyết điểm, trách nhiệm.
Đại biểu Hiền cho biết, cử tri là công chức viên chức, giáo viên gửi tâm tư lo lắng trước những thay đổi liên tục trong các quy định. Họ mệt mỏi với việc tách nhập và việc làm sao hoàn thiện văn bằng chứng chỉ. “Cử tri nói với chúng tôi rằng bằng ngoại ngữ, tin học không khác gì giấy phép con”, đại biểu Hiền nói.
Trong một diễn biến liên quan, Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đã chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về giải pháp cho công chức trong việc thi lấy bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như thế nào để "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa".
Đáng chú ý, Đại biểu Vượt băn khoăn là “các đại biểu Quốc hội sử dụng thành thạo máy tính có cần bằng tin học hay không”.
Trong buổi sáng cùng ngày, trả lời chất vấn của các ĐBQH về vấn đề thi xét tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận việc này “rất phiền hà”. Không chỉ riêng văn bằng, chứng chỉ về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà cả về quy trình bổ nhiệm đều rất rườm rà.
Bộ trưởng Nội vụ nhắc đến quy định về việc này có từ năm 1993, đến nay đã hơn 20 năm nhưng vẫn không sửa. “Một quyết định mà để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà là trách nhiệm của Bộ Nội vụ”, ông Tân nói và “cam kết sẽ sửa ngay và thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.