Chung một nhịp cầu nhờ Tiếng Việt

Lê Hải Đăng Thứ tư, ngày 23/05/2018 15:25 PM (GMT+7)
Ở một phương diện nào đó, dễ nhận thấy sự khác biệt giữa người Việt xưa và nay, ở cả trong nước và ở nước ngoài. Tuy nhiên, tiếng Việt thống nhất trên phạm vi rộng lớn, vượt qua khỏi biên giới lãnh thổ, những khác biệt về ý thức hệ chính trị... Tiếng Việt vẫn không ngừng thay đổi, lan rộng, nhưng bản chất liên thông của nó bất biến.
Bình luận 0

Trong một lần tham quan Vườn Dự ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, tôi mải nói chuyện với mấy người bạn thấy có người tiến lại gần làm quen bằng tiếng Việt. Anh nói: Đi nửa vòng trái đất mới nghe thấy tiếng Việt, biết ngay là người đồng hương.

img

Ảnh minh họa: Internet

Ngày ấy hoạt động du lịch chưa phát triển, người nơi này ít vãng lai đến nơi kia, hy hữu mới gặp một người nói chung thứ tiếng nơi phương trời xa cách. Sau nhiều năm nghĩ lại thấy văn hóa đất nước đã biến đổi, diễn dịch sai lạc nhiều giá trị, trong đó có ngôn ngữ. Ngày nay, khi chúng ta nhắc đến hình tượng Tổ quốc là màu cờ, sắc áo... Nhiều đoàn Việt Nam tham gia giao lưu văn hóa thể hiện tinh thần đồng đội qua câu cửa miệng “vì màu cờ sắc áo”. Trên thực tế, màu cờ sắc áo là những giá trị đến sau, muộn hơn nhiều so với ngôn ngữ, chưa kể, đằng sau “màu cờ sắc áo” có sự khác biệt giữa người Việt xưa và nay, trong và ngoài nước. Còn tiếng Việt thống nhất trên phạm vi rộng lớn, vượt qua khỏi biên giới lãnh thổ, những khác biệt về ý thức hệ chính trị... Tiếng Việt vẫn không ngừng thay đổi, lan rộng, nhưng bản chất liên thông của nó bất biến.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết:

“Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Cùng tôi trong tiếng Việt quay về…” (Tiếng Việt)

Tiếng Việt chính là nhịp cầu nối những người cùng chung ngôn ngữ lại với nhau. Trong di sản văn hóa dân tộc, ngôn ngữ có lẽ là tài sản quý giá nhất. Nhiều di sản văn hóa có thể mai một theo thời gian, bị chiến tranh hủy hoại, còn tiếng Việt, thứ tài sản chung của cả dân tộc vẫn trường tồn. Thứ tài sản vô hình, hữu thanh này có khả năng đi xuyên qua thời gian lịch sử, không gian văn hóa. Nhiều dân tộc trên thế giới chưa hề có chủ quyền, lãnh thổ, nhưng sở dĩ họ được coi là dân tộc, trước hết và sau cùng vì có ngôn ngữ riêng.

Ngôn ngữ gắn nhiều người thành cộng đồng, cộng đồng thành dân tộc… rồi vượt qua khỏi biên giới, lãnh thổ trở thành cộng đồng ngôn ngữ, văn hóa. Ngôn ngữ trở thành một trong những dấu chỉ căn bản để xác định căn cước văn hóa của một cộng đồng hay dân tộc. Hai người gặp nhau rồi trở nên thân thiết cũng nhờ có ngôn ngữ làm trung gian. Nếu không có ngôn ngữ, hai người xa lạ khó thể trở nên thân thiết, ngược lại hai người cùng chung huyết thống cũng thành xa cách. Mọi nhu cầu giao lưu tình cảm, tư tưởng… đều hình thành từ ngôn ngữ. Trong xã hội truyền thống, con người gắn kết với nhau bằng tình thân (huyết thống), dòng họ (tông tộc) và ngôn ngữ. Những người đồng hương dễ dàng nhận ra nhau nhờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là phương tiện biểu hiện tư tưởng, tình cảm, tâm hồn con người.

Nhà triết học người Đức Karl Marx cho rằng: “Ngôn ngữ là hiện thực của tư tưởng”. Câu nói này có khi dịch thành: “Ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy”. Dù theo cách dịch nào, ngôn ngữ vẫn là phần cốt lõi của tư tưởng con người. Nhờ ngôn ngữ, tư tưởng con người có khả năng trở thành thế giới – thế giới tư tưởng - một hệ sinh thái nhân văn thuộc về cá nhân. Tất nhiên, chúng ta không thể tuyệt đối hóa vai trò tư duy của ngôn ngữ, nhưng nó chính là một công cụ quan trọng. Nếu không có ngôn ngữ, tư tưởng con người thiếu đi một công cụ để liên thông với thế giới, từ triển khai ý tưởng, hiện thực hóa thành lời nói, hành động...

Bởi vậy, tự do tư tưởng khỏi đầu cho mọi sự tự do. Nếu tư tưởng bị giãm hãm, cầm tù, ngôn ngữ không thể có tự do. Ngôn ngữ không tự do, tâm hồn sẽ bị tù túng, nô lệ trong bức tường tư tưởng. Nhờ sự tự do của tư tưởng mà ngôn ngữ được giải phóng. Tự do ngôn ngữ và tư tưởng là hai khía cạnh của một hiện thực – hiện thực tư tưởng. Và tự do tư tưởng đến từ hai chiều tác động: ngoại cảnh và tâm cảnh. Có người thân thể tự do, nhưng tư tưởng bị cầm tù. Ngược lại, có người thân thể bị cầm tù, nhưng tư tưởng tự do. Nếu chúng ta nhốt tư tưởng vào chiếc lồng, kể cả ý thức hệ, ngôn ngữ sẽ lặp đi lặp lại theo lối mòn, thiếu sức sống và năng lực sáng tạo. Khi tư tưởng tự do, ngôn ngữ được tiếp thêm sức mạnh, thỏa chí tang bồng, bay bổng, chao liệng trên bầu trời sáng tạo. Mọi rào cản về tư tưởng đều làm hạn chế quyền năng của ngôn ngữ.

Trong các chỉ báo đo lường về năng lực sáng tạo, ngôn ngữ chính là một trong những chỉ báo quan trọng. Mức độ cởi mở của hoạt động truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình, diễn ngôn, văn học, nghệ thuật… đều thể hiện qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ giống như một văn cảnh lớn ghi chú những biến chuyển đang diễn ra trong lòng một quốc gia, một nền văn hóa, thậm chí cả thế giới. Thế giới ngôn ngữ rộng, dài, thăm thẳm, bí hiểm trong trường văn hóa của nó. Trong xu hướng vận động không ngừng, ngôn ngữ thể hiện tính chất linh hoạt, biến chuyển nhịp nhàng cùng thời đại. Trí thức xưa được gọi là kẻ sĩ. Kẻ sĩ hay trí thức có nhiều cách hiểu khác nhau, song có một dấu hiệu căn bản, đó là việc sử dụng phương tiện ngôn ngữ làm công cụ để thể hiện thế giới quan, tư tưởng, kiến văn, lập trường, quan điểm sáng tạo...

Nói như nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài thơ “Tiếng Việt”.

“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ.

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn.

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá.

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem