Chung sức bảo vệ đường biên

Thứ hai, ngày 02/09/2013 07:20 AM (GMT+7)
Trong những chuyến công tác tại địa bàn biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, tôi luôn chuẩn bị giấy tờ đầy đủ theo luật định; trong đó không thể thiếu giấy giới thiệu của bộ đội biên phòng các tỉnh.
Bình luận 0
Nếu không có đủ giấy tờ, tôi sẽ phải... về không bởi sự cảnh giác cao độ của bà con vùng biên.

Không đủ giấy tờ khó đến được vùng biên giới

Nhờ có tờ giấy giới thiệu, khi đến vùng biên giới, tôi nhận được sự giúp đỡ rất thuận lợi về cung cấp thông tin, trợ giúp khó khăn lúc đi đường nếu bị tắc đường, hỏng xe, lạc lối... Và tôi cũng từng được “chạm” vào sự cảnh giác khi thiếu tờ giấy này khi đến với những nông dân ở bản Nậm San, xã Mường Tè (huyện Mường Nhé, Điện Biên).

Bộ đội biên phòng Đồn Tân Xuân (Mộc Châu, Sơn La) trước giờ xuất kích làm nhiệm vụ.
Bộ đội biên phòng Đồn Tân Xuân (Mộc Châu, Sơn La) trước giờ xuất kích làm nhiệm vụ.

Sau khi làm việc với ông Chu Văn Sâm - Chủ tịch UBND và ông Sùng Páo Ly - Phó Bí thư Thường trực xã Mường Nhé, tôi được giới thiệu về một nông dân giỏi người Mông ở bản Nậm San là ông Sùng A Chá. Theo lời cán bộ xã, tôi phi xe máy thẳng tiến Nậm San, nhưng bản người Mông nằm rải rác trên mấy sườn đồi nên cứ phải hỏi nhà, hỏi đường liên tục. Hỏi tới 3 người, trình thẻ nhà báo cẩn thận, tôi mới được chỉ tới nhà ông Sùng A Chá. Vừa dừng trước nhà, ông Chá đã ra đón. “Thật là may! Đến một lần đã gặp ngay đúng người cần gặp”- tôi nghĩ.

Quả thật, với bà con vùng cao, tìm được nhà đã khó nhưng gặp được chủ nhà thì càng khó hơn vì bà con hay đi nương, đi chợ, đi huyện... và rất có thể “chưa biết bao giờ mới về”. Sau mấy câu chào hỏi và trình thẻ nhà báo, trình bày nội dung công việc, ông Chá nhận lời, tôi tranh thủ lấy sổ ghi chép và máy ghi âm ra bàn. Không ngờ ông vội xua tay, bảo: “Cán bộ cho xem cái giấy giới thiệu của cấp trên đi. Không có cái giấy ấy không làm việc được đâu”.

Đang vui vẻ, mặt tôi chợt “tắt điện”, sững người. Thì ra những câu chào hỏi, trao đổi, cười nói từ lúc gặp đến giờ cũng chỉ là xã giao. Thậm chí cái thẻ nhà báo đã trình, 2 cán bộ vào hạng to nhất xã giới thiệu cũng chả ăn thua gì! Tôi loay hoay tìm mãi không thấy cái giấy giới thiệu đâu, ông Chá nhất quyết ngồi chờ “có giấy mới tiếp”. Những tưởng phải quay lại lấy giấy giới thiệu thì may thay, tôi tìm lại được ở cuốn sổ vừa ghi chép buổi làm việc với UBND xã.

Thấy cái giấy giới thiệu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, mặt ông Chá lại tươi lên như lúc mới gặp. Ông nhẹ nhàng: “Cán bộ thông cảm. Dân vùng biên giới phải thế. Người đến đây có kẻ xấu, người tốt. Mình không làm nghiêm, dễ bị lợi dụng lắm”. Sau khi làm việc với ông Chá, tôi mới biết cả mấy bản Mông với hàng trăm hộ dân ở đây không ai dính vào ma tuý, không tái trồng cây thuốc phiện hoặc xách hàng thuê cho bọn tội phạm... cũng chính là nhờ tinh thần cảnh giác cao của mỗi người dân.

“3 cùng” và “3 không”

Huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La là một trong những địa bàn nóng nhất cả nước về tệ nạn buôn bán ma tuý; trong đó các xã Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Sơn, Lóng Sập, Loóng Luông là cửa ngõ nóng nhất với hàng trăm vụ bắt giữ, đụng độ ác liệt. Tại bản Thín, bản Tưn của xã Xuân Nha, chuyện người dân tham gia cùng bộ đội biên phòng bắt ma túy không hiếm. Gần đây nhất, bà con hỗ trợ bộ đội đấu lại với một đối tượng mang ma tuý, có súng K54. Tuy nhiên, khi tôi tới hỏi về những chuyện này, bà con đều trả lời “không biết”, cho tới khi tôi phải trình giấy giới thiệu ra...

"Bộ đội biên phòng chúng tôi hoàn thành tốt được nhiệm vụ cũng là nhờ sự chung sức, chung lòng và cảnh giác cao độ của bà con nơi đây. Biên giới chỉ vững vàng khi quân với dân một ý chí.
Trung tá Bàn Văn Chanh

Trung tá Bàn Văn Chanh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Xuân (Mộc Châu, Sơn La) kể: Hôm ấy 2 trinh sát đã quật ngã đối tượng ngay ở khu vực cầu bản Thín, đá tung được súng của nó ra đường trước khi nó bóp cò.

Nhưng nó to khoẻ quá nên 2 trinh sát vật lộn lắm cũng chỉ ghì được nó xuống đường chứ không thể buông nó ra mà nhặt súng hoặc rút súng của mình. “May mà người dân đã kịp đến hỗ trợ nên khống chế được đối tượng, không ai thương tích, thương vong”- anh Chanh nói.

Chuyện người dân vùng biên “3 cùng” với bộ đội biên phòng là chuyện thường ngày. Dân sẵn lòng cùng đi tuần tra biên giới, cùng xây dựng đường biên, cột mốc; cùng bộ đội giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc. Nhưng người dân cũng sẵn sàng “không biết, không nghe, không thấy” với người lạ về những vấn đề an ninh. Nhờ vậy mà đất nước có những đường biên giới bình yên, vững mạnh...

Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem