Chuỗi giá trị bị đứt gãy do Covid-19, nông nghiệp vẫn thu 37,42 tỷ USD trong 11 tháng

Khương Lực Thứ sáu, ngày 11/12/2020 13:57 PM (GMT+7)
Năm 2020 là một năm khó khăn khi thế giới phải căng sức chống lại đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, dù đã khống chế thành công dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng do sự đứt gãy chuỗi giá trị nông toàn cầu và hàng rào kỹ thuật được nâng cao để ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch.
Bình luận 0

Sáng 11/12, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị toàn thể ISG 2020 với chủ đề: "Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19: Cơ hội và thách thức" với gần 200 đại biểu của các tổ chức quốc tế và trong nước tham dự.

71% người dân được khảo sát bị giảm thu nhập

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng trên thế giới, tác động tiêu cực đến 2 trụ cột trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là thương mại và đầu tư và cướp đi sinh mạng, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

Nông nghiệp Việt Nam đương đầu ứng phó với đứt gẫy chuỗi giá trị do Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu khai mạc Hội nghị toàn thể ISG 2020 với chủ đề: "Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19: Cơ hội và thách thức"

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam có chủ trương và chỉ đạo các biện pháp quyết liệt để đạt mục tiêu "kép" - kiểm soát được đại dịch đồng thời ổn định và tăng trưởng kinh tế.

 "Cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19, các cán cân vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP trong 9 tháng là 2,12% và phấn đấu năm nay sẽ đạt 2,5-3%" - ông Doanh nói.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn. Ngoài tác động của đại địch Covid-19, khu vực nông nghiệp và cư dân nông thôn còn chịu ảnh hưởng phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Trong bối cảnh đó, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và các địa phương cùng với sự hỗ tích cực của cộng đồng quốc tế đã triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ các giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4%.

Tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Đây là điều mà nhiều nước không làm được như vậy.

Nông nghiệp Việt Nam đương đầu ứng phó với đứt gẫy chuỗi giá trị do Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam: Kết quả khảo sát 1.300 người ở 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam cho thấy, 71% người trả lời trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thấy thu nhập giảm đáng kể do dịch Covid-19.

Dù vậy, bà Caitlin Wiesen chia sẻ kết quả khảo sát 1.300 người ở 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam cho thấy, 71% người trả lời trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thấy thu nhập giảm đáng kể do dịch Covid-19.

"Cùng với đại dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có, nhiều đợt bão lũ lịch sử, đặc biệt ở miền Trung trong tháng 10-11 vừa qua cho thấy tính dễ bị tổn thương và nguy cơ xảy ra nghèo đói ở khu vực nông thôn" - bà Caitlin Wiesen.

Ứng phó với "làn sóng" đứt gãy chuỗi giá trị

Bộ NNPTNT nhận định, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 còn diễn biết hết sức phức tạp, kinh tế toàn cầu sẽ trở lên bất ổn hơn trong khi nông nghiệp Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Nông nghiệp Việt Nam đương đầu ứng phó với đứt gẫy chuỗi giá trị do Covid-19 - Ảnh 3.

Gần 200 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự Hội nghị toàn thể ISG 2020 với chủ đề: "Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19: Cơ hội và thách thức"

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cho cả sản xuất và phân phối thực phẩm, dẫn đến những tắc nghẽn trên toàn chuỗi cung ứng thực phẩm. Do các biện pháp kiểm dịch để đối phó với đại dịch nên việc đàm phán và thỏa thuận các biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường giữa Việt Nam và các quốc gia bị đình trệ. 

Cùng với đó, các biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được nâng cao để ngăn chặn sự lây nhiễm và tái phát của đại dịch.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19 nên chuỗi giá trị không bị đứt gãy. Không chỉ có vậy, nhiều hoạt động kết nối nông dân, HTX tiêu thụ nông sản trong nước đã được thúc đẩy, tổ chức. Các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến vấn đề đầu tư chế biến, bảo quản và logistic.

Tuy nhiên, điều ông Tuấn muốn lưu ý là tất cả các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... lại đang có chỉ số đứt gãy chuỗi giá trị cao nhất. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới đang có xu hướng đi xuống, ghi nhận mức tăng trưởng âm, dẫn tới suy giảm nhu cầu. Vì thế, mức độ cạnh tranh về giá và sản phẩm sẽ ngày càng quyết liệt hơn.

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu, tận dụng công nghệ trong CMCN 4.0, đồng thời thu hút đầu tư doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do để kết nối tốt hơn với đầu cuối của xuất khẩu; nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt.

Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nói về giải pháp để Việt Nam ứng phó với đứt gãy chuỗi giá trị, ông Hardwick Tchale, Cố vấn cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần chú ý tới khả năng sản xuất, lưu trữ thực phẩm, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước. Đối với xuất khẩu, cú sốc đại dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế của mình trên thị trường thế giới. 

Để tận dụng cơ hội, ông Hardwick Tchale  lưu ý, Việt Nam cần tăng cường số hóa để tìm hiểu, khám phá và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy các biện pháp thương mại tự do để tận dụng vị thế quốc gia chủ chốt trong thị trường nông sản thế giới của Việt Nam.

Tại Hội nghị toàn thể ISG 2020, Bộ NNPTNT cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chung về "Hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19". 

Tuyên bố chung là thể hiện sự cam kết cao tiếp tục hợp tác giữa Bộ NNPTNT với các đối tác phát triển cùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam bền vững, góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu "kép" do Chính phủ Việt Nam đưa ra.

Hội nghị toàn thể ISG là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NNPTNT với các cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp và các đối tác để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường điều phối các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững và bao trùm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem