Chương trình hỗ trợ xi măng: Chung sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Nguyễn Quỳnh Thứ tư, ngày 16/10/2019 15:41 PM (GMT+7)
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là những tiêu chí tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong những năm qua, chương trình hỗ trợ xi măng đã được tỉnh Hà Giang triển khai, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Bình luận 0

Đề án thiết thực, hiệu quả

Đề án hỗ trợ xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm đến năm 2020 (Đề án 114) được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 114/QĐ-UBND, ngày 19/01/2017. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh có ít nhất 25% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí NTM.

Để triển khai thực hiện Đề án 114, định kỳ hàng tháng, quý tỉnh Hà Giang đều triển khai họp giao ban về tổ chức thực hiện đề án 114 với các huyện, thành phố; Các cuộc họp giao ban hàng tháng được tổ chức lồng ghép vào nội dung họp giao về các chương trình trọng tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của UBND tỉnh. Yêu cầu thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ hàng tháng về kết quả thực hiện, cũng như các khó khăn vướng mắc tại cơ sở trong thực hiện đề án 114; đồng thời giao các ngành liên quan trực tiếp ban hành văn bản để hướng dẫn, trà lời và tháo gỡ các vướng mắc tại cơ sở.

img

Nhiều tuyến đường tại Hà Giang được xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đề án được Ban chỉ đạo các cấp của tỉnh Hà Giang quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, kênh mương thủy lợi; tạo phong trào rộng khắp và khơi dậy được sự hưởng ứng của nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công sức, vật liệu để làm đường; phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân... Chất lượng đường bê tông nông thôn đã được nâng lên so với các năm trước. Đặc biệt sự giám sát của các tổ chức đoàn thể và người dân được phát huy hiệu quả.

Những kết quả đáng ghi nhận

Xét theo các tiêu chí xây dựng NTM chuẩn quốc gia, kết quả mà Hà Giang đạt được là rất đáng tự hào, cụ thể:

Từ tháng 1/2017 đến hết tháng 6/2018, tổng khối lượng xi măng phân bổ là 91.347 tấn, đạt 9,2% so với đề án; kinh phí 141.901 triệu đồng, thực hiện được khoảng 559 km đường bê tông các loại; Tổng số ngày công đóng góp của nhân dân để thực hiện đề án là 420.292 ngày công, hiến đất làm đường được 522.959m2.

Đến hết 6/2018, tổng kinh phí đã bố trí 70.891 triệu đồng, đã phân bổ 39.776 tấn xi măng, thực hiện được 145 km đường bê tông các loại, đến hết 2018 hoàn thành 510 km đường bê tông các loại (đạt khoảng 14% so với kế hoạch 2018 của đề án); tổng số ngày công đóng góp của nhân dân để thực hiện đề án là 139.874 ngày công, hiến đất làm đường được 160.589 m2;Thời gian qua, xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên) là điểm sáng trong công tác thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng ở Hà Giang.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay ở Linh Hồ, những con đường bê tông sạch đẹp trải dài khắp các ngõ xóm, cánh đồng giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. Để có được kết quả như hôm nay, nhân dân xã Linh Hồ đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, trên 1,5 tỷ đồng tiền mặt và hiến trên 3.000m2 đất; cứng hóa được 19,6km đường trục thôn; 13,54km đường ngõ xóm; 6,3km đường nội đồng…

Cùng với xã Linh Hồ, các địa phương khác trong huyện Vị Xuyên cũng đã tích cực triển khai Đề án 1 triệu tấn xi măng của tỉnh Hà Giang. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Vị Xuyên, khối lượng xi măng cung ứng cho các xã, thị trấn đạt trên 12.000 tấn, hoàn thành 84km đường giao thông nông thôn.

Không chỉ huyện Vị Xuyên, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Đồng Văn cũng đã huy động được sức dân cùng thực hiện có hiệu quả chương trình.

Cụ thể, lãnh đạo BTV, BCH Đảng bộ xã, cán bộ trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM... đã trực tiếp xuống các thôn chỉ đạo và trực tiếp tham gia cùng cán bộ thôn vận động người dân làm đường. Để thực hiện làm đường hiệu quả, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ đề ra; các xã đã phối hợp chặt chẽ với thôn, xóm tổ chức họp dân, bàn giải pháp tổ chức thực hiện. Theo đó, ngoài số xi măng được nhà nước hỗ trợ, người dân nhiều thôn, xóm đã tự nguyện đóng góp tiền thuê máy nghiền đá để làm vật liệu; mỗi hộ dân cử một người tham gia làm đường; đối với những hộ không có nhân lực thì phải thuê người làm. Trong quá trình làm, sẽ phân theo tổ và làm từng đoạn một theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo sự công bằng.

Nhờ vậy, tính đến hết năm 2018, từ nguồn xi măng được hỗ trợ, Đồng Văn đã làm được 46,8 km đường giao thông nông thôn, mỗi đường rộng từ 2,5m đến 3,6m ở 12/19 xã, thị trấn trong huyện.

Nhờ có Đề án 1 triệu tấn xi măng, các huyện khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng đã có những thay đổi tích cực trong việc xây dựng NTM. Như ở Mèo Vạc, năm 2017 được hỗ trợ hơn 5.000 tấn xi măng để hoàn thành 43km đường giao thông tại 18 xã và thị trấn. Huyện Hoàng Su Phì được cấp hơn 4.000 tấn xi măng để hoàn thiện hệ thống đường giao thông và gia cố kênh mương trên địa bàn. Có thể thấy, Đề án 1 triệu tấn xi măng của tỉnh Hà Giang đã và đang góp phần giúp các địa phương thực hiện xây dựng NTM sớm cán đích.

Khó khăn và một số bài học kinh nghiệm

Điểm nổi bật của Hà Giang trong chỉ đạo xây dựng NTM là: thành lập Ban Quản lý Chương trình xây dựng NTM trực thuộc UBND tỉnh; ban hành Quyết định về Bộ tiêu chí NTM, trong đó có bổ sung 10 tiêu chí của tỉnh; Quy định lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng xã NTM trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020; Quyết định về định mức hỗ trợ, thanh quyết toán các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm thuộc chương trình xây dựng NTM theo thiết kế điển hình của tỉnh.

Đối với các công trình về đường giao thông nông thôn, tỉnh Hà Giang đã xây dựng cơ chế hỗ trợ theo thiết kế mẫu của tỉnh, cụ thể như: đường rộng 3m được hỗ trợ 165 tấn xi măng và 98 triệu đồng; đường rộng 3,5m được hỗ trợ 248 tấn xi măng và 148 triệu đồng; đường rộng 4m được hỗ trợ 283 tấn xi măng và 169 triệu đồng… Đối với các công trình này, thủ tục thanh quyết toán khá đơn giản, giảm được nhiều chi phí trung gian không cần thiết (tư vấn thiết kế, thuế, giám sát và một số chi phí khác). Căn cứ vào kết quả nghiệm thu khối lượng công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, hồ sơ thanh quyết toán trên cơ sở đó chủ đầu tư sẽ thanh toán tiền hỗ trợ cho người dân hay đơn vị thi công.

Theo báo cáo của VP ĐPNTM Hà Giang, trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng NTM theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm đến năm 2020 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổ bật là kinh phí thực hiện còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của đề án 114.

Đề án 1 triệu tấn xi măng được triển khai tại 11 địa phương trên địa bàn, với mục tiêu hỗ trợ hơn 758.700 tấn xi măng làm đường giao thông nông thôn và phần còn lại để kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Kinh phí thực hiện Đề án được sử dụng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (chiếm 50%) và nguồn ngân sách địa phương (chiếm 50%).

Tuy nhiên, đây cũng là một cái khó cho các địa phương bởi cơ chế huy động vốn, quyết toán hai nguồn vốn này là khác nhau.

Mặc dù không tránh khỏi khó khăn thách thức, nhưng với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc, cùng với việc triển khai Đề án thuận lợi trong những năm qua đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dânvà đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở Hà Giang.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang, hết năm 2018, toàn tỉnh Hà Giang có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), ngoài ra có thêm 5 xã đã đạt tiêu chí giao thông. Kết quả này có sự góp sức của Đề án hỗ trợ 1 triệu tấn xi măng bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2017-2020.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem