Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) nay đã là nghĩa trang quốc gia với hàng ngàn di cốt liệt sỹ được quy tập. Nhưng còn rất nhiều anh linh liệt sỹ khác vẫn đang bị đá núi chôn vùi ở những điểm cao biên giới - cửa khẩu Thanh Thủy - mảnh đất biên cương hào hùng trang sử Việt.
Kỳ 1: Cuộc chiến khốc liệt
Đến ngã 3 Thanh Thủy, chúng tôi thấy nhà cửa san sát, mái ngói đỏ au. Thấp thoáng trong cảnh chiều tàn là hình ảnh những người dân trở về sau một ngày lao động miệt mài trên nương rẫy.
Thanh bình đến lạ. Những lữ khách một lần đặt chân qua cửa khẩu đều không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Nhưng nếu không nghe kể, ít người hình dung được rằng, mảnh đất này, chỉ mới hơn 30 năm trước thôi, đó là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt, giữa một bên là những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc mặt trận Vị Xuyên (1979-1989) với quyết tâm giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, dù hy sinh đến người cuối cùng cũng không lùi bước, và một bên là đạo quân xâm lược hung tàn Trung Quốc.
Điểm cao 685, được gọi với cái tên "Lò vôi thế kỷ", trong chiến tranh biên giới Hà Giang năm xưa.
Cao điểm 772, 685, 1100, 1509 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) xanh mướt màu cây cối, thấp thoáng những bản làng và những con đường mới được mở, nhưng trong tâm trí những cựu binh Mặt trận Vị Xuyên thì nó vẫn đặc quánh màu khói pháo, thuốc súng của những trận đánh năm xưa.
Những địa danh bất tử như “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”, “Ngã ba tử thần”… với họ, vẫn luôn hằn sâu trong ký ức.
Ở điểm cao 468, một đài hương đã được dựng lên, và công trình nhà tưởng niệm vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Hoàng Thế Cương, một cựu binh chia sẻ, đó là nơi hội tụ của những đồng đội đã hy sinh trên các điểm cao, sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. Với những cựu chiến binh còn may mắn sống sót, họ mong muốn làm tất cả những gì có thể để anh linh đồng đội được yên nghỉ.
Ông Hoàng Thế Cương (áo trắng) cùng các đồng đội trên chiến trường năm xưa.
Hàng năm, cứ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, mà cao điểm nhất là vào ngày 12.7 – ngày "giỗ trận" của Sư đoàn 356 anh hùng, có rất nhiều người lính năm xưa đã trở về chiến trường khốc liệt hơn 30 năm trước. Những cuộc hội ngộ diễn ra trong nước mắt. Họ khóc vì thương nhớ đồng đội, vì những ký ức bi tráng, vì sự đổi thay, hồi sinh thần kỳ của Vị Xuyên – mảnh đất họ từng chiến đấu để giữ gìn. Một số cựu binh còn chọn mảnh đất này là nơi gắn bó vởi cả phần đời còn lại của mình sau cuộc chiến.
Có những người về sau chỉ nghe loáng tháng họ vẫn gọi đấy là cuộc chiến Lão Sơn. Tuy nhiên, Lão Sơn chỉ là cách gọi của Trung Quốc. Đối với các cựu binh trở về sau cuộc chiến, chỉ có những địa danh trở nên bất tử như điểm cao 1509, 772, 685…
Video cuộc gặp gỡ đặc biệt của cô bộ đội và em bé sau 37 năm:
Trong buổi lễ phát động xây dựng Nhà tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang của Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận ngày 2.4.2016 vừa qua, Đại tá Nguyễn Lư, 81 tuổi, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 3, Quân khu I, cho biết, chỉ tính riêng từ năm 1984 đến 1989 đã có 16 sư đoàn, 4 lữ đoàn, nhiều trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới trên mặt trận này.
Suốt một dải, từ điểm cao 1509 qua bình độ 1200-1100-1000 đến các điểm cao 772, 685, 400, đồi cây xanh, đồi Chuối, đồi Đài, ngã ba Thanh Thủy và hai bản Đông Tây Sông Lô, 6 năm ấy đã diễn ra hàng ngàn trận đánh từ quy mô trung đoàn, sư đoàn đến sư đoàn tăng cường. Cán bộ chiến sĩ trên mặt trận này đã anh dũng chiến đấu đánh bại mọi cuộc tấn công xâm lược của quân bành trướng Trung Quốc, giành giật lại những địa danh như bình độ 1100, điểm cao 685, điểm cao 400...
Đại tá Nguyễn Lư trong buổi lễ phát động xây dựng Nhà tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên.
Ta với địch giành nhau từng mét chiến hào, từng mỏm đá, gốc cây. Những trận địa pháo nã đạn liên hồi đã biến đồi cây xanh thành đồi đất đỏ, hạ thấp độ cao hàng chục mét.
Người chiến sĩ phải lấy đất đỏ nhào vào người chỉ trừ đôi mắt, mũi, nòng súng để ngụy trang và tiêu diệt địch. Hai bên đối mặt nhiều lúc chỉ cách nhau có hơn trăm mét. Quân bành trướng Trung Quốc bắn pháo như vãi trấu, rồi tràn quân sang chiếm các điểm cao của ta. Các chiến sỹ ta kiên quyết giữ từng mỏm đá, đánh đến hơi thở cuối cùng.
Đại đội trưởng Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá”, đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên địch trở thành người hùng bất tử.
Các cựu chiến binh bên đài hương tưởng niệm các anh linh liệt sỹ tại điểm cao 468.
Trên mặt trận Vị Xuyên, quân và dân ta đã loại ra khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giữ vững từng tấc đất của Tổ Quốc. Họ đã thực hiện lời thề: “Vị Xuyên đất rộng trời cao/ Thề cùng Trung Quốc có tao không mày” và tạo nên những địa danh huyền thoại như Lò Vôi Thế Kỳ, Suối Âm Phủ, Thác Gọi Hồn…
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều đơn vị cá nhân đã được Đảng và Nhà nước phong tặng những phần thưởng cao quý, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huy chương các loại.
Để giành được thắng lợi huy hoàng này, đã có hàng ngàn người con ưu tú phải hi sinh mà hài cốt các anh hiện nay còn nằm lại ở các thung sâu, khe đá, bên lùm cây vẫn chưa quy tập được.
"Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy..." - cựu chiến binh Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, đã ngậm ngùi cất lên những vần thơ day dứt khôn nguôi cho đồng đội và thân nhân, khi hồi tưởng lại những ký ức bi tráng mà hào hùng năm ấy.
Oai hùng là vậy, gian lao bi thương như thế đó, nhưng ai cũng có những ngậm ngùi, băn khoăn sâu kín trong lòng...
(Xem tiếp >> Những cao điểm "ghê rợn" ở chiến trường Vị Xuyên năm xưa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.