Chuyện cây “cổ, kỳ, mỹ” - “Danh mộc” vùng quê lúa

Nguyễn Long Thứ tư, ngày 19/03/2014 07:55 AM (GMT+7)
Thái Bình là vùng đất lúa duy nhất ở Bắc bộ không có núi rừng. Song trên mảnh đất màu mỡ và cũng nhiều bão biển ấy vẫn tồn tại những cây cổ quý hiếm, thuộc hàng cây di sản quốc gia.
Bình luận 0
Cây tự nhiên cũng như cây cảnh, nếu đã đứng vào hàng quý hiếm phải hội đủ những yếu tố: cổ, kỳ, mỹ. Trong những cây cổ được coi là “danh mộc” ở Thái Bình, cây cổ nhất tới nay được biết đến là cây Trôm Mõ làng An Để, xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư).

Từ xưa tới nay dân làng vẫn gọi là cây Uốp, nằm trên mảnh đất rìa làng cạnh gia đình nhà ông Đỗ Đức Hữu. Theo các cụ họ Đỗ Đức truyền lại, từ 10 đời trước cụ tổ của họ về đây lập nghiệp đã có cây cổ này.
cây Trôm Mõ làng An Để, xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư)
Cây Trôm Mõ làng An Để, xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư).
Làng An Để xưa là trung tâm của vùng đất cổ Lạng Hương Mần, nơi sinh của Linh Nhân Hoàng Hậu Đỗ Thị Khương, vợ vua Lý Nam Đế. Đồng thời cũng là quê hương của các vị danh khoa nổi tiếng đã có tên trên văn bia ở Quốc Tử Gíam, như: Đặng Nghiễm, Đỗ Nguyên Chương, Đỗ Duy Đê…

Theo ghi chép của Cao Biền từ thế kỷ thứ IX, nơi đây là vùng đất nằm trong dải đệ lục mạch, là đất phát khoa của nước Nam. Bởi vậy, từ xa xưa nhiều người Tàu đã tìm tới đây để đặt mộ tổ tiên mong được phát đạt. Khu vực cạnh chợ làng và ngôi chùa ông Lâu hiện nay còn rất nhiều ngôi mộ cổ không ai biết có tự bao giờ. Người làng truyền rằng dưới gốc cây Uốp là một ngôi mộ cổ.

Chuyện kể rằng một người Tàu đã đến đây, trồng cây “độc” này cách đây đã hơn một ngàn năm để đánh dấu và yểm mộ. Nhiều báu vật và một xác ướp người con gái trẻ đẹp được chôn kèm theo ngôi mộ. Về sau cũng một người Tàu tới đào lấy của cải và xác ướp mang đi.

Nhiều người còn kể, vào những đêm mưa gió tối trời, có một con rết to dài như chiếc đòn gánh chui từ gốc cây Uốp bò ra khu miếu Hai thôn đến gần sáng lại bò về. Chính nhờ có con xà tinh nên cây Uốp nằm chơi vơi một mình ở mảnh đất bìa làng nhưng bao đời nay không ai dám chặt phá cây hay lấn chiếm đất.
Cây Sanh ở làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà
Cây Sanh ở làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà.
Một cây khác tuy không thật cao niên nhưng có vẻ đẹp độc nhất vô nhị trong làng cây cổ thụ Việt Nam. Đó là cây Sanh ở làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà. Cây được trồng cách đây khoảng hơn 200 năm bên bức trấn phong trước của đền Lưu Xá, nơi thờ Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Điều và dòng dõi họ Lưu. Hơn hai trăm năm họ Lưu có công phò tá nhà Lý, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, dời đô về Thăng Long…

Làng Lưu Xá xưa là trang ấp của Lưu gia, nằm trong dải đất phát vương. Tới thế kỷ XIV khi nhà Lý suy vi, thanh thế dòng họ Lưu cũng lụi theo. Nhân cơ hội đó, Trần Thủ Huy, bố của Trần Thủ Độ, một danh tướng của phái võ Đông A nhà Trần mới di dời từ Thiên Trường Nam Định sang đất Long Hưng, đã ra tay sát hại Lưu gia và chiếm đoạt Lưu trang. Do vậy hiện nay làng Lưu Xá tuy vẫn thờ Lưu Ngữ, ông tổ họ Lưu làm thành hoàng nhưng cả làng không còn một gia đình họ Lưu nào.

Trường tồn bên ngôi đền cổ, đến nay thân rễ cây Sanh đã kết thành một khối như chiếc áo giáp phủ gần kín bức trấn phong. Thân cây to và cành lá xum xuê, rễ dài như chảy từ trên trời xuống, bóng cây vững chài, bệ vệ tạo thành chiếc lọng khổng lồ che chở cho ngôi đền.

Người dân làng bảo bởi đất nơi đây thấm nhiều máu oan của Lưu gia nên cây Sanh mới tốt tươi như thế. Và vào những đêm thanh vắng nhiều người còn nghe thấy nhiều tiếng khóc oan lẫn trong tiếng gió gào trên cây. Bởi cây có dáng đẹp, lạ, từ mấy năm trước những lái buôn cây từ miền Nam đã nhiều lần tới đòi mua, và đặt giá tới hàng chục tỷ đồng nhưng làng không ai dám bán.

cây đa ở đình Đông, làng Hổ Đội, xã Thụy Lương huyện Thái Thụy
Cây đa ở đình Đông, làng Hổ Đội, xã Thụy Lương huyện Thái Thụy.

 

Trong những cây cổ quý hiếm ở Thái Bình còn nhiều cây khác đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (gọi tắt là VAVNE) công nhận là cây di sản Việt Nam.

Đó là cây đa ở đình Đông, làng Hổ Đội, xã Thụy Lương huyện Thái Thụy. Ngôi đình làng được dựng lên để thờ vợ chồng công chúa Thiên Hương, con gái vua Trần Thuận Tông. Thưở Hồ Qúy Ly tiếm ngôi nhà Trần, vợ chồng công chúa Thiên Hương đã chiêu tập binh sỹ chống lại nhưng không thành phải lui binh về vùng ven biển Thái Thụy.

Tương truyền cây đa được trồng từ khi vợ chồng công chúa Thiên Hương về đây khẩn hoang lập ấp. Gốc đa là nơi quân Đội Hổ của phò mã thường tụ tập luyện quân. Thời gian đã hơn 600 năm, nhưng hàng năm vào những đêm hội làng, nhiều người vẫn thấy những bóng quân sỹ thấp thoáng bên gốc đa, sân đình.

Cây bàng cổ thụ ở đền Côn Giang xã Thái Hà có tuổi thọ khoảng 400 năm
Cây bàng cổ thụ ở đền Côn Giang xã Thái Hà có tuổi thọ khoảng 400 năm.

 

Huyện ven biển Thái Thụy còn có hai cây bàng cổ thụ ở đền Côn Giang xã Thái Hà có tuổi thọ khoảng 400 năm, có đường kính gần 3 mét, là cây được xếp vào hàng linh mộc ở địa phương. Tán cây rất rộng bao trùm trước cửa đền Côn Giang nơi thờ đức Thánh ông Qúach Hữu Nghiêm.

Đỗ tiến sỹ xuất thân thời vua Lê Thánh Tông, Quách Hữu Nghiêm đã từng được vua nhà Minh xếp vào hàng nhân tài lưỡng quốc. Ông mất trên dòng Côn giang, trong một lần về thăm nhà. Nhiều người truyền rằng cả đời chinh đông dẹp Bắc nên cuối đời Quách tiến sỹ chọn quê hương là nơi an nghỉ. Hai cây bàng và ngôi đền là nơi thánh linh của Đức ông ngụ nên rất linh thiêng.

cây gạo ở đình Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương
Cây gạo ở đình Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương

 

Đứng đầu trong dòng họ gạo ở Thái Bình là hai cây gạo ở đình Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương. Hai cây gạo có tuổi đời khoảng 200 năm, gắn liền với ngôi đình thờ Nam Hải và Đông Hải Đại Vương.

Đây là một ngôi đình cổ có nghệ thuật kiến trúc được xếp vào hạng quý hiếm bởi những đường nét trạm trổ cây cỏ, vật nuôi, tứ linh, tứ quý độc đáo tài hoa. Ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ngoài ra cây gạo còn gắn liền với nhiều chiến công chống ngoại xâm của dân làng Thượng Phúc. Mấy năm trước làng đã được Nhà nước tặng bằng “Làng có công với nước”.

 hai cây đại ở chùa làng Đồng Đại (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư)
Hai cây đại ở chùa làng Đồng Đại (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư).

 

Còn nhiều cây cổ khác ở Thái Bình tuy chưa được lọt vào danh sách cây di sản quốc gia nhưng thuộc vào dòng kỳ lão và quý hiếm ở địa phương cũng như trong cả nước. Như hai cây đại ở chùa làng Đồng Đại (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư).

Tương truyền ngôi chùa được dựng lên từ thới Lý Bí dựng nước Vạn Xuân. Tới thế kỷ XV vua Trần Minh Tông vì muộn con đã về đây cầu tự và sinh ra được con trai lên nối ngôi là Trần Duệ Tông. Để tạ ơn, nhà vua đã cho xây lại chùa và trồng hai cây này.

Hơn 600 năm qua hai cây đại vẫn tồn tại cùng ngôi chùa đã được trùng tu lại nhiều lần. Hai cây lão thọ này hiện nay có thân hình gồ ghề khác lạ, màu sắc phong rêu trông như những quái mộc. Khách tới chùa vào những thời điểm lá rụng hết rất khó nhận ra đó là cây đại.

Có một nét chung nữa của những cây được xếp vào hàng “danh mộc”ở Thái Bình là hầu hết các cây đều gắn liền với một di tích lịch sử văn hóa lâu đời của một vùng đất văn hiến.

Chính sự linh thiêng của các ngôi đình đền miếu mạo và tâm linh văn hóa của các địa phương cùng với những giai thoại dân gian kỳ bí đã che chở và bảo vệ cho cây trường tồn siêu thời gian và được các dân làng truyền nhau chăm sóc, giữ gìn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem