Chuyện cho con học trường tiền tỷ, cha mẹ ở phòng 15m2 gây tranh cãi
Chuyện cho con học trường tiền tỷ, cha mẹ ở phòng 15m2 gây tranh cãi
Thứ ba, ngày 24/08/2021 10:49 AM (GMT+7)
Câu chuyện đóng học phí quốc tế cho con hơn 1 tỷ đồng/năm, cha mẹ sống trong căn phòng 15m2 và đi xe máy suốt 10 năm của chị Lê Trân (TPHCM) gặp nhiều tranh cãi cùng hàng nghìn bình luận trái chiều.
Clip kể câu chuyện bố mẹ tiết kiệm tối đa trong lối sống (không đầu tư tiền và nhà ở hay xe sang) để có tiền đầu tư cho con học trường quốc tế với học phí mỗi năm hơn 1 tỷ của vị phụ huynh này đang gây sự chú ý và tranh luận gay gắt trên mạng xã hội.
Chị Lê Trân (42 tuổi, sinh sống tại TPHCM) - người đăng tải clip chia sẻ: "Nhiều người hỏi tại sao mình có thể làm khác người như vậy?" Chỉ khi bạn trải qua một môi trường học tập tốt, bạn mới hiểu nó thay đổi cuộc đời như thế nào. Trân chính là đứa trẻ như thế.
Mình sinh ra trong một quận lao động, nhưng cô mình đã quyết tâm đưa cháu ra học một ngôi trường điểm của thành phố, ở quận nhất Sài Gòn. Từ đó, những người bạn của mình, họ là con của những gia đình có điều kiện, hoặc là con của quan chức, chỉ có khoảng 10% là các người bạn trong tuyến.
Giờ đây, những người bạn của mình họ không là tiến sĩ ở Silicon Valley thì cũng là phó tổng ngân hàng hay phó giám đốc bệnh viện. Không phải để nhờ vả nhưng bạn chính là trung bình cộng của 5 người mà bạn thường xuyên gặp gỡ.
Và cô mình đã dạy từ bé: "Nếu đã chơi hãy chơi với người giỏi hơn bởi vì người giỏi sẽ dạy con giỏi hơn và không bao giờ được sống yếu thế". Chính điều đó đã hình thành nên mình hôm nay.
Sự thật, mình gặp khó khăn rất nhiều khi đưa ra lựa chọn này cho con. Trong hơn 10 năm, hai vợ chồng mình chỉ sống trong một căn phòng chưa đầy 15m2, tất cả mọi sinh hoạt đều ở đó. Mình vẫn chạy một chiếc xe máy đưa hai đứa nhỏ đi học. Cho đến khi không chở được nữa thì mới sắm xe nhưng cũng vì động lực cho con đi học đã thôi thúc mình làm việc nhiều hơn, một công việc, hai công việc, một công trình hai dự án để rồi mình có những thành quả bất ngờ trong công việc.
Mình mong muốn bạn đừng vì định kiến của bản thân mà vội đánh giá một ai đó, hãy nhìn xem họ đã nỗ lực vì điều gì. Đôi khi chỉ cần bạn có đủ khát khao và hành động thì mọi việc đều có thể và Trân đã có một trải nghiệm như thế".
Môi trường học tập có quyết định việc con trở nên giỏi giang?
Câu chuyện "con học tiền tỷ, cha mẹ sống trong căn phòng 15m2 và đi xe máy suốt 10 năm" của chị Lê Trân ngay khi đăng tải đã gặp rất nhiều tranh cãi, nhận được hàng nghìn bình luận.
Một luồng ý kiến ủng hộ quyết tâm đầu tư cho con học môi trường quốc tế: "Em cũng có suy nghĩ như chị. Môi trường, thầy cô, đặc biệt là bạn bè ảnh hưởng đến tính cách, suy nghĩ, hành động của con rất nhiều", bạn Nguyễn Mai Phương viết.
Nhiều tài khoản để lại nhận xét đồng tình: "Mỗi người một quan điểm. Con đường dễ dàng là con đường xuống dốc, nếu cứ chọn việc dễ dàng thì mình sẽ không biết thực lực mình có thể nỗ lực tới đâu".
"Môi trường quốc tế khác môi trường giáo dục nhà nước. Cho con học là đúng rồi còn gì, rèn luyện tư duy từ nhỏ".
"Chính xác, môi trường học rất quan trọng, Nó không những cho ta những kiến thức mà là những mối quan hệ và tầm hiểu biết cao hơn"…
"Tôi rất ủng hộ bạn quan điểm này và tôi cũng đang đi theo hướng này. Mặc dù cũng đang bị phản đối".
Song cũng đông đảo ý kiến phản đối cho rằng phụ huynh làm vậy con cái sẽ bị áp lực rất lớn: "Thực ra bạn làm như vậy cũng khiến con cái bị áp lực. Sau này mình cũng cho con học trường quốc tế nhưng không phải vì vậy mà hi sinh vì con quá, con áp lực lắm…".
"Hồi đó mẹ mình cũng như chị này. Nhưng mình lại không thể giỏi được. Đầu mình chỉ được đến vậy. Nên cho đến tận bây giờ mình vẫn bị ám ảnh câu nói của mẹ: "Không vì tập trung lo cho mày ăn học có lẽ mẹ cũng mua được căn nhà chứ không phải đi thuê như thế này"…
"Mình có người thân cũng vì cho con học trường quốc tế mà không dám ăn, không dám mặc. Thằng nhỏ vì thi rớt môn nó áp lực và có lỗi với bố mẹ nên đã tự sát", bạn Phạm Ngọc Ánh kể.
Và một luồng ý kiến khác đưa ra lập luận, con giỏi thì học ở đâu cũng giỏi, đã không giỏi thì học quốc tế cũng không học nổi: "Không hẳn học trường quốc tế thì mới làm giám đốc. Mình còn phải nhìn vào tố chất của con. Đừng bắt con cá biết bay".
"Trường nào cũng như trường nào thôi cô ơi. Điển hình như tỷ phú Jeff Bezos cũng chỉ xuất thân từ một thị trấn nhỏ Cotulla ở Mexico mà lên".
"Thực ra có điều kiện cho con học vẫn hơn nhưng mà thực tế cũng rất nhiều các lãnh đạo người tài nhà nghèo. Môi trường khắc nghiệt cũng tạo nên thiên tài"…
Anh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng: "Con cái nó thông minh sẵn thì học trường làng nó cũng đi Mỹ du học được mà không tốn một xu".
Bạn Ngô Ánh Linh bình luận: "Không thể đưa một con vịt vào trường bay của đại bàng được. Kết quả đạt được chỉ là sự tự ti của một con vịt thôi. Đây là áp đặt vì chắc gì con đã thích…".
"Vị phụ huynh này quá đặt nặng tiền tài, địa vị hơn là chất liệu hạnh phúc từ bên trong. Tội các con, quá áp lực", chị Tường Vi bày tỏ.
Đồng quan điểm, tài khoản Nguyễn Linh Hương nói: "Con nhà mình học thêm ở chỗ phải đóng 42 triệu thì suốt ngày xin nghỉ. Học chỗ 1 triệu nhưng ngày nào cũng mong đến giờ đi học. Vì vậy không hẳn đắt mà con phát triển"…
Bạn Dương Hằng lại băn khoăn: "Sau này con bạn có thể khá hơn bạn. Nhưng về già, bạn có gì trong tay. Con bạn lại lo cho tương lai con của tụi nó, còn vợ chồng bạn có gì?".
Ba mẹ cho con tri thức và phương tiện, tương lai do con quyết định
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Lê Trân cho hay, chị lựa chọn cho hai con gái học trường quốc tế có mức tổng học phí tầm 300 triệu đồng/ năm là 10 năm trước rồi tăng dần đến bây giờ sau 10 năm là ngoài 1 tỷ đồng khi hai bé vào cấp 3.
Chị Trân tâm sự: "Sau khi đăng tải clip chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội, chị nhận được luồng tranh luận khủng khiếp vì sao cho con mình học trường tốt, chơi bạn giỏi mà gia đình lại chỉ sống trong phòng 15m2, đi xe máy suốt 10 năm… Tức là, phụ huynh nghèo mà cho con học quốc tế (thật phi lí). Cả việc bố mẹ muốn con có môi trường tốt, bạn bè giỏi cũng được mang ra phân tích kiểu "trèo cao".
Theo người mẹ này, nhìn lại đa số đều cho rằng bố mẹ nghèo thì lo an phận, nhà ở bé xíu, xe chưa có sao lại học đòi nơi "sang chảnh" vừa áp lực bố mẹ rồi áp lực cả con vì nghèo vào học môi trường giàu bé sẽ tự ti.
"Hai vợ chồng mình chỉ sống trong căn phòng 15m2 (trong nhà cô mình cao 5 tầng lầu), đi xe máy vì nghĩ chưa cần đi xe hơi vả lại sợ lái xe và quan trọng nhất là với mình, đầu tư nhà cao cửa rộng, xế hộp hạng sang không quan trọng bằng đầu tư tri thức của con.
Với mình, thành công là đạt được điều mình mong muốn và mỗi người có mong muốn khác nhau. Có người cho rằng, có nhà, có xe, sở hữu tài khoản tiền tỷ là thành công nhưng với mình, đó là trải nghiệm cuộc sống, khám phá thế giới, phá vỡ giới hạn của bản thân.
Con cái chính là sự nối dài của cha mẹ. Chúng ta ngày hôm nay là kết quả của nhiều trải nghiệm trong quá khứ. Đó là lý do mình không chọn mua nhà, mua xe nhưng ngược lại học ở một môi trường văn minh hơn và cho con đi du lịch vòng quanh thế giới", chị Trân bày tỏ quan điểm.
Và vị phụ huynh này cũng khẳng định: "Mình chưa từng áp lực con cũng như kể công cha mẹ mình phải hi sinh thế nào. Vợ chồng mình chỉ nói với con rằng, ba mẹ cho con tri thức, ba mẹ cho con phương tiện còn tương lai là do con quyết định.
Con bước ra đời xây dựng sự nghiệp của mình và làm những điều con lựa chọn. Tài sản của cha mẹ chính là sự nỗ lực của cha mẹ, sẽ không thuộc về con. Cha mẹ sẽ không cho con tiền, cha mẹ chỉ cho con nền tảng về tri thức. Đó là điều bền vững.
Con cái sẽ không nghe những gì bạn nói, mà chúng chỉ quan sát những gì bạn làm. Cá nhân mình chứng kiến cô mình nỗ lực hàng ngày đưa đón mình trong suốt 10 năm đầu đời trên chiếc xe đạp cọc cạch để mình được học trong môi trường tốt. Vì thế những lúc mình lười biếng, nản lòng thì hình ảnh của cô đã khích lệ cho mình cố gắng hơn một chút.
Điều mình muốn gửi gắm cho con là hãy luôn nỗ lực theo đuổi những gì con mong muốn".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS Trương Nguyện Thành cho rằng: "Chuyện quyết định cá nhân của mỗi gia đình, cha mẹ muốn dốc hết tiền bạc đầu tư cho cái gì đó là quyền của cha mẹ. Họ muốn xài, muốn đốt gia sản, muốn cho ai, muốn mua gì… đều toàn quyền quyết định của họ. Hệ quả tốt hay không tốt họ cũng chấp nhận. Cá nhân tôi, không có đúng - sai trong câu chuyện này. Mỗi một quyết định đều có hệ quả của nó".
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh rằng, chất lượng giáo dục của trường quốc tế có đáng với mức học phí cao không, liệu có nên cho con vào trường quốc tế?, GS Trương Nguyện Thành đáp: "Tôi cho rằng, tất cả mọi sản phẩm (trong đó có dịch vụ giáo dục), người tiêu dùng quyết định mua vì nó có những tính năng, giá trị của nó.
Không bàn về câu chuyện cá nhân trên nhưng nếu phụ huynh có khả năng làm ra tiền tỷ thì họ có đủ nhận thức, thông minh để đánh giá sản phẩm mà họ quyết định chi tiền đầu tư, tiêu xài".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.