Còn ít vùng chuyên canh
Ứng Hòa là huyện có diện tích sản xuất lúa lớn với hơn 10.000ha. Sau DĐĐT, huyện đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất đa canh lúa – cá – vịt. Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao của huyện chiếm khoảng 35%, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400ha, tăng thêm 50ha so với trước.
Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Văn Hòa
Tuy nhiên, giá trị canh tác toàn huyện mới đạt 152 triệu đồng/ha, vẫn thấp hơn so với mức bình quân chung của toàn thành phố (231 triệu đồng/ha). “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều vướng mắc do chưa được hướng dẫn cụ thể” – bà Đặng Thị Tươi- Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết.
Trong khi đó, theo Sở NNPTNT Hà Nội, tính đến hết tháng 6, toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được 76.551ha, đạt 100% kế hoạch. Một số huyện thực hiện DĐĐT vượt kế hoạch UBND thành phố giao như Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thạch Thất… Mặc dù các địa phương đã cơ bản hoàn thành DĐĐT, song việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Trên địa bàn thành phố chưa hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn nên thu nhập của người nông dân (ND) thấp, không ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng của thủ đô.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng chưa đạt hiệu quả cao…
Sẽ sớm có hướng dẫn cho địa phương
Mặc dù kết quả xây dựng NTM của thành phố đạt được cho đến nay là rất đáng ghi nhận, song đời sống và thu nhập của một bộ phận ND vùng xa trung tâm, vùng thuần nông còn thấp, không ổn định. Tiêu biểu như huyện Mỹ Đức có thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm, huyện Thường Tín chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm…
Thời gian qua, các huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình sản xuất tiên tiến trong và ngoài thành phố. Tuy vậy, việc áp dụng và nhân rộng những mô hình này còn rất khiêm tốn.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tích cực chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt. Trong đó trọng tâm là chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, sản xuất hoa cây cảnh, cây ăn quả giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi trang trại…
Đồng thời ông Mỹ cho biết Sở sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, bố trí tăng nguồn vốn Quỹ Khuyến nông thành phố để cho ND vay vốn phát triển kinh tế trang trại, thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Theo đại diện các địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT chậm là do chưa có hướng dẫn của Sở NNPTNT. Về vấn đề này, ông Mỹ cho biết thêm, Sở NNPTNT đã giao các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu dự thảo chính sách tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT. Dự kiến Sở sẽ tổ chức xin ý kiến các sở, ngành và các huyện, thị xã trong tháng 7 và trình UBND thành phố trong tháng 8.2015.
Sáng 12.8, tại huyện Chương Mỹ, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sau DĐĐT góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng NTM. Tại buổi tọa đàm, đã có 10 ý kiến thảo luận tập trung vào các nội dung: Tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn ND phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.