Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt vào những tháng mùa đông sắp tới do thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga sử dụng năng lượng để gây khó dễ và cho rằng hành động này "có động cơ chính trị". Nguồn cung khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 từ Nga vào châu Âu giảm mạnh xuống chỉ còn 1/5 công suất.
Lạm phát khu vực đồng euro tiếp tục tăng lên 8,9% trong tháng 7 so với 8,6% trong tháng 6 và 8,1% vào tháng 5. Đầu tháng này, đồng euro lần đầu tiên đạt mức ngang bằng với USD trong hơn 20 năm.
Trong bối cảnh đó, nhà phê bình EU Eric Noirez mới đây đã tuyên bố rằng đồng euro đang trở thành một "cái bẫy".
Ông nói với Express.co.uk: "EU chắc chắn đã tự gây khó cho mình. Liên minh đã từ bỏ các nguyên tắc riêng của mình trong việc duy trì sự ổn định kinh tế dẫn đến cuộc khủng hoảng đồng euro ngày hôm nay".
Ông bày tỏ lo ngại: "Trên thực tế, câu hỏi không phải là liệu đồng euro có sụp đổ hay không. Đồng euro sẽ sụp đổ bởi vì các vấn đề mà nó đặt ra là không thể giải quyết được, cũng như sự phân hóa mà nó tạo ra giữa các quốc gia, sẽ trở nên quá mạnh mẽ. Đây là một logic đơn giản: đồng euro tác động lên nợ, và bây giờ nợ sẽ khiến đồng euro sụp đổ".
Ông Noirez sau đó so sánh đồng euro với tàu Titanic, nói thêm: "Câu hỏi thực sự và quan trọng bây giờ là khi nào và trong điều kiện nào đồng euro sẽ sụp đổ. Trên thực tế, sử dụng đồng euro cũng giống như ở trên tàu Titanic - theo lý thuyết chúng ta biết rằng con tàu sẽ chìm, nhưng chúng ta không muốn nhìn thấy nó xảy ra. Chúng ta đẩy các động cơ đến giới hạn như một biện pháp cuối cùng, hy vọng một điều kỳ diệu sẽ xảy đến. Tuy nhiên rốt cuộc nó vẫn sẽ chìm".
Nhà phê bình EU cũng cảnh báo đồng euro là một hệ thống đã "đi đến điểm cuối", nhưng điều này "không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm".
Ông giải thích: "Tình hình ở khu vực đồng tiền chung châu Âu rất căng thẳng: lạm phát kỷ lục, thâm hụt thương mại kỷ lục, nợ quốc gia kỷ lục, phi công nghiệp hóa, tăng trưởng vẫn ở mức thấp và cuối cùng là sự mất niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư và các tác nhân kinh tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.