Chuyên gia cảnh báo ớn lạnh về nguy cơ chiến tranh Triều Tiên

Duy Anh (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 30/09/2017 13:30 PM (GMT+7)
Chuyên gia Malcolm cho rằng, một cuộc xung đột như vậy có thể sẽ khiến "hàng trăm nghìn người" thiệt mạng và bị thương cũng như có thể gây ra "những hậu quả sâu rộng" cho nền kinh tế toàn cầu. 
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát hoạt động trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nguy cơ về một cuộc chiến tranh xảy ra giữa Triều Tiên và Mỹ giờ đây lớn chưa từng thấy trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tiến triển nhanh chóng trong việc phát triển các vũ khí hạt nhân và Washington vẫn đe dọa đưa ra một giải pháp quân sự nhằm đối phó với khủng hoảng này, Malcolm Chalmers, Phó Giám đốc của Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI) nhận định.

Theo Sputnik,  chuyên gia Malcolm cho rằng, một cuộc xung đột như vậy có thể sẽ khiến "hàng trăm nghìn người" thiệt mạng và bị thương cũng như có thể gây ra "những hậu quả sâu rộng" cho nền kinh tế toàn cầu. Phó Giám đốc RUSI cảnh báo rằng nếu xét tới mức độ căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như những thay đổi ngoại giao không thể xảy ra thì các biện pháp quân sự có thể được Tổng thống Donald Trump và những cố vấn của ông đưa ra sớm để giải quyết vấn đề này.

Ông Malcolm cho rằng, chiến tranh có thể bắt đầu theo nhiều cách. Bình Nhưỡng có thể tấn công trước nếu nước này cho là Mỹ đang chuẩn bị một cuộc tấn công hoặc chính quyền của Tổng thống Trump có thể phát động một cuộc tấn công nếu chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phóng tên lửa tới Thái Bình Dương gần đảo Guam hoặc California của Mỹ. Ông Chalmers nêu rõ: "Nếu chiến tranh nổ ra, có thể kéo theo một cuộc tấn công mạng và trên không diện rộng do Mỹ dẫn đầu trong những giai đoạn đầu, theo sau là sự đáp trả mạnh mẽ của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này, sử dụng những vũ khí thông thường, hóa học và có thể là hạt nhân”.

img

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, các bên liên quan nên đàm phán để tìm giải pháp hoà bình, việc đe doạ qua lại sẽ chỉ khiến tình hình căng thẳng hơn. Trong quá khứ, Triều Tiên và Mỹ cũng từng đứng trước những tình huống “bờ vực chiến tranh”. Tháng 5.1994, Triều Tiên thông báo đã rút ra khỏi lò phản ứng Yongbyon 8000 thanh nhiên liệu đã bị phóng xạ và như vậy có đủ plutonium để chế tạo từ 3 đến 5 quả bom nguyên tử. Đối với Washington, đây là một sự vi phạm các thỏa thuận với AIEA, là lằn ranh đỏ mà Triều Tiên không được vượt qua.

Chính quyền của ông Clinton thời đó đòi Liên Hợp Quốc phải có các trừng phạt và cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành coi đó là hành động chiến tranh. Sau này, trong hồi ký, Bill Clinton cho biết là ông từ chối “gạt bỏ khả năng có hành động quân sự”. Nghiêm trọng hơn, tổng thống Mỹ và nhóm cố vấn của ông còn nghiên cứu các cuộc oanh kích như quân đội Israel đã từng oanh kích lò phản ứng hạt nhân Osirak của Irak, hồi tháng 06.1981.

Quốc Phòng Mỹ cho triển khai một hạm đội ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và đưa ra một kế hoạch tấn công các cơ sở ở Yongbyon (phía bắc Bình Nhưỡng) mà tổng thống sẽ thông qua ngày 16.6.1994. Thế nhưng, cùng ngày đó, cựu tổng thống Jimmy Carter đã gặp ông Kim Nhật Thành.

Lãnh tụ Triều Tiên chấp nhận đình chỉ chương trình hạt nhân, đánh đổi lấy viện trợ của Mỹ. Sau này, William J. Perry, nguyên là bộ trưởng Quốc Phòng (từ 1994 đến 1997) dưới thời Clinton, thừa nhận : “Chúng tôi thực sự bên bờ vực tiến hành chiến tranh “ với Triều Tiên.

Trong diễn biến mới nhất, Đài KBS của Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên mới đây đã di chuyển một số tên lửa khỏi một cơ sở ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối lo ngại rằng nước này sắp chuẩn bị có thêm những hành động khiêu khích. KBS dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên cho biết giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện các tên lửa được di chuyển khỏi Trung tâm nghiên cứu và phát triển tên lửa của Triều Tiên ở khu vực Sanum-dong, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ thời gian cũng như địa điểm mà những tên lửa này được vận chuyển tới. Cơ sở nói trên được Triều Tiên sử dụng để chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và những tên lửa trên có thể là loại ICBM Hwasong-14 hoặc Hwasong-12 tầm trung. Phía Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa xác nhận về thông tin nói trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem