Chuyên gia chỉ cách "xuống" tiền đầu tư trong năm Quý mão 2023
Chuyên gia chỉ cách "xuống" tiền đầu tư trong năm Quý mão 2023
H.Anh
Thứ hai, ngày 23/01/2023 08:19 AM (GMT+7)
Năm 2022 là năm sóng gió với các nhà đầu tư, từ trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cho tới bất động sản. Khủng hoảng của thị trường tài chính toàn cầu khiến lãi suất tiết kiệm trở thành kênh đầu tư "vua" năm 2022. Còn năm Quỹ Mão 2023, nhà đầu tư nên xuống tiền thế nào?
Gửi tiết kiệm đầy hấp dẫn nửa đầu năm, nửa cuối năm "rót" tiền vào chứng khoán
Nói về các kênh đầu tư năm 2023, nhiều chuyên gia đều có chung quan điểm cho rằng gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm sau.
Cụ thể, theo các dự báo về lãi suất năm 2023, lãi suất tiết kiệm sẽ hạ nhiệt, dù vậy vẫn duy trì ở mức cao 9-10%/năm. Hiện nhiều ngân hàng thương mại đang niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 9,5%/năm. Do đó, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận ổn trong năm 2023.
"Trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên đến trên 9%, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh khả quan nhất và tính an toàn cao", TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Tương tự, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, nhận định gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm sau.
Nhìn lại năm 2022, vị này cho hay, những tài sản được xem là an toàn như trái phiếu, hay vàng đều có thể gây thua lỗ. Sau 1 năm đầy khó khăn cho nhà đầu tư, nên việc đa dạng hóa kênh đầu tư sẽ được mở rộng hơn, đồng thời kênh nổi bật trong năm 2022 là tiết kiệm vẫn sẽ được duy trì.
"Mặt bằng lãi suất đang ở mức cao đầy hấp dẫn cho người đang có tiền nhàn rỗi. Chính vì vậy, lúc này cá nhân chọn lựa gửi tiền vào ngân hàng là tốt nhất", ông Khánh nói thêm.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV thì cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn, tiền gửi tiết kiệm sẽ là một kênh đầu tư đáng để xem xét. Việc Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến hết quý I/2023, từ đó còn ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ít nhất là hết quý II/2023 và còn duy trì ở mức cao.
Nguyên nhân là do lạm phát của Việt Nam có độ trễ và dự báo tăng cao hơn trong năm 2023; bài toán cân bằng lãi suất và tỷ giá đã được đặt ra, và đây là các yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất trong năm 2023.
Tuy nhiên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay, dự kiến NHNN sẽ có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ để hỗ trợ các ngân hàng về mặt thanh khoản, qua đó sẽ khiến lãi suất huy động vốn khó có thể tiếp tục tăng, song sẽ vẫn ở mức hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
Kênh đầu tư thứ 2, sau gửi tiết kiệm đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là chứng khoán. Nếu như cho rằng, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm sau, nửa cuối năm khi thị trường chứng khoán trở nên ổn định hơn, vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có thể nhập cuộc sau một thời gian đứng ngoài, giúp thị trường sôi động hơn – theo ông Phan Dũng Khánh.
Một số nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ còn rung lắc trong vài quý tới, nhà đầu tư lướt sóng sẽ chịu nhiều rủi ro, song nếu đầu tư dài hạn 2-3 năm, thì vùng giá hiện tại vẫn có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Thực tế, những nhà đầu tư thành công thường đánh giá khủng hoảng là cơ hội làm giàu "ngàn năm có một".
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, triển vọng của thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn ở mức khả quan, khi tăng trưởng GDP năm 2023, dù có giảm song vẫn dự báo ở mức cao so với thế giới, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Các hành vi sai phạm như thao túng thị trường bị xử lý cũng giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn.
Do đó, thị trường cổ phiếu hiện nay có thể phù hợp với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn và theo giá trị, dài hạn. Nhiều khả năng chỉ số chứng khoán VN Index sẽ phục hồi nhẹ, tăng khoảng 10 - 15% trong năm 2023.
Thời điểm hiện nay, kênh đầu tư này phù hợp hơn đối với những nhà đầu tư có kiến thức về thị trường tài chính, có khả năng phân tích tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và dùng ít đòn bẩy tài chính, đa dạng hóa, nhất là nhà đầu tư tổ chức.
Bất động sản và vàng, nên xuống tiền thế nào?
Đối với thị trường bất động sản, theo ông Phan Dũng Khánh, thị trường bất động sản trong nước đã bắt đầu chu kỳ tăng giá được gần 10 năm và chỉ mới hạ nhiệt vài tháng gần đây, nên khó có chuyện sẽ tăng trở lại ngay vào năm tới.
"Thông thường, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh một thời gian, thì nhà đầu tư mới tích lũy vào bất động sản và bất động sản sẽ là kênh tăng giá sau cùng. Nếu thị trường chứng khoán chưa phục hồi, bất động sản sẽ chưa phục hồi ngay được. Chính phủ hay hệ thống ngân hàng cũng không thể bơm tiền giải cứu bất động sản đầu cơ được, bởi nền tảng của nền kinh tế phải là các ngành sản xuất", ông Phan Dũng Khánh phân tích.
Lạc quan hơn, TS Cấn Văn Lực cho hay, khó khăn của thị trường bất động sản hiện tại xuất phát từ khủng hoảng niềm tin do tác động của những vụ việc của Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, việc giá bất động sản đã tăng quá cao và người dân không tìm được nguồn vốn tín dụng cũng sẽ khiến lượng giao dịch bất động sản giảm đi từ quý III/2022.
Tuy nhiên, với triển vọng phát triển kinh tế tương đối tích cực, cùng với việc các cơ quan quản lý đang quyết liệt xử lý các vi phạm thì thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý III hoặc quý IV/2023.
Với kim loại quý, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định, rủi ro, đầu tư vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư bởi tính an toàn, ổn định. Tuy nhiên, theo ông Lực mức sinh lời chỉ ở mức trung bình và thanh khoản thị trường vừa phải do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách ổn định thị trường vàng và giảm tình trạng ''vàng hóa'' trong nền kinh tế.
Riêng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân sẽ chưa thể lấy lại niềm tin một sớm một chiều. Do đó, thị trường này có nguy cơ sẽ còn tiếp tục ảm đạm trong năm 2023.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một trong những kênh đầu tư tốt, song nhà đầu tư cá nhân phải có kiến thức tài chính để lựa chọn được trái phiếu của doanh nghiệp tốt.
Phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp tới cao, kênh tiền gửi tiết kiệm và vàng vẫn được coi là an toàn, nhất là kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất huy động được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023. Bất động sản, chứng khoán có thể tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng ứng với mức độ rủi ro cao hơn. Nhà đầu tư nên quyết định theo khẩu vị rủi ro, năng lực tài chính và mức độ hiểu biết, kinh nghiệm của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.