Chuyên gia: Cuộc không chiến ở Ukraine sẽ thay đổi trong 72 giờ tới
Chuyên gia: Cuộc không chiến ở Ukraine sẽ thay đổi trong 72 giờ tới
Phương Dung (theo Reuters)
Thứ năm, ngày 03/03/2022 13:36 PM (GMT+7)
Không quân Nga có thể sớm tham gia giao tranh với cấp độ cao hơn ở Ukraine trong 72 giờ tới, một cựu phi công chiến đấu cơ F-22 hiện là nhà phân tích quân sự bình luận trên Fox News.
"Trong vòng 72 giờ tới, tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự tham chiến ở mức cao hơn của Không quân Nga", Dan Robinson, một cựu chiến binh Không quân Hoàng gia Anh và cựu phi công máy bay chiến đấu F-22, cho biết vào tối 2/3.
Trong khi đó, theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đêm qua Nga đã phát động cuộc không kích lớn nhất từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào Kiev, bao gồm ném bom một tháp truyền hình ở thủ đô Kiev và tiếp tục pháo kích ở Kharkiv.
Tuy nhiên, Không quân Nga vẫn chưa thể áp đảo và kiểm soát vùng trời Ukraine. Các hệ thống tên lửa và phòng không của Ukraine được cho là vẫn nguyên vẹn và hoạt động hiệu quả, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hôm thứ Ba 2/3.
"Điều quan trọng là chuyện gì sắp xảy đến? Bạn phải tự hỏi liệu Không quân Nga có trỗi dậy theo thời gian hay không. Đó là câu hỏi thực sự", ông Robinson nói với Fox News.
Khi được hỏi về lý do vì sao Không quân Nga vẫn chưa dốc tổng lực, ông Robinson nói rằng, có nhiều suy đoán xung quanh năng lực thực tế của họ hạn chế hơn nhiều so với những gì họ được ca ngợi.
Cựu phi công chiến đấu cơ F-22 nói thêm rằng cũng có những suy đoán xung quanh việc Không quân Nga thiếu các loại đạn dược dẫn đường chính xác tầm xa tối tân.
"Nếu thiếu những thứ đó, họ sẽ phải bay đến gần (mục tiêu) hơn, điều này đẩy họ vào tầm bắn của các vũ khí như tên lửa Stinger mà binh sĩ Ukraine có thể bắn từ mặt đất", ông Robinson cho biết.
Ông Robinson cũng cảnh báo việc thực hiện vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và các phi công Nga.
Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Mỹ đã lần đầu tiên chuyển giao hàng trăm tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine trong tuần này, trong đó có hơn 200 tên lửa được chuyển giao hôm 28/2.
Trước đó, Mỹ đã bật đèn xanh cho các nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia gửi vũ khí do Mỹ sản xuất tới Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không Stinger.
Tên lửa Stinger có tầm bắn lên đến 8km và có thể bắn mục tiêu bay ở độ cao khoảng 3.500 m, thường được sử dụng để tiêu diệt máy bay và trực thăng đối thủ. Trên website, nhà sản xuất cho biết tên lửa Stinger đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột lớn, bắn hạ hàng trăm máy bay và trực thăng.
Tuy nhiên Ba Lan, Slovakia và Bulgaria đã từ chối gửi máy bay chiến đấu do Nga sản xuất để viện trợ cho Ukraine, mặc dù trước đó cả phía Ukraine và người phụ trách đối ngoại của EU đều đề cập việc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.