Chuyên gia dự báo BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sắp được đón "đoàn cá mập" tới đầu tư

Minh Khôi - Vũ Hằng Thứ năm, ngày 08/07/2021 06:02 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia đã mổ xẻ nguyên nhân giá bất động sản không giảm, thậm chí có thời điểm lên cao lập đỉnh mới thời gian qua.
Bình luận 0

Giá bất động sản tăng "phi mã"

Thời điểm đầu năm 2021, thị trường bất động sản liên tục sôi sục với các cơn sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương nhưng trong quý II/2021, cơn sốt này có dấu hiệu hạ nhiệt bởi lần bùng dịch Covi-19 lần thứ 4. Tuy nhiên sự hạ nhiệt này vẫn không khiến giá bất động sản xuống thấp mà chỉ đi ngang hoặc tăng nhẹ. 

Chuyên gia 'giải mã' thực trạng giá bất động sản tăng không thể cản - Ảnh 1.

Giá nhà liên tục tăng bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19. (Trong ảnh là một góc dự án khu đô thị phía Tây Hà Nội)

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay: "Đầu tư bất động sản là một yếu tố mang tính dài hạn còn dịch Covid-19 chỉ là yếu tố ngắn hạn do đó giá bất động sản có xu hướng đi ngang từ cuối năm 20201. Thậm chí quý I/2021, giá bất động sản còn tăng cao do những cơn sốt đất xuất hiện.

Cùng với đó, sự quan tâm của nhà đầu tư không đổi, với việc kiểm soát dịch của Nhà nước đang làm rất tốt nên giá chung cư vẫn ổn định. Thực tế, kể cả trong dịch, việc bán chung cư còn tốt hơn trước khi có dịch. Theo đó, có thể kỳ vọng rằng, khi dịch ổn định, giá chung cư còn tiếp tục tăng thêm".

Còn ông Ngô Văn - Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi cho hay: "Từ năm 2020, chúng tôi không nhìn thấy dấu hiệu suy giảm của thị trường bất động sản nói chung trên toàn cầu. Nguyên nhân là khi dịch covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia trên Thế giới ghi nhận việc người dân làm việc tại nhà gia tăng, nhu cầu tìm kiếm một ngôi nhà để có thể sinh sống và làm việc đã thúc đẩy tìm kiếm bất động sản lớn, đặc biệt là tìm kiếm các căn hộ.

Theo đó, giá bất động sản tăng giá tại Úc, Mỹ, các nước Châu Âu… Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bất động sản vẫn là kênh trú ngụ an an toàn cho tài sản của người dân, đặc biệt là các bất động sản có pháp lý an toàn.

Tương tự, tại Việt Nam, chúng tôi có khảo sát thị trường bất động sản tại TP.HCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng và nhận thấy rằng niềm tin, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại các thị trường này đều tăng, không có dấu hiệu suy giảm. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu hướng của thế giới và bất động sản vẫn là trụ cột, nơi lưu trú tài sản của người dân".

Còn bà Lê Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Công ty Bất động sản Tuấn 123 chia sẻ: "Có hai nhóm tham gia vào thị trường bất động sản: Nhóm mua để sở hữu, nhóm mua để đầu tư quay vòng. Với nhóm mua để dùng, đó là nhu cầu tất yếu của rất nhiều người để cần một chỗ ở, chỗ kinh doanh buôn bán, do đó dù dịch có xảy ra hay không thì nó cũng không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của nhóm người mua này.

Thậm chí, nhu cầu này còn tăng lên, bởi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người ta mới hiểu rằng việc sở hữu một ngôi nhà để sinh sống và làm việc quan trọng đến nhường nào. Với nhóm mua để đầu tư, Covid-19 lại là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư lâu năm. Họ đã xuống tiền rất nhanh bởi họ đã quan tâm đến những mảnh đất, căn nhà đó từ rất lâu rồi và đây mới là thời điểm để họ xuống tiền. Đó cũng là lý do lý giải vì sao, đất thổ cư đi ngang hoặc tăng chứ không giảm".

Sắp đón "đoàn cá mập"

Dưới góc độ của đơn vị phát triển bất động sản tại Hà Nội, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Bất động sản Hải Phát nhận định, tác động của dịch Covid-19 đến thị trường là hết sức rõ ràng, đặc biệt là trong thị trường sơ cấp - thị trường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dòng vốn của ngân hàng.

Việc giải ngân dành cho các nhà đầu tư bất động sản nhỏ (số vốn dưới 5 tỷ) diễn ra khá sôi động trong thời gian qua. Bằng chứng là tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng rất ổn định dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. 

Chuyên gia 'giải mã' thực trạng giá bất động sản tăng không thể cản - Ảnh 2.

Đất các huyện ven trung tâm Hà Nội liên tục đón đợt "sốt" cục bộ. (Ảnh: Trần Kháng)

Cũng theo ông Duy, đây là thời điểm khá phù hợp để các nhà đầu tư ra những quyết định cụ thể cho việc sở hữu bất động sản, dù là mua để ở hay đầu tư. Rất nhiều năm rồi nhà đầu tư mới có được một trạng thái phấn khích về tâm lý, cũng như sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc thuận lợi tiếp cận vốn vay như thời điểm này.

Nhìn nhận về tương lai của thị trường trong những tháng cuối năm, ông Duy cho rằng, các quốc gia thường có "đàn cá mập" chuyên săn tìm bất động sản lớn, giàu có như Singapore, Thái Lan… Có những nước đang khao khát tìm kiếm dòng bất động sản có thể tăng trưởng trong vòng 3 - 5 năm. Vì thế, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch ven biển sẽ là phân khúc hấp dẫn đối với tất cả các khách hàng, nhà đầu tư.

"Chúng ta đang bỏ quên "đàn cá mập" đó, họ đang chờ đợi giãn cách được tháo gỡ. Khi đó, tôi tin rằng, Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất Đông Nam Á đón đợi "đàn cá mập" đó. Vì thế, trong quý III khi giãn cách xã hội giảm bớt thì "đàn cá mập" đó sẽ tới và sẽ đẩy một lực lớn đến thị trường bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng", ông Duy kỳ vọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem