Chuyên gia dự báo cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ xuất hiện trong tháng 8

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 30/06/2023 14:24 PM (GMT+7)
Xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm mạnh do lạm phát khiến người tiêu dùng ở nhiều quốc gia phải “thắt lưng buộc bụng”. Tuy vậy, bước sang tháng 5, xuất khẩu tôm đã có dấu hiệu nhích lên, mức sụt giảm đã nhẹ hơn.
Bình luận 0

Xuất khẩu tôm giảm mạnh

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu nhích dần lên, mức sụt giảm đã nhẹ hơn. Song 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng thu về 901 triệu USD, giảm 34%; tôm sú đạt 178 triệu USD, giảm 29%; các loại tôm khác đạt 139 triệu USD, giảm tới 40%.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 khách hàng lớn nhất của con tôm Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng khiến sức mua giảm. Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phải "thắt lưng buộc bụng", lựa những thực phẩm giá rẻ để cân đối chi tiêu. Nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ, nên hoạt động xuất khẩu tôm của nước ta bị ảnh hưởng.

Xuất khẩu tôm lao đao vì lạm phát - Ảnh 1.

Nông dân ở Đồng Nai thu hoạch tôm càng, nuôi bằng công nghệ lót vải bạt. Ảnh: Quang Hà

Xuất khẩu tôm lao đao vì lạm phát - Ảnh 2.

Việc xuất khẩu sụt giảm đã ảnh hưởng mạnh đến giá tôm nguyên liệu trong nước. Thông tin từ Bộ NNPTNT, tháng 5/2023, giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL có xu hướng giảm đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu chậm, trong khi lượng thu hoạch tăng cao dẫn đến cung vượt cầu.

Hy vọng từ những thị trường chủ lực

Theo ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Tôm - Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 227 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm là do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn các nguồn cung đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chuyển sang dùng thực phẩm giá rẻ hơn. 

Thêm vào đó, tại Mỹ, lãi suất tăng liên tục, lãi suất vay ở Mỹ tăng cao, thậm chí còn cao hơn Việt Nam, tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ có thể tăng nhẹ từ tháng 8 trở đi để phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm. Giá tôm cũng tăng nhẹ vì tồn kho nhiều, lạm phát và nguồn cung dồi dào từ Ecuador, Ấn Độ.

Đối với thị trường EU, ông Tài cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt 153 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do xung đột Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá. Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.

Tại thị trường này, tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Gần đây, Ecuador, Ấn Độ bắt đầu tăng xuất hàng chế biến sang EU tuy nhiên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này. Nên tôm chế biến của Việt Nam tại thị trường EU vẫn còn nhiều dư địa.

Từ tháng 7, khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà nhập khẩu EU bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp cuối năm.

Đối với thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 192 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm giá trị gia tăng sang thị trường này. Hàng truyền thống như tôm nguyên con từ Việt Nam xuất sang Nhật phải cạnh tranh mạnh với Ecuador, Ấn Độ vì giá tôm Việt Nam cao. 2 năm gần đây, Nhật Bản tăng mua nhiều tôm Ấn Độ.

Đối với thị trường Trung Quốc, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 214 triệu USD, giảm 22%. 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ. Theo ông Tài, nguyên nhân chính là do giá tôm Việt Nam cao.

Chủ tịch Ủy ban Tôm dự báo, từ tháng 8 trở đi, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc dự kiến tăng nhẹ để phục vụ dịp Trung thu, Quốc khánh và dịp lễ hội cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP chỉ rõ, trong chuỗi giá trị của con tôm, chúng ta làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng trong một thời gian dài. Giá thành tôm Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới.

Để nâng cao tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam, doanh nghiệp cho rằng cần có sự chung tay của các bên (nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng) nhằm cải thiện khâu giống và nuôi trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem