Chuyên gia nói gì về khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?
Chuyên gia nói gì về khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?
H.Anh
Thứ bảy, ngày 27/07/2024 09:30 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ là "cú hích" cho xuất khẩu, thu hút dòng vốn ngoại. Thế nhưng, chưa được công nhận cũng "không phải thông tin xấu".
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đã trì hoãn đến đầu tháng 8 việc ra quyết định có nên coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không. Lý do trì hoãn được cho là sự gián đoạn về công nghệ thông tin do lỗi phần mềm CrowdStrike.
Reuters cho biết, một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng "do sự gián đoạn liên tục đối với Bộ Thương mại Mỹ,... các nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin nên thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng về các vụ kiện chống bán phá giá sẽ được gia hạn "tổng cộng sáu ngày", và trường hợp với Việt Nam sẽ được công bố vào thứ Sáu 2/8. Theo dự kiến trước đó, quyết định về việc nâng cấp nền kinh tế Việt Nam được đưa ra ngày vào thứ Sáu 26/7 vừa qua.
"Cú hích" cho xuất khẩu và đầu tư trong dài hạn
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, không có lý do gì mà Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Bởi lẽ, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, điều này khẳng định Việt Nam là quốc gia có độ tin cậy về thương mại rất cao.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đã tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ và đã có những nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường, hội nhập với thế giới. Biểu hiện, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện thuộc nhóm lớn nhất thế giới, tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Bên cạnh Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, Việt Nam xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm nay.
Cũng theo ông Lạng, được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nhìn nhận tích cực hơn. Cùng với đó, các rào cản và trở ngại về thương mại cũng như thu hút dòng vốn đầu tư do "kinh tế phi thị trường" tạo ra cũng dần được gỡ bỏ.
"Khi đó hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn, các doanh nghiệp sẽ có được không gian thị trường rộng rãi và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này có thể tăng gấp đôi sang thị trường này trong vòng 2 - 3 năm tới", vị này nhận định.
Bày tỏ lạc quan, bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, khả năng cao Việt Nam sẽ được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Điều này, theo bà Hiền đó là "hành động" cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Bà Hiền cho biết thêm, hiện tại Mỹ đang coi Việt Nam là nước "phi thị trường", do đó nhiều loại hàng hóa của Việt Nam trong thời gian qua đã bị thị trường này điều tra, khởi kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, Mỹ là quốc gia khởi kiện nhiều nhất, lên tới 59 vụ việc.
Ngoài ra, hàng hóa từ các nền kinh tế "phi thị trường" chịu thiệt thòi khi phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Chẳng hạn với mặt hàng tôm nuôi đông lạnh, nếu nhập khẩu từ Việt Nam, thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho Việt Nam lên tới gần 26%, gấp gần 5 lần so với tôm từ Thái Lan (đã được công nhận nền kinh tế thị trường).
"Như vậy, khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường, hàng hóa Việt Nam sẽ được đối xử công bằng hơn và có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. Là điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đặc biệt sẽ hạn chế được việc hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị điều tra, kiện chống bán phá giá, áp thuế chống bán phá giá. Như vậy, doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên, từ đó góp phần vào thúc đẩy kinh tế", bà Hiền phân tích.
Thực tế, "cái giá" của việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra, khởi kiện chống bán phá giá thời gian qua, chính là các chi phí phát sinh cả về thời gian lẫn tiền bạc khi phải hợp tác, cung cấp thông tin phục vụ điều tra. Điều này, cản trở và có thể làm chậm quá trình xuất khẩu, thậm chí "tuột mất" cơ hội gia tăng thị phần khi bị đối thủ cạnh tranh "chớp thời cơ".
Lợi ích lớn khác, theo Giám đốc Khối Nghiên cứu của MBS, được công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ là "cú hích" góp phần hút dòng vốn FDI từ Mỹ chảy vào Việt Nam nhiều hơn; đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
"Các ngành được hưởng lợi lớn nhất gồm có Thủy sản (Cá tra và tôm), Gỗ, Bất động sản khu công nghiệp,... Trong đó, bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi dòng vốn FDI từ Mỹ chảy vào Việt Nam nhiều hơn", bà Hiền cho hay.
Chưa được công nhận cũng "không phải tin xấu"
Cũng có ý kiến cho rằng, Mỹ sẽ phải tiếp tục cân nhắc nhiều chiều để đưa ra quyết định có công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường hay không? vào tháng 8 này.
6 tiêu chí được sử dụng để xác định xem một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Một chuyên gia (xin giấu tên - PV) cho rằng, các tiêu chí này đã có cải thiện đáng kể đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, để được Mỹ công nhận, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là vấn đề liên quan đến "bàn tay can thiệp" của nhà nước vào thị trường.
"Nội tại của chúng ta còn sử dụng rất nhiều biện pháp hành chính. Chẳng hạn như trần lãi suất, room tín dụng, giá điện, giá xăng dầu,... thậm chí cả giá vàng. Tất cả những yếu tố này đều được xem xét khi đánh giá nền kinh tế có phải thị trường hay không?", vị này nói và cho rằng, không được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường ở thời điểm này cũng không ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam.
Đồng tình, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, không phải thông tin xấu nếu như Việt Nam chưa được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường.
Bà Hiền lý giải, Mỹ hiện đang là đối tác lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đóng góp 25% - 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào Mỹ tăng hơn 22% - là đầu kéo quan trọng khi đưa xuất khẩu của Việt Nam lên mức tăng trưởng gần 15%.
"Nếu chưa được công nhận kinh tế thị trường, về tự nhiên thị trường Mỹ vẫn là đầu kéo đối với xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Hơn nữa, nếu được công nhận ở thời điểm hiện nay, chúng ta cũng không thể sản xuất hay xuất khẩu ồ ạt trong một sớm một chiều. Tất nhiên, nếu được công nhận, chúng ta có thêm yếu tố kỳ vọng trong tương lai, bởi quyết định này có tác động dài hạn nhiều hơn ngắn hạn", bà Hiền nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh và quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp Liên Minh Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.