Chuyên gia thời tiết: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15

Lục Vô Song Thứ hai, ngày 26/09/2022 19:01 PM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) nhận định, cần dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 (cơn bão số 4 - bão Noru).
Bình luận 0

Siêu bão Noru - Bão số 4 có thể phá hủy tàu thuyền, thổi bay nhà ngói

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

"Những tàu thuyền dù được neo đậu vẫn có thể bị phá hủy, nhà ngói có thể bị thổi bay", ông Hưởng nói và lưu ý người dân cần khẩn trương áp dụng các biện pháp ứng phó trước cơn bão này.

Chuyên gia thời tiết: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 - Ảnh 1.

Chuyên gia dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 (siêu bão Noru - Bão số 4)

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng, từ gần sáng 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận bắt đầu có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Ở ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Sâu hơn trong đất liền, gió mạnh đến cấp 8-9; giật cấp 12-13.

Theo thang đo cấp độ sức gió Beaufort, bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15 trên đất liền có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng về nhà cửa, công trình. Cường độ gió này có sức phá hủy lớn. Sóng biển rất mạnh, có thể đánh chìm tàu có trọng tải lớn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4 có thể gây ra đợt mưa lớn 150-300 mm, có nơi trên 350 mm với thời gian mưa được phân bổ theo từng khu vực.

Chuyên gia thời tiết: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 - Ảnh 2.

Quân đội, lực lượng chức năng giúp dân di chuyển thuyền thúng của ngư dân lên bờ trú bão. Ảnh: Dũ Tuấn.


Trong đó, từ Quảng Trị đến Bình Định và bắc Tây Nguyên, mưa tập trung trong chiều 27-28/9. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình mưa vào đêm 27-29/9. Trong khi đó, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mưa muộn hơn vào ngày 28-30/9.

Ở kịch bản khác, chuyên gia cho rằng miền Trung có thể hứng lượng mưa lên tới 400 mm do hoàn lưu bão. Nếu điều này xảy ra, 60 huyện, thị xã, thành phố ở Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên đối diện với nguy cơ ngập lụt diện rộng.

Cơ quan khí tượng đồng thời cảnh báo nguy cơ nước dâng do bão ở khu vực ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với độ cao lên tới 0,8-1,2 m. Kịch bản cực đoan, nước có thể dâng 1,4-1,8 m.

Khu vực ven biển, cửa sông các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi cần đề phòng ngập úng tại vùng trũng, thấp.

3 siêu bão mạnh tương tự như siêu bão Noru (cơn bão số 4)

Để hình dung rõ hơn mức độ tàn phá của bão Noru, chuyên gia so sánh cơn bão này tương tự bão Xangsane đổ bộ vào tháng 9/2006, bão Ketsana vào tháng 10/2009 và gần nhất là bão Molave hồi tháng 10/2020.

Với bão Xangsane, hình thái này đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam vào tháng 9/2006 với sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 14. Hoàn lưu bão gây ra đợt mưa lớn diện rộng với lượng 200-300 mm cho khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi.

Về thiệt hại, bão Xangsane khiến 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương. Mưa lớn, ngập lụt và gió giật cũng khiến hơn 350.000 ngôi nhà bị hư hỏng, phá hủy trên 1.000 tàu thuyền. Đây là một trong những cơn bão gây thiệt hại nặng nề trong lịch sử mưa lũ miền Trung.

Đến tháng 10/2009, miền Trung hứng thêm một cơn bão mạnh tên Ketsana. Thời điểm đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi, hình thái này duy trì sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.

Bão gây ra đợt mưa lớn lên tới 400-600 mm cho khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, khiến 28 người chết và mất tích, 629 người bị thương cùng 280.000 ngôi nhà hư hỏng.

Với kịch bản đường đi và mức độ ảnh hưởng tương tự hai cơn bão trên, người dân có thể hình dung mức độ tàn phá của Noru sắp tới nếu bão giữ sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 để vào bờ.

Trước diễn biến bão Noru có thể tăng cấp và đi vào khu vực đất liền từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14, chuyên gia khuyến cáo người dân nên khẩn trương chằng chống và gia cố nhà cửa, cố gắng hoàn tất trong ngày 26/9.

Thời điểm bão bắt đầu gây gió mạnh từ sáng 27/9, người dân tuyệt đối không ở trên các lồng bè mà cần đến ngay khu vực an toàn.

Với dự báo tình hình mưa, lũ lớn, ngập lụt và chia cắt có thể kéo dài nhiều ngày, người dân cần chủ động tích trữ nước ngọt, lương thực, nhu yếu phẩm. Đồng thời, chính quyền cần rà soát để sớm di dời người dân đến nơi an toàn trước nguy cơ gió bão có thể gây tốc mái nhà cấp 4.

Siêu bão Noru - bão số 4 đổ bộ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi

Hồi 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Chuyên gia thời tiết: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 - Ảnh 4.

Lực lượng thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ di dời người dân vùng ven biển đến nơi an toàn. Ảnh: T.H.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 320km, cách Quảng Nam khoảng 270km, cách Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đi vào đất liền Trung Trung Bộ, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

BIỂN ĐỘNG DỮ DỘI, SÓNG BIỂN CAO 9-11M, NƯỚC DÂNG DO BÃO 1-1,5M, MƯA LỚN TRÊN 400MM/ 1 ĐỢT

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ:

Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m, biển động dữ dội.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Từ sáng 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.

Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền:

Từ đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13.

Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Cảnh báo mưa lớn:

Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt;

Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng Bằng Bắc Bộ.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Cấp 4Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: Cấp 3.

Chuyên gia thời tiết: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 - Ảnh 5.

Chuyên gia thời tiết: Dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 - Ảnh 6.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem