Ứng phó bão số 4 (Noru): Dân Quảng Nam làm hầm tránh bão
Ứng phó bão số 4 (Noru): Dân Quảng Nam làm hầm tránh bão
Trương Hồng
Thứ hai, ngày 26/09/2022 11:44 AM (GMT+7)
Ngay trong sáng nay (26/9), Quảng Nam đã triển khai lực lượng từ cấp tỉnh đến cơ sở để ứng phó với bão số 4 (Noru), đặc biệt là công tác giúp dân chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, đưa người dân đến nơi an toàn. Tại vùng ven biển, nhiều căn hầm trú bão được người dân xây dựng.
Phóng viên Dân Việt có mặt tại vùng ven biển Quảng Nam, sáng nay thời tiết đã xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa to, sóng biển đã cao từ 0,5 - 0,7m.
Tại khu vực huyện Núi Thành ra đến thị xã Điện Bàn, lực lượng xung kích cùng chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuất quân xuống tận nhà dân khảo sát, giúp dân chằng chống nhà cửa. Bên cạnh đó, nhiều nơi đã có phương án di dời dân đến nơi an toàn ngay trong chiều nay và sáng sớm mai theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.
Căn hầm trú bão của vợ chồng ông Hận.
Có mặt tại khu vực biển Tam Thanh, Quảng Nam, nơi đây rất đặc biệt là có những hộ dân xây dựng hầm trú bão bằng bê tông, cốt thép rất kiên cố.
Vợ chồng ông Lê Văn Hận (70 tuổi, trú tôn Tĩnh Thủy, xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) nghe tin bão số 4 (Noru) sắp đổ bộ nên tranh thủ sáng nay dọn dẹp lại căn hầm tránh bão mà vợ chồng ông xây cách đây 3 năm.
"Căn hầm này tôi xây được 3 năm rồi, hầm có diện tích dưới 10m2, đủ cho vợ chồng tôi tránh mưa, bão. Từ khi xây dựng căn hầm này đã trú bão được 2 lần, lần này là lần thứ 3.
Cơn bão này được dự báo là rất mạnh, các con thì đi làm ăn xa về không kịp, lo sợ nên sáng nay vợ chồng tôi tranh thủ dọn dẹp lại căn hầm để đưa dụng cụ như đèn, lương thực, thực phẩm vào tránh bão.
Hầm tránh bão được tôi xây rất kiên cố, tường xây gạch, trên đổ bê tông rất chắc chắn. Có căn hầm này cũng đỡ lo hơn, cứ thấy bão là vào nấp thôi…", ông Hận chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Văn Hận, ở vùng biển Tam Thanh này mỗi năm hứng chịu rất nhiều bão, ngày trước nhà cửa không kiên cố như bây giờ nên người dân ở đây toàn đào, xây hầm tránh bão hết.
"Hiện nay, người dân khá giả hơn nên vùng biển này được xây dựng nhà to, tầng kiên cố nên số lượng làm hầm tránh bão không nhiều như xưa. Ở đây dường như chỉ còn những người già và neo đơn như vợ chồng tôi mới còn những căn hầm trú bão này", ông Hận nói.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước khi bão số 4 đổ bộ, không những khẩn trương giúp dân vùng đồng bằng, ven biển đến nơi an toàn mà về lương thực cũng được dự trữ sẵn sàng, nhất là khu vực miền núi.
Hiện tình hình dự trữ gạo, lương thực tại 6 huyện miền núi cao như huyện Phước Sơn đã cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn. Huyện giao kinh phí để Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu 150 triệu đồng, đối với huyện miền núi cao Nam Trà My đã dự trữ 10 tấn; còn đã cấp cách đây 1 tuần cho các xã tổng 40 tấn gạo, 22 đơn vị trường học đang có mỗi trường từ 3-4 tấn gạo. Huyện Tây Giang dự trữ tại huyện 40 tấn; trong dân 180 tấn (trong đó người dân 100 tấn, trong các tiểu thương là 80 tấn). Tổng dự trữ của 6 huyện miền núi lên đến 220 tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.