Chuyện góp ở Trường Sa...

Chủ nhật, ngày 23/06/2013 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tâm tình của nhân sĩ, trí thức với Trường Sa. Nhiều người bỗng dưng thành nhà thơ khi đến Trường Sa. Câu chuyện “không vui” của một sĩ quan Trường Sa...
Bình luận 0

Đó là những câu chuyện mà PV NTNN ghi được sau một lần đến Trường Sa.

Dong buồm Trường Sa

Những ngày cuối tháng 4.2013, tàu TITAN chở trên 100 nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ rời cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) đi thăm Quần đảo Trường Sa và hệ thống nhà giàn DK1. Đây là biên chế Đoàn công tác số 1 năm 2013 của TP.Hồ Chí Minh làm việc với quân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

img
 

Ngoại trừ các cán bộ Quân chủng Hải quân và lực lượng phục vụ, còn lại hầu hết là những người lần đầu đi Trường Sa. Thế nên nét mặt, phong thái ai cũng háo hức, sẵn sàng tiếp nhận, nếm trải những kỳ thú mới mẻ trong đời. Nhí nhảnh, không thể giấu xúc cảm, dễ nhận thấy nhất có lẽ là nữ nhà văn trẻ Phong Lan (web Hội Nhà văn VN) vừa “cuốc” tàu hỏa từ Hà Nội vào tham gia chuyến đi. Phong Lan mê mải chụp hình, kèm theo cuốn sổ tay ghi chép bất tận. Lịch trình của tàu đi chỉ mươi ngày, thăm khoảng 10 đảo, rồi về với DK1 nhưng Phong Lan đã đề đạt với trưởng đoàn được ở lại lâu hơn, ngủ tại mỗi đảo ít nhất vài đêm. “Tôi muốn cảm nhận sâu đậm nhất về cuộc sống và tâm tình của người Trường Sa. Nghề văn không thể “cưỡi ngựa xem hoa” là có những trang viết lắng đọng được” - Phong Lan bộc bạch.

Phối sư Thượng Minh Thanh - Trưởng Tòa thánh TP.Hồ Chí Minh, là người thoạt trông khá nghiêm trầm nhưng cứ mãi nở nụ cười trên boong tàu Titan. Ông cho biết, đã có hàng trăm tín đồ đạo Cao Đài ở các khu vực đảo của Việt Nam, trong đó có Trường Sa. “Chuyến đi này tôi đã chờ đợi từ lâu, tuổi già rồi, không đi thăm được Trường Sa thì sợ muộn mất…” - Phối sư nói.

Còn 2 ngày nữa mới đến Trường Sa mà tôi đã nghe có người sáng tác rồi đọc thơ: “Trường Sa ơi, bây giờ tôi mới tới/Có muộn không hỡi cọc nhọn Bạch Đằng…”. Sẽ chẳng bao giờ muộn, nếu tấm tình mỗi người Việt luôn hướng về từng mét sóng, tấc đất của biển đảo quê nhà… Sóng điện thoại, Internet trên biển thì “lúc có lúc không” nên đã hạn chế nhiều đến anh em làm báo, thế nhưng lại càng thuận lợi cho các nhà… xuất khẩu thành thi! Rà lại cả chuyến đi, tôi nghiệm ra- ai đến Trường Sa cũng thành thi sĩ, giá chót cũng sáng tác một bài!

Ông “dã ngoại”

Một trong những người “máu” thơ nhất là ông Nguyễn Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt. Ngồi đâu, tôi cũng thấy ông thảo thơ trên những chiếc lá bàng xanh-vàng-đỏ của đảo ở Trường Sa. Ví như trong bài “Đảo chìm” viết ngày 19.4 ở đảo Đá Tây: “Những ngôi nhà như mọc lên từ nước/Tựa các chàng dũng sĩ giữa Biển Đông/Bao đời nay con cháu giống Lạc Hồng/Thề quyết tử giữ ven toàn biển đảo”, hay “Đây Trường Sa đảo thiêng quê Mẹ/Một tấc đất cũng quyết giữ gìn/Bảo vệ Trường Sa – mệnh lệnh trái tim/Cả dân tộc thề khắc tâm tạc dạ”...

Vì nghề nghiệp, ông Mỹ đã đi khắp năm châu bốn bể, thế nhưng chuyến đi Trường Sa này đối với ông lại đậm chất “dã ngoại” nhất. Bởi lúc này “không có việc” rất khó đi Trường Sa, bởi bao trải nghiệm không dễ hình dung đối với người “đất liền”. Đầu tiên là một vài kiểu sinh hoạt như lính biển, rồi cảm giác chòng chành dài ngày trên tàu lớn giữa khơi Đông, tận mắt thấy những tàu cá của ngư dân Việt lênh đênh khơi xa, những chếc tàu “hải ngư, hải giám” của Trung Quốc lảng vảng dọc hải trình, những nét cười, màu cây, hoa màu, vật nuôi thân thiện trên các đảo,… đều khác với hình dung lúc ở nhà. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ con ở các đảo Trường Sa, ông thấy họ “đẹp quá, đẹp quá!”... Nhà “dã ngoại học” Nguyễn Văn Mỹ tâm sự: rất muốn làm “một điều gì đó” để mọi người có thể dễ dàng đến với Trường Sa, để đường đến Trường Sa “ngắn hơn”, để nỗi niềm về Trường Sa trong lòng người nước Việt được thư thái hơn…

Nốt lặng hậu phương

Ở đảo Trường Sa Lớn, tôi gặp đại úy Mai Văn Lưu – Phó Cụm trưởng quân sự của đảo. Anh Lưu không nói nhiều về sương gió biên thùy, nỗi niềm xa cách người thân, mà chỉ bộc bạch với tôi về một lo lắng cho cuộc sống gia đình khi vợ anh (chị Chu Thị Kim Tuyến, 34 tuổi) ở nhà đã bị mất việc khi ngành giáo dục Nghệ An “bỗng dưng lắc đầu”.

Đại uý Mai Văn Lưu cho biết thêm, lính đảo và một số cán bộ chuyên môn thường ra Trường Sa có thời hạn, thế nhưng lực lượng sĩ quan chuyên nghiệp thường gắn bó với Trường Sa cả cuộc đời binh nghiệp. Xa cách đã thành “chuyên nghiệp” đối với gia đình anh.

Qua điện thoại, chị Tuyến cho biết- chị vốn là giáo viên môn giáo dục thể chất của Trường THCS Hưng Lộc (TP.Vinh, Nghệ An) rồi được cử đi học đại học; thế nhưng khi học xong thì nhà trường “không có nhu cầu hợp đồng giáo viên môn này”, thế là chị đành thất nghiệp. “Họ nói là kinh phí khó khăn, không có tiêu chuẩn biên chế, không thể hợp đồng giáo viên dạy thể chất. Thì em cũng đành chịu chứ biết làm sao? Mà chạy việc ngành giáo dục bây giờ khó khăn lắm…” – chị Tuyến nói.

“Khổ nhất của anh em ở đảo đã lập gia đình là nỗi nhớ vợ con; điều này rồi cũng nguôi ngoai, quen dần. Thế nhưng lo lắng nhất của tôi là chuyện kinh tế gia đình, khi vợ bị thất nghiệp, phải sống nhờ sự giúp đỡ của gia đình hai bên” – đại úy Lưu nói. Nhà văn Đào Bá Đoàn có mặt cùng tôi trong chuyến Trường Sa, tỏ ra hết sức bất bình: “Tôi chẳng hiểu ngành giáo dục Nghệ An nghĩ gì mà để một người vợ của sĩ quan Trường Sa phải vật vã trong cảnh bị cắt hợp đồng, không xin được việc đi dạy, trong lúc đầy đủ tiêu chuẩn. Mà tiêu chuẩn cao nhất, đó là - vợ của người đang công tác dài ngày tại quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc”. Một số anh chị em trong đoàn, khi biết hoàn cảnh của đại úy Lưu đều tỏ ra băn khoăn, bức xúc không kém…

Chúng tôi xin chuyển băn khoăn trên đến tỉnh Nghệ An và Bộ GDDT. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem