Không hề có ý định đùa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân mang chuyện “heo đen heo trắng” ra kể trước nghị trường.
Rằng ở địa phương ông, một “bà con” được hỗ trợ 2 con heo, 1 đen, 1 trắng. Heo đen thì nhốt chuồng, heo trắng thì thả rông. Hỏi rằng cho heo đen ăn gì? Đồng bào đáp không biết cho nó ăn gì vì chưa từng nuôi và cán bộ xóa nghèo cũng chẳng nói nó ăn gì.
Heo đen nó ăn củ khoai, ăn măng trên rừng. Nó không tìm được thức ăn là nó chết. Và ông Tuân kết luận rằng “chúng ta”, tức những người làm công tác xóa đói giảm nghèo, đã làm không đến nơi đến chốn. Đã bỏ mặc.
Vâng, phải nói thẳng về sự bỏ mặc khi những thực tế trong công tác xóa nghèo được kể trước nghị trường y như thể là chuyện tiếu lâm.
Ngân sách dành cho dạy nghề hơn 4.700 tỷ, nhưng chẳng hạn đó là nghề sửa xe máy, cho 20 thanh niên trong một cộng đồng dân cư số xe máy không nhiều hơn 2 bàn tay. 1,1 triệu lao động được dạy nghề, nhưng chẳng hạn đó là chuyện thanh niên cả làng đi học sửa chữa điện, hay như câu chuyện của “dạy nghề sửa vi tính đại trà cho người vùng sâu vùng xa” mà ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy đã so sánh giống y “dạy cho người thành phố học sửa tàu vũ trụ”.
Nghèo vì phát giống cây trong khi người dân không có đất. Hồ xây xong thì không có nước. Lúc có nước thì đã hỏng. Nhà văn hóa xây rồi bỏ hoang. Chợ xây xong rồi để nhốt bò. Còn bò dự án thì bằng con heo. Còn heo thì đó, là chuyện “heo đen, heo trắng”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã nói chính xác một cách thấm thía rằng chính sách giảm nghèo đang “ấn từ trên xuống”. Ấn bất chấp thực tế. Ấn bất chấp nhu cầu. Bất chấp đúng hay không đúng, hiệu quả hay không hiệu quả.
Nếu ví xóa nghèo như một cái cần câu, thì trong vô số dự án, nó chẳng khác gì cái cần tre, giao cho bà con để họ tự bơi ra biển lớn chật vật áo cơm.
Tại sao xóa nghèo luôn tồn tại những câu chuyện tiếu lâm kiểu “heo đen, heo trắng”?
Chẳng đến mức một bộ máy tiêu tốn 77 sân vận động Mỹ Đình, nhưng rõ ràng, và phải nói thẳng thắn, đó là sự yếu kém.
Nói như ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), bộ máy giảm nghèo ở nhiều nơi hình thức đến nỗi công việc chính của họ là “định kỳ đi họp”.
Và vì thế, để không còn xảy ra chuyện “heo đen, heo trắng”, để không còn nghịch lý “dạy cho người thành phố học sửa tàu vũ trụ” thì có lẽ, cần phải xóa đi trước hết trong chính đội ngũ cán bộ xóa nghèo một cái nghèo khác. Đó là sự nghèo nàn về trách nhiệm.
Anh Đào (Anh Đào)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.