Chuyện hy hữu: Ly hôn để hoàn thành nhiệm vụ

Thứ bảy, ngày 05/05/2012 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong lá đơn xin ly hôn, bà Chu Thị Lường viết: "Hiện tại, chồng tôi - anh Đặng Anh Bào - là đảng viên, công nhân viên chức của Mỏ Núi Hồng. Chồng tôi ép tôi ký đền bù nhưng tôi cương quyết không ký..."
Bình luận 0

LTS: Trong các ngày từ 13 -15.2, Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) đã có loạt bài viết: "Nông dân đói nghèo vì mất ruộng". Sau đó, Công ty Than Núi Hồng và Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc đã có văn bản gửi Báo NTNN phản ứng loạt bài trên. Để rộng đường dư luận, Báo NTNN xin quay trở lại vấn đề này, đồng thời thay cho trả lời 2 cơ quan trên.

Sai phạm của Công ty Than Núi Hồng

Ngày 9.1.2012, Ban Biên tập Báo NTNN nhận được đơn của 20 hộ dân xóm Chiến Thắng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên trình bày việc hơn 6 năm qua, toàn bộ đất canh tác đã bị Hội đồng đền bù huyện Đại Từ cưỡng chế để giao cho Công ty Than Núi Hồng sản xuất kinh doanh khiến những người nông dân phải sống chật vật trong đói nghèo.

img
Những người nông dân Đồng Cẩm đang lo lắng trước bóng ma đói nghèo.

Ngay sau khi nhận được đơn, phóng viên (PV) đã về xóm Chiến Thắng tìm hiểu kỹ vụ việc và viết loạt bài 3 kỳ với tiêu đề "Nông dân đói nghèo vì mất ruộng". Ngày 22.3.2012, Giám đốc Công ty Núi Hồng đã có đơn kiến nghị số 495/ĐKN-TNH gửi Báo NTNN cho rằng, PV viết không đúng nội dung với tài liệu do Công ty Núi Hồng cung cấp và yêu cầu cải chính, xin lỗi.

Tiếp đó, ngày 11.4.2012, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin (Tổng Công ty Việt Bắc) có "Báo cáo giải trình một số vấn đề do Báo NTNN nêu về sự việc của Công ty Than Núi Hồng" gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đồng gửi Báo NTNN.

Về việc Công ty Than Núi Hồng và Tổng Công ty Việt Bắc cho rằng đã thực hiện đúng việc bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Dự án Khối III Thấu kính II của Công ty Than Núi Hồng (Công ty Núi Hồng), trên thực tế Hội đồng BTGPMB huyện Đại Từ và chủ đầu tư là Công ty Núi Hồng đã không lập phương án đền bù và đây chính là một trong những thiếu sót mà người dân kiến nghị. Việc thiếu phương án đền bù đã được chỉ ra trong Kết luận số 82 của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên.

Với những hộ dân mất đất, việc Công ty Núi Hồng cam kết nhận lao động từ những hộ dân này vào làm công nhân của Công ty cũng đã không được thực hiện nghiêm túc.

Gia đình ông Hồ Văn Sâm bị thu hồi 2.427m2 đất, chiếu theo Thông báo số 2291 của Công ty về quy định công tác tuyển dụng lao động là cứ đủ 720m2 đối với đất ruộng bao gồm đất đang canh tác lúa màu và đất ruộng đã được chuyển sang trồng chè được tuyển 1 lao động thì gia đình ông Sâm phải được tuyển 3 lao động.

Ông Sâm đã có đơn trình bày với ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Mỏ và được Phòng tổ chức phát cho 3 bộ hồ sơ. Thế nhưng gia đình ông chỉ được tuyển dụng 1 lao động, 2 trường hợp còn lại được trả lời là chờ giải quyết sau.

Đặc biệt, với 20 hộ dân thuộc xóm Chiến Thắng bị thu hồi đất vẫn chưa được Công ty Núi Hồng tuyển dụng một lao động nào. Lý do là vì các hộ này chưa nhận tiền đền bù GPMB. Tuy nhiên, đất nông nghiệp của họ đã bị thu hồi hoàn toàn và Công ty đã tiến hành khai thác.

Trong Kết luận số 205/TB-UBND ngày 28.9.2011, UBND huyện Đại Từ đã "Giao Công ty Núi Hồng xây dựng phương án tuyển dụng lao động đối với các hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất (12 chỉ tiêu tại thời điểm thu hồi đất năm 2002); Công ty cần chú trọng đến công tác tuyển dụng lao động trực tiếp hoặc có phương án hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề cho số lao động trên". Không hiểu sao chỉ đạo của UBND huyện Đại Từ 7 tháng nay vẫn không được Công ty Núi Hồng thực hiện(?).

Tố cáo bị trù dập

Công ty Núi Hồng đề nghị Báo NTNN đính chính việc ông Đặng Anh Bào tố cáo bị trù dập do đấu tranh với những sai phạm của Công ty Núi Hồng. Trong báo cáo gửi Vinacomin, Tổng Công ty Việt Bắc cho rằng, ông Bào bị miễn chức vụ Trưởng phòng Bảo vệ Thanh tra do không hoàn thành nhiệm vụ và có nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên than của xí nghiệp; ông Bào bị xóa tên trong danh sách đảng viên là do ý thức tổ chức kỷ luật kém, không hoàn thành nhiệm vụ đảng viên là vận động gia đình chấp hành chính sách đền bù Khối III, Thấu kính II của Hội đồng BTGPMB huyện Đại Từ, bỏ sinh hoạt Đảng không báo cáo chi bộ và không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, cả Công ty Núi Hồng và Tổng Công ty Việt Bắc đều không đưa ra được các tài liệu chứng minh cho những sai phạm trên của ông Bào.

Ngày 26.4, PV Báo NTNN đã có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Việt Bắc. Tại buổi làm việc này, PV đã yêu cầu phía Tổng Công ty cung cấp tài liệu chứng minh những nội dung được nói đến trong báo cáo nhưng kết cục không có tài liệu nào được đưa ra.

Về nội dung này, ông Bào cho biết: "Đầu năm 2002, Hội đồng BTGPMB huyện Đại Từ triển khai công tác GPMB Khối III Thấu kính II. Gia đình tôi cũng có 1.682m2 đất đứng tên vợ tôi trong khu vực đền bù. Nhưng vì lúc đó, vợ tôi cùng nhiều bà con trong xóm phát hiện việc đền bù không đúng với quy định của pháp luật nên đã nộp đơn kiện và không bàn giao đất. Là một đảng viên, tôi cũng đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng vợ tôi không nghe. Bị tôi ép quá, ngày 20.2.2004, vợ tôi đã làm đơn xin ly hôn gửi lên cơ quan chức năng huyện Đại Từ và xã Yên Lãng".

Trong lá đơn xin ly hôn, bà Chu Thị Lường - vợ ông Bào - viết: "Hiện tại, chồng tôi - anh Đặng Anh Bào - là đảng viên, công nhân viên chức của Mỏ Núi Hồng. Chồng tôi ép tôi ký đền bù nhưng tôi cương quyết không ký với lý do Hội đồng BTGPMB không thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm khi chồng tôi suốt ngày đay nghiến tôi. Từ lý do đó, tôi làm đơn lên chính quyền các cấp xin ly hôn để anh Bào không ảnh hưởng gì đến công tác".

Ông Bào đã ký vào lá đơn và thêm ý kiến: "Động viên ký nhiều lần cô Lường không ký đền bù. Xét thấy hậu quả lâu dài, tôi nhất trí ký tên ly hôn".

Ngày 22.3.2004, ông Bào đã có đơn trình bày về việc ly hôn gửi Bí thư Chi bộ Phân xưởng Đường sắt. Trong đơn, ông Bào còn đề nghị với Đảng và chính quyền các cấp 2 việc: Một là nếu Hội đồng BTGPMB làm đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cứ cưỡng chế theo luật định. Còn nếu làm sai thì đề nghị Chi bộ cho ông rút đơn ly hôn để khỏi ảnh hưởng danh dự và hạnh phúc gia đình.

Ngày 11.10.2004, UBND xã Yên Lãng đã mời hai vợ chồng ông Bào ra trụ sở ủy ban để hòa giải ly hôn. Tuy nhiên, vợ chồng ông chỉ thực sự rút đơn khi có một người bề trên trong họ xuống tận nhà khuyên bảo. Thế nhưng, ông Bào vẫn bị xóa tên trong danh sách đảng viên vì không hoàn thành nhiệm vụ đảng viên là vận động gia đình chấp hành chính sách đền bù như đã nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem