Chuyện kể gốc đa: Dài thua

Chủ nhật, ngày 03/04/2011 10:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bắt đầu bình ổn giá năm 2011 rồi, chắc chắn bà con làng ta cũng đỡ khổ một chút. Ngoài gạo, thịt, dầu ăn, trứng, đường... năm nay có thêm mặt hàng giấy vở học sinh cũng được hỗ trợ. Cụ có tin lắm không?
Bình luận 0

- Tin hay không tin, bình hay không bình giá vẫn cứ tăng thôi.

- Theo quy định 9 mặt hàng thiết yếu, nếu có sự biến động về giá liên tục trong 15 ngày với mức tăng 15% thì chỉ cần có văn bản đề nghị, các bác tài chính, công thương đồng ý cho bán theo giá mới ngay.

- Là tăng hay giảm?

- Chắc là... chắc là tăng! Nhưng cũng chắc là tăng nhẹ hơn giá ngoài thị trường. Ở đây nói so với các siêu thị, trung tâm thương mại, tức là thị trường có tổ chức thôi.

- Đã có hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, sao giá còn tăng nhỉ?

- Cụ ơi, báo họ đăng là ở TP.HCM, để chào đón chương trình bình ổn giá 2011, bắt đầu từ 1.4 các chợ lớn đã “đi trước đón đầu” tăng giá. Dù các bác trong chương trình có được bình ổn, nhưng vẫn phải tiếp tục chạy theo chúng em đấy(!).

- Lão không biết các nơi thế nào chứ ngoại thành Hà Nội ta các mặt hàng bình ổn đều cao hơn các siêu thị nội thành.

- Nông dân tự sản xuất được thì giá làng phải thấp hơn giá phố chứ ạ?

- Có thế, nhưng không nhiều. Làng nào trồng rau muống thì rau muống tự sản tự tiêu rẻ hơn chút ít. Nhưng không trồng được rau cải thì ra chợ rau cải vẫn đắt hơn, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì tôm, kể cả các loại thịt, trứng mang từ nơi khác đến giá vẫn cao hơn. Nói tóm lại, nông dân đã nghèo, hiện đang nghèo thêm trong từng bữa ăn hàng ngày.

- Năm nay Hà Nội chi 476 tỷ đồng để bình ổn, tăng hơn năm ngoái 76 tỷ, thế mà...

- Bình ổn đâu có cho nhà quê, cho các khu công nghiệp để hỗ trợ công, nông cùng “vượt bão”.

- Sao có sự phân biệt?

- Đơn giản là chỉ có thể giao tiền bình ổn cho các siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Nhà quê làm gì được trả tiền theo máy tính tiền. Đồng tiền “lận trong cạp quần” của bà con cho dù bằng chất liệu gì cũng cong queo, mua bán ngoài trời, gốc đa, cổng làng, giá nào cũng phải theo. Nếu các bác có thương dân đến mấy cũng không thể đi khắp chợ cùng quê đưa cô bán cá dăm chục, bà bán mì một trăm bảo: Bình ổn đi! Có tài thánh cũng không thể kiểm soát được giá “buôn thúng bán mẹt”.

- Thế cứ chịu mãi?

- Đến khi nào ta xây dựng được hệ thống phân phối làng, một mẹt rau có cắm chi chít biển giá như húng 1 nghìn/mớ, hành hoa 2 nghìn một nắm (nhỏ, tay trẻ mẫu giáo nắm vừa), rau diếp, giá...

- Thôi cụ ơi! Em thua, dân cày ta dài thua!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem