Nhạc sĩ Dương Thụ - Giám đốc nghệ thuật đã chia sẻ với phóng viên NTNN nhiều chuyện hậu trường của chương trình lớn này.
Thưa nhạc sĩ, chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” năm nay có gì thay đổi so với 4 lần tổ chức trước đây hay không?- Trước tiên tôi xin khẳng định, năm nay chương trình vẫn sẽ tiếp tục kể câu chuyện về lịch sử tâm hồn của người Việt. Đây không phải là một show diễn, không nhằm mục đích giải trí, không đánh vào tâm lý người xem như tạo sự thích thú, hồi hộp hay tạo sự độc đáo trên sân khấu… mà là một chương trình hòa nhạc nghiêm túc.
Như một chương trình hòa nhạc trên thế giới, bao giờ cũng có 2 phần và nghỉ giải lao giữa giờ, “Điều còn mãi” cũng vậy. Chỉ có điều năm nay thời lượng dành cho phần khí nhạc sẽ là 50 phút, nhiều hơn so với mọi năm và phần thanh nhạc sẽ là 37 phút.
Nhạc sĩ Dương Thụ (giữa) tại buổi họp báo chương trình “Điều còn mãi”.
Phần khí nhạc sẽ có những tác phẩm mới, lần đầu tiên xuất hiện như là tổ khúc “Kơ Nhí” tác giả Văn Ký; “Tiếng hát sông Hương” tác giả Hoàng Dương; “Bài ca chim ưng” tác giả Đàm Linh; “Concertino” tác giả Ca Lê Thuần; “Cánh đồng bất tận” tác giả Quốc Trung; Ngũ tấu “Ngẫu hứng phố” tác giả Trọng Đài…
Vậy còn về nghệ sĩ, chắc chắn sẽ có các gương mặt mới?
- Năm nay có 2 nghệ sĩ tài năng trẻ đó là Đỗ Hoàng Linh Chi, chơi piano và Đỗ Phương Nhi chơi violon. Tôi nghĩ với những tác phẩm do các nhạc sĩ tầm tuổi 80 được chơi bởi sự cảm nhận bằng tâm hồn của người 16, 17 tuổi sẽ là một điều thú vị. Còn về phần thanh nhạc, chương trình năm nay sẽ giới thiệu đến khán giả một trong những bản trường ca đầu tiên của Việt Nam, đó là “Hòn Vọng phu 1” của tác giả Lê Thương.
Một tác phẩm mà lâu nay các ca sĩ trẻ hát bịa lời rất nhiều, các bạn hát luyến láy, hát chậm so với tiết tấu, giai điệu, khiến bài hát trở nên nỉ non. Với chương trình này, “Hòn Vọng phu” được chuyển thể kết hợp giữa hợp xướng và giao hưởng, lĩnh xướng sẽ là ca sĩ Trọng Tấn và Duyên Huyền.
Khán giả sẽ được thưởng thức ca khúc này với phong cách mới, nó giống như món đồ cổ vậy, nếu chúng ta để món đồ cổ ở dưới đất thì chúng ta sẽ thấy bình thường, nhưng nếu chúng ta đặt món đồ cổ đó trang trọng trong tủ kính thì món đồ đó đã khác hẳn.
Thưa nhạc sĩ, trong danh sách các bài hát của chương trình, có bài “Tóc gió thôi bay” của nhạc sĩ Trần Tiến. Đây là một ca khúc hiện đại, vậy ông có sợ rằng khi ghép vào một chương trình hòa nhạc với dàn nhạc giao hưởng sẽ bị chênh?
Nhằm tôn vinh âm nhạc Việt Nam, Chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” được tổ chức ngày 2.9.2013 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của các nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Mạnh Hùng, Hoàng Lương, Bùi Minh Đạo, Ngô Hoàng Quân (cello); Đỗ Hoàng Linh Chi (piano); Đỗ Phương Nhi (violon); NSND Trung Kiên; các ca sĩ Trọng Tấn; Duyên Huyền; Mỹ Linh; Tùng Dương; Đức Tuấn và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam…
|
- Tôi không sợ, sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến không hề nhỏ, nhạc sĩ có rất nhiều tác phẩm ở trong nhiều thể loại khác nhau. Và một lý do nữa mà tôi chọn nhạc của Trần Tiến trong chương trình này, bởi chương trình có màu sắc của nó và ca khúc “Tóc gió thôi bay” là một ca khúc rất lãng mạn với giai điệu đẹp, hoàn toàn xứng đáng có mặt trong chương trình.
Năm ngoái, đại diện Báo Vietnam.net- đơn vị tổ chức đã chia sẻ sự khó khăn về kinh tế, khi tổ chức chương trình này. Vậy năm nay tình hình có được cải thiện hơn?- Năm nay cũng vậy, tôi phải nói thật chương trình cũng không có nhiều kinh phí nên rất nhiều người phải “hy sinh” lợi ích kinh tế vì chương trình hòa nhạc này. Các nghệ sĩ không ai lấy tiền cát xê, mà có lấy cũng chỉ là tượng trưng, bản thân tôi cũng vậy.
Tôi vẫn mơ những chương trình về sau, những nghệ sĩ tham gia sẽ có được tiền cát xê cao hơn. Mà muốn như thế phải có tài trợ, bởi đây là chương trình không thể bán vé, tôi rất chờ đợi những doanh nhân sẽ tham gia cùng. Một chương trình không mang tính thương mại hay giải trí, ở đó các nghệ sĩ tham gia với tấm lòng, với tình yêu nhạc Việt Nam. Đây là một dự án nghệ thuật rất có lợi cho cộng đồng, một chương trình làm lại lịch sử âm nhạc để cho hàng triệu khán giả thưởng thức thì cũng nên lắm chứ.
Ông đánh giá thế nào về việc kết hợp giữa âm nhạc truyền thống VN với dàn nhạc giao hưởng thính phòng?- Tôi vẫn thường nói theo cảm nhận của riêng tôi, âm nhạc truyền thống các dân tộc khác ở vùng Đông Nam Á hay châu Á như: Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… mà phối với dàn nhạc giao hưởng thì nghe không ra chất giao hưởng. Nhưng riêng giai điệu của các ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam như: “Bèo dạt mây trôi”, “Xe chỉ luồn kim”… được kết hợp với dàn nhạc giao hưởng khi biểu diễn sẽ thấy được giai điệu cổ điển, chất quốc tế.
Tại sao mỗi khi nghe Tchaikovsky, Beethoven… chúng ta đâu phải người Nga hay Đức, nhưng vẫn xúc động? Bởi vì các ca khúc đó có giai điệu quốc tế, giai điệu không biên giới, và nhạc truyền thống Việt Nam mình cũng vậy, các ca khúc rất mạnh về giai điệu không biên giới, về hình tượng tuy nhiên lại hơi kém về tiết tấu.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.