Thành ủy Tp.HCM vừa có thông báo liên quan đến việc Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đã bán khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hơn 30 ha với giá 1,29 triệu đồng/m2. Việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố. Đồng thời, Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét và Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của CTCP Quốc Cường Gia Lai (cổ phiếu QCG) cho biết, trong năm 2017, công ty của Cường Đô la và Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Tân Thuận) có 2 giao dịch mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án lớn ở khu vực huyện Nhà Bè và Quận 7, TP. HCM.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, QCG của Cường Đô la có khoản trả trước người bán ngắn hạn phát sinh gần 335,4 tỷ đồng cho Công ty Tân Thuận. Đây là khoản tiền QCG thanh toán trước cho Tân Thuận tương đương 80% giá trị hợp đồng để mua lại toàn bộ diện tích đất mà Tân Thuận đã nhận chuyển nhượng của người dân tại Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Điều này đồng nghĩa, giá trị giao dịch mua phần diện tích đất mà Tân Thuận đã nhận chuyển nhượng của người dân tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè là hơn 419,2 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của công ty Cường Đô la cũng cho biết dự án Phước Kiển vẫn còn nằm trong danh sách giá trị hàng tồn kho của đại gia phố núi này với giá trị hơn 5.075 tỷ đồng, trong tổng số 6.906 tỷ đồng hàng tồn kho. Điều này cho thấy, dự án Khu dân cư Phước Kiển vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Quốc Cường Gia Lai dù công ty đã nhận 50 triệu USD tiền tạm ứng từ CTCP Đầu tư Sunny Land vào đầu năm 2017.
Được biết, lô đất nói trên có diện tích 324.971m2, tức gần 32,5 ha. Với diện tích lô đất là gần 32,5 ha được mua với giá 419,2 tỷ đồng, tương đương QCG trả 1,29 triệu đồng cho một m2 đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Giao dịch mua bán lớn thứ 2 giữa QCG của Cường Đô la và Tân Thuận được thuyết minh báo cáo tài chính của QCG hé lộ. Vào ngày 28.11.2017, Tân Thuận đã ký với QCG hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án khu ven sông, P. Tân Phong, Q. 7 số 271/HĐKT/2017 nhằm chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất của một phần dự án với tổng giá trị hơn 293,3 tỷ đồng. Đây là lô đất nằm đối diện với VivoCity, Quận 7, TP.HCM.
Theo tài liệu có được, vào tháng 12.2017, một phần dự án Tân Phong thuộc sở hữu của QCG có diện tích 11.967,4m2 trước đó vào tháng 8.2017 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tân Thuận.
Trước đó, Tân Thuận từng được giao đất thực hiện dự án khu nhà ở tại P. Tân Phong, Quận 7 (được giao đất theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 22.9.2000 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1890/QĐ-UBND ngày 04/5/2009 của UBND thành phố, diện tích 171.418,7m2).
Đối với dự án khu ven sông còn được QCG gọi là dự án Tân Phong (dự án Lavida nằm trong tổ hợp này), trước khi chuyển nhượng cho QCG, năm 2016, QCG và Tân Thuận đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, QCG sẽ cùng hợp tác góp vốn đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án Tân Phong và QCG sẽ được chia hiệu quả đầu tư với tỷ lệ 90%. Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2016 của QCG cho biết, tại ngày 31.12.2016, QCG đã rót vào dự án Tân Phong 243,5 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thường niên năm 2017, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch QCG “bật mí” rằng, QCG đã mua được dự án quy mô 45 ha tại đường Nguyễn Hữu Thọ, đây có thể xem là dự án tâm huyết thứ 2 của QCG sau Phước Kiển. Thế nhưng, dự án này hiện chỉ có 41 ha đất sạch, còn lại 4 ha đất cần phải đền bù giải phóng mặt bằng mới có thể sạch.
Vì vậy, không loại trừ phần đất mua được ở dự án Tân Phong là một phần của dự án bà Loan đã bật mí trước đó.
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được chuyển đổi từ Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận vào năm 2004, thuộc sở hữu Ban Tài chính Quản trị Thành ủy TP. HCM. Như vậy, 2 lô đất tại huyện Nhà Bè và Quận 7 mà Tân Thuận đã chuyển nhượng cho QCG có thể xem là tài sản công đã được bán cho công ty của Cường Đô la. Nhưng không hiểu vì sao, một mảnh đất giữa lòng thành phố mà lại được chuyển nhượng với giá rẻ như vậy.
Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai đạt 405 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm 2016 là 44,8 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua của Quốc Cường Gia Lai. Tuy vậy, báo cáo ghi nhận công ty của Cường Đô la đạt 816 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần một nửa so với năm trước nhưng do giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp thu về vẫn tăng 50% đạt gần 121 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 4 lần đạt 442 tỷ đồng.
Năm 2017, Quốc Cường Gia Lai đã tất toán nhiều khoản nợ vay, đặc biệt là hơn 1.300 tỷ đồng tại BIDV nên số tiền lãi công ty phải trả đã giảm mạnh.
Tổng chi phí tài chính của công ty đã giảm gần 5 lần chỉ ở mức 22,3 tỷ đồng. Ngoài ra, năm qua công ty cũng nhận về 24 tỷ tiền lãi từ công ty liên kết, năm trước khoản này chỉ mang về hơn 500 triệu đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.