Bước sa ngã
Thực ra Sơn “cụt” cũng đã từng là một người lính. Sinh năm 1960 ở làng Mai Động (Hà Nội), được gia đình cho ăn học đàng hoàng nhưng gã chỉ học hết cấp phổ thông trung học (hệ 10 năm). Tự thấy không có khả năng thi vào đại học, tròn 18 tuổi, gã xung phong đi bộ đội.
Có sức khỏe tốt lại chăm chỉ luyện tập, chỉ sau vài tháng huấn luyện tân binh, Sơn theo đơn vị về đóng quân ở Hạ Hòa (Phú Thọ), sau đó được thăng A trưởng (Tiểu đội trưởng) với trọng trách canh gác kho vũ khí của tiểu đoàn.
Thời gian đầu, Sơn cùng đồng đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng dần dà, suốt ngày loanh quanh với việc tháo lắp, bảo dưỡng các loại súng ống cũng nhàm nên Sơn bắt đầu lọ mọ đi chơi. Tuy phải mất đến gần 2 giờ đồng hồ leo đồi lội suối mới ra đến làng nhưng gã không e ngại, bởi nơi ấy có rượu và có tiếng cười phụ nữ.
Rời bỏ nhiệm vụ đã là một lỗi, nhưng lỗi nặng nhất của gã lại bắt nguồn từ việc thích “oai”, Sơn tâm sự như thế. Vào làng uống rượu tán gái, diện quân phục thôi chưa oách, gã thường xuyên đeo lủng lẳng bên hông một khẩu AK báng xếp. Và bước ngoặt đẩy gã vào con đường tội lỗi cũng bắt nguồn từ khẩu súng này.
Cuối năm 1978, gã bắt đầu để ý đến một cô gái thường ra phụ mẹ bán hàng. Lính Hà Nội lại có cái miệng dẻo như kẹo, Sơn đã dần chiếm được cảm tình của cô gái. Thôn nữ có vẻ đẹp mộc mạc như miền trung du ấy có lẽ sẽ trở thành bến đỗ của gã, nếu không vì đám trai làng ghen ăn tức ở.
Một đêm trăng huyền ảo, sau chầu rượu lấy khí thế, gã đã mời được cô gái đi chơi tâm sự. Ngồi bên nhau trên đồi, trong hương chè dìu dịu tỏa lan, gã cầm tay thôn nữ sắp ngỏ lời thì đám trai làng xuất hiện quát: “Thằng này đêm nào cũng đến đây, chắc là bộ đội đào ngũ. Anh em mau bắt nó lên xã đội”.
Câu nói đánh trúng tim đen của gã, không phải đào ngũ nhưng vi phạm kỷ luật quân đội là điều chắc chắn, mà tội bỏ vị trí thì không nhẹ chút nào. Nghĩ thế, gã bật dậy, lên đạn khẩu AK đánh “xoạch”: “Thằng nào vào, tao bắn bỏ”. Đám trai làng khựng lại một chút, rồi lại xô đẩy nhau xông tới. Chắc họ nghĩ gã không dám bắn.
Hơi rượu còn sót lại trong người khiến máu nóng bốc lên đầu gã. Chĩa mũi súng lên trời, gã nghiến răng quạt nguyên một băng đạn. Tiếng nổ chát chúa với những đường lửa như xé toang màn đêm.
Đám trai sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Nhưng từ trong làng, tiếng người xôn xao và rầm rập tiếng bước chân dồn về phía gã. Gã chỉ kịp nói lời xin lỗi với cô thôn nữ lúc đó mặt đang tái xanh rồi vội vàng bỏ chạy. Từ lúc này, gã đã chính thức trở thành tên đào ngũ.
Không thể về nhà, cũng không dám đối diện với việc trả giá, Sơn đành chấp nhận cuộc sống chui lủi. Bằng cách “dọa là chính” với khẩu AK... không có đạn, gã dần kiếm được chỗ đứng trong giới trộm cướp ở bến xe, ga tàu.
Một dải tuyến đường sắt Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, gã có thể thoải mái hoạt động mà không sợ bị các băng nhóm khác “xin tí tiết”. Bởi dù gã không có đàn em cũng chẳng có đàn anh, nhưng biết gã là lính đào ngũ lại có súng AK, giới tội phạm nhà quê cũng đôi phần ngán ngại.
Kể đến chỗ này, Sơn “cụt” cứ thắc thỏm kêu gặp may mãi. Bởi nếu thực sự xảy ra va chạm, những bọn khác biết súng không có đạn, chắc gã đã “không còn đường về quê mẹ” nữa.
Cuộc đời của Sơn “cụt” càng ngày càng ngập sâu trong tội lỗi. Kiếm được thì uống rượu chơi bời, hết tiền lại buộc chân giả thương binh mò lên tàu. Không đói ăn nhưng khổ sở nhất là cứ phải lẩn trốn chui rúc. Nhiều đêm nằm vật vã nghĩ suy, gã cũng nhớ nhà, nhớ cha mẹ anh em lắm. Cho đến đêm cuối cùng của năm 1980, từ Yên Bái gã dốc túi mua vé tàu xuôi Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Tấm lòng nhân ái đã cứu đời gã giang hồ
Gã định bụng về gặp cha mẹ dù chỉ một lần rồi sẵn sàng tiếp tục đời sương gió. Gã lên tàu vẫn với vai diễn thương binh, bởi dù gì cũng phải cố kiếm chút ít, còn mua quà cho gia đình nữa.
Chuyến tàu đêm cuối năm ngày đó rất vắng khách. Gã thoải mái đi dọc đoàn tàu để quan sát. Trong một toa nằm, gã đã phát hiện "con mồi". Khoang đó chỉ có một ông lão râu tóc bạc phơ đang ngồi thong thả đọc sách dưới ánh nến, túi hành lý để hờ hững dưới sàn tàu.
Lần đầu tiên sau 2 năm giật dọc trên các chuyến tàu, gã mới biết thế nào là ân hận. Ông lão biết gã giả cụt mà vẫn chia sẻ miếng ăn, thế mà gã đáp trả bằng cách trộm tiền của ông lão. Như vô thức, gã vừa tháo sợi dây buộc chân vừa lôi cái bọc mùi soa ra.
Chưa kịp nghĩ xem phải làm gì thì tay gã bị vặn ngược ra đàng sau. Bị người bảo vệ tàu bắt tại trận cùng tang vật nhưng gã vẫn cãi cố: “Em ăn cắp đâu. Ông cụ cho em mà”. Ngay lập tức, người bảo vệ lôi xềnh xệch gã vào trong khoang của ông lão. Nhận lại gói tiền, ông lão nhìn gã đầy vẻ ngạc nhiên rồi khẽ lắc đầu.
Và những gì xảy ra ngày ấy cho đến giờ vẫn khiến Sơn “cụt” dâng trào xúc động mỗi khi nhớ lại.
Ông lão nói với người bảo vệ: “Anh thả cậu ấy ra, lão cho cậu ấy thật đấy”. Rồi để mặc người bảo vệ bỏ đi mà lòng đầy nghi hoặc, ông lão dúi gói tiền vào tay Sơn “cụt”, thì thầm: “Con đã hứa với lão rằng sẽ sống lương thiện bắt đầu từ số tiền này, đúng không con trai? Sắp giao thừa rồi, hãy về với gia đình ngay đi”.
Hơn 30 năm đã trôi qua, quãng thời gian đủ dài để nhiều thứ chìm vào quên lãng. Nhưng Sơn chưa bao giờ quên gương mặt phúc hậu như đức Phật của ông lão. Số tiền trong khăn mùi soa không quá nhiều nhưng tấm lòng nhân ái đã cứu đời Sơn. Năm đó, anh cùng bố mẹ có một cái tết thật vui vẻ rồi ra đầu thú. Tòa án quân sự phán quyết Sơn có tội nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên chỉ bị phạt 24 tháng tù giam.
Giờ khi đã là chủ một xưởng in gia công khá đông khách ở Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), gia cảnh chỉ ở tầm trung lưu nhưng anh tự hào rằng sau vết trượt đầu đời, anh đã luôn sống một cuộc đời lương thiện.
Sơn đã nhiều lần cất công đi tìm ân nhân mà không thấy. Anh tâm sự rằng đành coi ông lão là tiên là Phật, cứu vớt đời anh rồi lại tiếp tục đi cứu vớt nhiều cuộc đời khác nữa. Và đêm giao thừa trên tàu năm ấy mãi mãi là mùa xuân đẹp nhất đối với anh.
(Theo Ngọc Thành - Tùng Khánh/Pháp luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.