Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu

Tuấn Hùng, Văn Chiến Thứ năm, ngày 28/09/2023 15:26 PM (GMT+7)
Ít ai có thể ngờ rằng, bản Mông từ nơi rừng thẳm heo hút lại có ngày lại "lắc mình" thành bản du lịch cộng đồng đẹp như tranh, ẩn mình dưới tán rừng Khun Há ở huyện Tam Đường, Lai Châu, bản Lao Chải hằng năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch...
Bình luận 0

Video: Bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu.

Lao Chải thay áo mới

Từ trung tâm huyện Tam Đường, chúng tôi ngược đèo Khun Há, theo con đường bê tông cấp phối dốc cao ngoằn nghèo ôm sát trườn núi đưa chúng tôi tới bản Mông có tên Lao Chải 1. Nơi đây có độ cao 1.200m so với mực nước biển, quanh năm mát mẻ, nằm trong địa phận dãy Hoàng Liên cao vời vợi, nhờ sự bao bọc của đại ngàn, cho nên con người và muôn vật ở đây vừa mộc mạc chất phác lại vừa có sức sống, sức vượt khó mãnh liệt.

Bản Lao Chải 1 là nơi sinh sống của 43 hộ gia đình người Mông với gần 250 nhân khẩu. Trước đây đồng bào sống trong bản Lao Chải cũ cách đây hơn 15km, đường vào bản chỉ có duy nhất 1 con đường mòn độc đạo, phương tiện di chuyển duy nhất ngày đó là đi bộ vì đường nhỏ và xen với đá núi; cuộc sống của đồng bào quanh năm gắn với củ măng, củ mài với thảo quả và sơn tra.

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 2.

Cung đường quanh co men theo sườn núi mang đến cho du khách những cảm xúc khó quên. Ảnh: Văn Chiến

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 3.

Bản Lao Chải 1 nằm ẩn mình giữa rừng ở xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Văn Chiến

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 4.

Bản Lao Chải 1, huyện Tam Đường, Lai Châu 100% là đồng bào người Mông nay khoác lên mình một chiếc áo mới đẹp như trong cổ tích. Ảnh: Văn Chiến

Những ngày khốn khó ấy vẫn mãi còn trong ký ức người dân Lao Chải, ông Cứ A Chu, bí thư bản Lao Chải 1 vẫn bồi hồi khi nhớ về quá khứ: "Không có phương tiện giao thông, không có điện, cả bản là những ngôi nhà gỗ tạm sống dưới tán rừng bao đời nay, không giao thương với bên ngoài; ngày đó nhiều trẻ con không đi học, người lớn không biết chữ, người biết tiếng phổ thông ngày đó chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi".

Nơi thâm sơn cùng cốc không đủ đất để bà con canh tác nông nghiệp, đến năm 1997, Đảng bộ huyện Tam đường cùng xã Khun Há vận động bà con trong bản Lao Chải di chuyển toàn bộ ra vùng ngoài gần trung tâm hơn. "Chính là bản Lao Chải 1 bây giờ, ngoài này có đất trồng lúa, trồng ngô, có thêm diện tích rừng trồng thảo quả và nuôi thêm con lợn con gà. Thời điểm đó được nhà nước hỗ trợ làm trường học, đường nước sinh hoạt, đường giao thông, bà con đi lại dễ dàng mang nông sản đi bán có thu nhập từ đó, và cũng từ đó các cháu nhỏ được biết cái chữ, người già cũng dần dần biết thêm tiếng phổ thông, bà con dân bản mừng lắm", ông Chu nói tiếp.

Khuôn mặt ông Chu không giấu khỏi sự rạng rỡ hơn khi thấy con đường lên bản mình nay đã gần hơn rất nhiều: "Nhờ các nguồn lực từ những chương trình mục tiêu quốc gia giúp bà con xoá đói, giảm nghèo của Chính phủ, đến năm 2014, bản chúng tôi đã được dùng điện lưới quốc gia, đường giao thông được nâng cấp và mở rộng, nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng, trẻ em có quần áo mới, bà con có tiền mua xe máy để mang nông sản ra trung tâm bán thuận tiện hơn".

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 5.

Khung cảnh thơ mộng ở Lao Chải khiến bất kỳ một du khách khó tính nào cũng thấy mê mẩn, thích thú. Ảnh: Văn Chiến

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 6.

Bà con người Mông ở Lao Chải 1 lưu giữ rất nhiều nét văn hóa độc đáo. Ảnh: Văn Chiến

Khi ánh sáng về với bản, cũng là khi đời sống bà con tính đến hướng phát triển kinh tế bền vững hơn. Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu và phong tục tập quán của đồng bào Mông bản địa, sau đại hội Đảng bộ xã Khun Há năm 2015, xã đã xây dựng kế hoạch từng bước thay đổi diện mạo cho nông thôn, nâng cao đời sống cho bà con ở Lao Chải.

Xây dựng bản du lịch cộng đồng

Ông Nguyễn Đình Thi, trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Tam Đường chia sẻ: "Năm 2014, tôi được giao về xã Khun Há làm chủ tịch, mọi thứ khi đó còn tương đối khó khăn. Nhưng nhận thức được những lợi thế và điều kiện tương đồng với nhiều bản du lịch ở Sa Pa, đến năm 2015, chính quyền xã đã vận động bà con đi học hỏi kinh nghiệm ở một số bản Mông bên Sa Pa, sau đó về xây dựng bản văn hoá ở bản Lao Chải 2 trước. Vì bản Lao Chải 2 ở vùng thấp hơn, điều kiện mặt bằng và giao thông cũng thuận tiện hơn. Chúng tôi đã cùng bà con làm nhà vệ sinh kiên cố đúng nơi quy định, không chăn thả gia súc, giữ gìn vệ sinh và thắp đường điện chiếu sáng trên các đường làng ngõ xóm".

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 7.

Nghề rèn được bà con người Mông ở đây lưu giữ và phát triển. Ảnh: Văn Chiến

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 8.

Du khách tới Lao Chải sẽ được trải nghiệm rèn cùng với các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm. Ảnh: Tuấn Hùng

Bà con ở Lao Chải 2 đồng lòng cùng chính quyền xây dựng thành điểm bản mẫu về vệ sinh môi trường và kiên cố hoá điện, đường, trường trạm và nhà ở, biến nhà ở thành homestay, biến bản làng thành điểm tham quan níu chân du khách."Sau đó, chúng tôi vận động bà con ở bản Lao Chải 1 xuống đó học tập kinh nghiệm, sao chép đúng những gì tốt đẹp nhất ở Lao Chải 2 đã làm, bà con cũng hưởng ứng lắm. Bản Lao Chải 1 có lợi thế hơn về điều kiện khí hậu, cảnh quan, nên bà con vận dụng sửa sang, trang trí lại nhà cửa, làm thêm cổng gỗ, trồng thêm nhiều cây cảnh gần gũi với thiên nhiên hơn. Một số gia đình người Mông ở đây vẫn còn giữ được nghề rèn dao truyền thống; phụ nữ Mông ở đây vẫn thêu, may quần áo truyền thống cho gia đình, đến cuối năm 2017, đầu năm 2018 bản Lao Chải 1 bắt đầu thu hút khách du lịch đến tham quan, sau đó lượng khách lưu trú lại nhà dân ngày càng tăng, chính quyền xã vận động bà con kinh doanh homestay và cung cấp thêm dịch vụ ăn uống, văn nghệ truyền thống của người Mông để phục vụ du khách", ông Thi tiếp lời.

Những ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông nay khang trang hơn cùng những chiếc cổng độc đáo dưới tán rừng, lại lần nữa hấp thu tinh tuý của đại ngàn mà gìn giữ bản sắc và phát triển, đã thực sự níu chân du khách. Gặp chúng tôi trong một buổi tối thứ 7 ở Lao Chải, chị Nguyễn Hồng Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Bản làng nơi này là tươi đẹp, tôi được hòa vào thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, các món ăn ở đây đều rất ngon, người dân hiền lành, niềm nở, mến khách, bản Mông này khá ấn tượng trong lòng tôi bởi lần đầu tôi đến một bản Mông sạch và đẹp như thế này, quả thật là thú vị".

Chuyện về bản người Mông đẹp như cổ tích giữa rừng Khun Há ở Lai Châu - Ảnh 9.

Bếp lửa trong ngôi nhà trình tường mang nét đặc trưng vốn có từ lâu đời của bà con người Mông. Ảnh: Tuấn Hùng

Với quy mô không quá lớn, cả bản Lao Chải 1 đến nay có khoảng 10 homestay hoạt động, và sự đồng lòng san sẻ nên đến nay cả 43 hộ gia đình ở Lao Chải cùng làm du lịch cộng đồng, việc đón khách đến nay không còn của riêng ai. Mỗi năm Lao Chải 1 đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm và lưu trú, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, riêng năm 2022, bản Lao Chải 1 xinh xắn đã đón khoảng 20 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến lưu trú. Bản Mông ở Lao Chải đã biết kết hợp nông nghiệp với du lịch, thu nhập bình quân đầu người ở Lao Chải đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm.

Đến Lao Chải 1 hôm nay thấy một diện mạo hoàn toàn mới nông thôn, thu nhập của người dân ngày càng ổn định hơn, đời sống ngày càng được nâng lên, Khun Há dần được biết đến nhiều hơn trong bản đồ du lịch Lai Châu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem