Chuyện về hang động bí ẩn, đẹp nhất xứ Đoài

Song Phúc - Duy Huy Thứ tư, ngày 28/06/2023 15:03 PM (GMT+7)
Động Long Tiên (Hà Nội) nổi tiếng là hang động mang nhiều giá trị nổi bật cho quá trình phát triển của Phật giáo từ thời vua Lê chúa Trịnh. Đồng thời, đây cũng là căn cứ bí mật gắn liền với các sự kiện quan trọng trong kháng chiến.
Bình luận 0

Video bên trong hang động Long Tiên. Thực hiện: Duy Huy- Song Phúc.

Ngôi chùa kỳ bí trong động

“Long Tiên động” còn được người dân ở địa phương gọi là hang Trầm hay chùa Hang, nằm trong quần thể chùa Trầm, tọa lạc ngay trong động dưới chân núi Tử Trầm Sơn, thuộc địa phận huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Tiến vào hang, chúng tôi bắt gặp ông Đặng Đình Điền - Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Trầm đang đang đeo găng tay rồi xin phép “các ngài” cho phép gõ trống thần và giới thiệu cho du khách. Vừa cầm đèn pin soi rọi vào bên trong, ông vừa nhiệt tình giới thiệu với du khách thập phương về câu chuyện của hang động.  

Chuyện về hang động bí ẩn, đẹp nhất xứ Đoài - Ảnh 2.

Cửa hang tuy hẹp nhưng lòng hang cao rộng và thoáng đãng.

“Chùa Hang được xây dựng trong động dưới chân núi Tử Trầm Sơn (gọi là Động Long Tiên) cách chùa chính về bên trái. Bề ngang cửa hang chỉ hơn 7 mét chiều cao trên 3 mét nhưng bên trong là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm thấy”, ông Đặng Đình Điền - Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Trầm cho biết.

Long Tiên Tự được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo, chùa được xây dựng thời Cảnh Trị năm 1662 – 1670, gần cửa hang, sau chuyển về vị trí hiện nay.

Ngôi chùa trong hang có rất nhiều tượng Phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi. Ở gian rộng nhất của động là chùa Hang, có ban thờ Phật và tượng của các vị Phật, tiên, hộ pháp.

Chuyện về hang động bí ẩn, đẹp nhất xứ Đoài - Ảnh 3.

Các pho phật có niên đại từ thời vua Lê chúa Trịnh.

Nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu qua một số khe nhỏ bên sườn núi và trên đỉnh núi, ta có thể chiêm ngưỡng vô vàn nhũ đá với nhiều hình thù, màu sắc kỳ lạ, nào là mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá,  hình rồng, hình chim, hoa sen đá... rất sinh động. Trên vách động hiện còn lưu giữ hàng chục tác phẩm thơ, văn cổ có giá trị.

Trong động còn có bàn thờ Phật cùng những pho tượng bằng đá. Có giá trị văn học là 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa. Trong động còn có hai lối đi. Lối đi lên đỉnh núi dân gian gọi là đường lên Trời và đường xuống hang sâu gọi là đường xuống âm phủ. 

Chuyện về hang động bí ẩn, đẹp nhất xứ Đoài - Ảnh 4.

Bài thơ chữ Nho được khắc trên vách đá.

Trước bàn thờ Phật trong hang, có một cây Hương đá cổ, chạm khắc rất tinh vi, được tạc từ năm Chính Hòa 17 (1696). Người xưa đã đúc một chuông đồng to, tạc một khánh đá lớn, treo ở vách hang, phía trong còn có trồng đá.

Di tích ghi dấu lịch sử kháng chiến

Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, động Long Tiên còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Tại đây bia di tích lịch sử ghi lại: “Đêm 21 tháng 1 năm 1947, sau khi chủ trì phiên họp chính phủ tại phủ Quốc Oai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước vào giao thừa Tết Đinh Hợi: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”.  

Cũng chính nơi này, mười năm sau, ngày 19 tháng 5 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm cán bộ và nhân dân xã Phụng Châu. Ngày 13 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đơn vị bộ đội thuộc quân chủng phòng không, không quân và làm việc một ngày tại chùa Trầm. 

Chuyện về hang động bí ẩn, đẹp nhất xứ Đoài - Ảnh 5.

Đài kỷ niệm của đài Tiếng nói Việt Nam phía bên phải cửa hang.

Phía trước cửa chùa Hang có xây dựng biểu tượng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đánh dấu mốc quan trọng về điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam di dời từ Bạch Mai, Hà Nội về hang Trầm và tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

"Trong hang có đặt 2 bộ máy làm nhiệm vụ, lúc máy bay Mỹ cách Hà Nội 500km là nhận tín hiệu gửi vào hầm kháng chiến. 12 ngày đêm ta đã đập tan cuộc tập kích của Mỹ nhờ cái hầm này", ông Điền thông tin.

Đặc biệt, vào đêm ngày 19/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Đào Thị Mai - người dân xã Phụng Châu cho biết: “Mỗi lần ra đây, tôi đều nghĩ đến câu nói “Đây là Tiếng nói Việt Nam”. Hình ảnh lúc Đài tiếng nói Việt Nam dời về đây làm việc luôn hiện hữu trong tâm trí tôi”.

Chuyện về hang động bí ẩn, đẹp nhất xứ Đoài - Ảnh 6.

Lối vào hầm kháng chiến bí mật của quân ta.

Cũng chính tại động Long Tiên, đêm giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời chúc tết chiến sĩ, đồng bào cả nước. Bác viết câu đối mừng nhà chùa bằng chữ Hán: “Cao sơn hữu ý thiên niên bút/Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm”. Bác còn viết tám chữ trên giấy điều để sư cụ chùa Trầm dâng lên bàn thờ Phật: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”.

Hiện nay, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ hy vọng có thể đưa động Long Tiên trở thành điểm du lịch tâm linh và lịch sử, thu hút nhiều du khách biết đến nhằm phát huy tiềm năng du lịch của địa phương hơn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem