Chuyện về người Anh hùng Liệt sĩ của đoàn tàu không số

Vũ Hùng Thứ hai, ngày 27/07/2020 07:07 AM (GMT+7)
Một hôm, khi Nguyễn Đình Phương đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Cảnh sát, đang giờ lên lớp, anh được gọi lên gặp Ban Giám hiệu ngay. Bước vào Phòng Giám hiệu, Phương sững người khi thấy bên những bộ cảnh phục của các thầy cô còn có những bộ quân phục hải quân thân thương của cha anh.
Bình luận 0

LTS: Phải tới khi viết phóng sự này, tôi mới tìm được câu trả lời cho một băn khoăn của chính mình sau rất nhiều năm tháng, rằng vì sao những cuộc Chiến tranh Vệ quốc lại được gọi là cuộc chiến tranh thần thánh. Hóa ra rất giản dị, bởi nhờ có những con người với "trái tim như ngọc sáng ngời", nhờ có những "vị thánh" sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" – mà chúng ta đã viết nên những trang sử vàng chói lọi trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020), Dân Việt xin đăng tải phóng sự về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Liệt sỹ Nguyễn Văn Hiệu, chính trị viên của đoàn tàu không số - một trong những người anh hùng sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Đây là người liệt sĩ duy nhất cho tới nay tìm được hài cốt trong tổng số 97 liệt sĩ của Đoàn tàu không số hy sinh thời chống Mỹ.

Ký ức về những ngày cuối bên người cha anh hùng (Kỳ 1)

Một hôm, khi Nguyễn Đình Phương đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Cảnh sát, đang giờ lên lớp, anh được gọi lên gặp Ban Giám hiệu ngay. Bước vào Phòng Giám hiệu, Phương sững người khi thấy bên những bộ cảnh phục của các thầy cô còn có những bộ quân phục hải quân thân thương của cha anh.

Ước nguyện thiêng liêng

Xuống tới đất Cảng đã là xẩm tối. Phố xá Hải Phòng sạch tinh khôi sau trận mưa rào cuối tháng 6. Dưới ánh đèn cao áp trắng xanh, dưới sắc phượng vĩ sau mưa thắm đỏ như hồng ngọc, lối xóm Hải An chợt như chìm trong huyền ảo.

Và trong cái không khí đầy thanh tịnh tinh khiết ấy, tôi được đắm chìm vào câu chuyện về người Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu - một "câu chuyện cổ tích" của thời chống Mỹ, mới đây thôi mà sao có lúc như là xa xôi lắm?

Người dẫn dắt chúng tôi vào "câu chuyện cổ tích" ấy chính là con trai cả của Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Trong căn phòng nhỏ nằm sâu trong một ngõ vắng trên đường Cát Bi, đã khuya lắm rồi, anh thong thả kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về người cha. Nguyễn Đình Phương đêm nay dường như không thể ngủ. Niềm xúc động ngập tràn trong ánh mắt, trong giọng kể của Phương.

Kỷ niệm những ngày ấu thơ bên cha ùa về, như ngọn gió lành từ biển ngoài kia đêm đêm lại mơn man thổi vào đất liền, khiến cho người đàn ông 51 tuổi đời này dường như trở lại những ngày tuổi 14 - ngày cha anh ra khơi và mãi mãi không về.

Chuyện về người Anh hùng Liệt sĩ của đoàn tàu không số - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Đình Phương – Phó trưởng Công an quận Hải An (TP Hải Phòng), con trai của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Hiệu. (Ảnh: Vũ Hùng)

Phương sinh năm 1958, học hết phổ thông là đi học Công an, rồi làm lính trinh sát, rồi cán bộ điều tra, và bây giờ là Thượng tá, Phó trưởng Công an quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Suốt gần 40 năm qua, dù bận rộn học hành, dù vất vả công tác, dù hiểm nguy đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng trong sâu thẳm trái tim Phương vẫn khôn nguôi một ước nguyện thiêng liêng: Làm sao tìm được hài cốt của người cha đã hy sinh trên biển năm 1972, tháng 4 ngày 24. Đấy cũng là một khát vọng có lúc đã lạnh ngắt vô vọng trong đáy lòng người mẹ già và 3 đứa em Phương sau bao kiếm tìm non nửa thế kỷ.

"Cha tôi sinh năm 1932, quê xã Thăng Phương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Phương kể. Năm 16 tuổi, ông đã tham gia du kích đánh Pháp ở quê nhà. 18 tuổi, ông vào bộ đội. Năm 1954, khi 22 tuổi, ông tập kết ra Bắc, rồi xuất ngũ về công tác tại Xí nghiệp đánh cá Hạ Long - Hải Phòng và kết hôn với mẹ tôi - một cô gái đất Cảng. Năm 1961, ông tái ngũ và trở thành một trong những người lính đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển, trở thành Chính trị viên của một con tàu của Đoàn tàu không số chuyên vận tải vũ khí, đạn dược vào Nam...". Phương bắt đầu câu chuyện về người cha thân yêu như đọc những dòng trích ngang lý lịch ("bệnh nghề nghiệp" chăng?).

Nhưng rồi, chợt ấm áp, chợt nồng hậu, chợt thăm thẳm suy tư, Phương bồi hồi kể về những ngày cuối bên cha.

"Tôi nhớ rất rõ ngày hôm ấy là ngày 16/3/1972, vì nó liên quan đến một cái mốc lịch sử của chiến tranh. Đúng một tháng sau ngày ấy - ngày 16/4/1972 - là hôm Không quân Mỹ bắt đầu rải thảm B-52 xuống Hải Phòng, mở đầu chiến dịch sử dụng không quân hủy diệt các thành phố lớn ở miền Bắc trước khi phải ngồi vào bàn Hội nghị Paris 1973 - Phương bắt đầu dòng hồi tưởng.

Là chính trị viên, nói như từ mà thế hệ chúng tôi hay dùng, cha tôi "Bôn-sê-vích" lắm. Ông rất nghiêm khắc với bản thân và cả với mẹ con chúng tôi. Suốt 13 chuyến tàu vận chuyển vũ khí vào Nam trước đó, ông không hề nghỉ lấy một ngày ở nhà trước lúc ra khơi. Tất cả thời gian và tâm trí ông dành cho những chuyến vượt biển của tàu không số. Đối với ông, không có ngày nghỉ, không có gì quan trọng hơn là những tấn vũ khí chuyển vào Nam đánh giặc.

Nhưng cái lần ấy, cái lần trước chuyến tàu thứ 14 đầy định mệnh ấy, có những "điềm" rất lạ. Cha tôi bỗng dưng xin đơn vị cho nghỉ ở nhà hẳn 2 ngày. Ông mua giấy dầu lợp lại góc mái nhà bị dột đã lâu, ông cùng mẹ tôi đi chợ, rồi tự tay nấu cơm cho cả nhà cùng ăn.

Chuyện về người Anh hùng Liệt sĩ của đoàn tàu không số - Ảnh 2.

Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu và vợ con trước ngày đi chuyến tàu không số cuối cùng và hi sinh. (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Buổi chiều, ông còn lôi 4 anh em tôi ra tắm rửa kỳ cọ (tôi lớn nhất lúc ấy 14, cậu út mới hơn 3 tuổi). Ông còn "hào phóng" (thậm chí đối với ông là hơi "xa xỉ") dẹp bỏ cái bếp dầu mẹ tôi dùng đã dăm bảy năm, rỉ hoen và nấu món gì cũng oi khói, ra mậu dịch mua hẳn cái bếp dầu mới toanh, loại sắt có tráng men xanh "xịn" nhất thời ấy. Có hôm trong bữa cơm, ông còn dặn chúng tôi: "Mấy hôm nữa, anh em chúng mày đến đơn vị bố gặp các chú hậu cần, mang cái can dầu ma-dút 20 lít bố đã xin các chú ấy mang về cho mẹ, tha hồ mà đun nấu...".

Rạng sáng ngày 16/3/1972, buổi sáng cuối cùng sau 2 ngày nghỉ trọn vẹn ở nhà cùng vợ con, mới 5h sáng, ông Hiệu đã đánh thức cậu con cả dậy. Tuổi ăn tuổi ngủ, Phương uể oải mãi không rời khỏi giường.

"Cha tôi ôm tôi rất chặt vào lòng, xoa tóc tôi âu yếm (con cái ông yêu thương hết mực, nhưng cái kiểu ôm ấp vỗ về "tiểu tư sản" ấy thì chưa bao giờ tôi được thấy ở cha tôi). Giọng thầm thì như gió thoảng, chắc sợ mẹ tôi và các em nhỏ thức giấc, ông dặn: "Phương à...! Con là con trai lớn, ở nhà gắng chăm học, chăm làm. Nhớ cố gắng giúp đỡ mẹ, chăm lo dạy bảo các em khi bố đi xa...".

Tôi chợt thấy ươn ướt trên mái tóc mình. Trời ơi, thì ra cha tôi đang khóc, nước mắt thấm xuống đầu tôi. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy cha mình khóc, và cũng là lần duy nhất. Tôi đâu ngờ rằng đó là những giọt nước mắt của cuộc chia ly vĩnh viễn mà cha tôi dường như có linh cảm. Chỉ 40 ngày sau, cũng vào một buổi sáng, cha tôi đã hy sinh trên Vịnh Thái Lan...".

Mấy ngày sau buổi sáng chia tay ấy, nhớ lời cha dặn, Phương cùng cậu em trai mang đòn gánh dây thừng đi bộ từ Hải Phòng sang đơn vị bố bên Thủy Nguyên để khiêng can dầu ma-dút về.

"Quái lạ - Phương kể tiếp - suốt bao năm công tác, cả khi ở cơ quan dân sự lẫn lúc trong hải quân, chưa bao giờ cha tôi cho phép mẹ con tôi tơ hào dù là một thanh củi, một hòn gạch, một giọt xăng dầu của công mang về nhà. Công đoàn hay hậu cần phân phối cho thứ gì, như gói trà, bao thuốc, cái xăm xe đạp, viên đá lửa, ông cũng đều nhường cho anh em trong đơn vị cả. Vậy mà lần này, sao cha lại xin hẳn một can dầu 20 lít cho mẹ con tôi. Tôi giật mình tự hỏi, và có cảm giác gai người không hiểu nổi...".

Hai anh em Phương, khẳng khiu như hai cây sậy, đen đúa như hai cục than, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bước thấp bước cao khiêng can dầu về nhà trong cảm giác nghi hoặc bất thường ấy, trong linh cảm bất an ấy.

Can dầu ma-dút, để làm ấm thêm ngọn lửa của cái bếp dầu cha mới sắm trước hôm đi, để làm sáng thêm ngọn đèn dầu anh em Phương chụm đầu học bài đêm chiến tranh mất điện; can dầu ấy đâu ngờ là món quà cuối cùng của tuổi thơ Phương và các em được nhận từ người cha yêu dấu, là sự quan tâm cuối cùng người chồng dành cho người vợ từ nay mãi mãi lẻ loi bên 4 đứa con thơ dại.

Bình minh ấm áp ký ức đồng đội

Hà Nội cuối năm 1978. Một hôm, khi Nguyễn Đình Phương đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Cảnh sát, đang giờ lên lớp, anh được gọi lên gặp Ban Giám hiệu ngay. Phương sững người khi bước vào Phòng Giám hiệu, nhận thấy bên những bộ cảnh phục quen thuộc của các thầy cô còn có những bộ quân phục hải quân thân thương - dấu ấn về người cha thủy thủ.

Đó là các bác, các chú đến từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tới trường để xin phép cho Phương được nghỉ 2 ngày về Hải Phòng dự Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho cha Phương - Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Trung úy hải quân, Chính trị viên Tàu không số.

Và mãi đến buổi lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng, Phương mới biết cụ thể về chiến công, về sự hy sinh của cha mình và đồng đội trong chuyến tàu vào Nam tháng 4/1972 ấy.

Chuyện về người Anh hùng Liệt sĩ của đoàn tàu không số - Ảnh 3.

Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Hiệu và một con tàu không số trên đường chở vũ khí vào Nam. (Ảnh chụp từ vệ tinh của Tình báo Hải quân Hoa Kỳ)

Còn trên tấm Bằng danh hiệu Anh hùng do Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng ký tặng ngày 6/11/1978 mà mẹ anh - bà Phạm Thị Vi - thay mặt cha và gia đình đón nhận có ghi những dòng chữ vàng: "Tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn".

Tôi đến Văn phòng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển nằm ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ngô Quyền) sớm hơn hẹn 15 phút, đã thấy các bác cựu chiến binh (CCB) tề tựu đông đủ cả rồi. Họ đều là lính của Đoàn tàu không số, có những người là đồng đội cùng một chiếc tàu với ông Hiệu, có cả người lính đã chứng kiến giây phút cuối cùng của ông trước lúc hy sinh.

Bác Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội, cho tôi biết một điều thật thú vị. Bao nhiêu người đã nói, đã nghe về Đoàn tàu không số, nhưng không biết đấy là một đoàn tàu có số hẳn hoi. Đó là Lữ đoàn 125 Hải quân, trong đó có các tàu như tàu số 235 của Anh hùng Nguyễn Phan Vinh, tàu số 187 của Anh hùng Hồ Đức Thắng, còn tàu của Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu có số 645.

Nói về lịch sử Lữ đoàn 125, bác Lưu Lanh, Phó Chủ tịch hội kể chi tiết: Để chi viện trực tiếp vũ khí cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với con đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn trên bộ, ta đã quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng đã thành lập Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân.

Trong 10 năm (từ tháng 4/1962 đến tháng 4/1972) Đoàn 125 đã vượt biển 168 chuyến, vận chuyển vào 19 bến của 9 tỉnh phía Nam, chuyên chở được 6.105 tấn vũ khí và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường, đã làm nên một "Đường Hồ Chí Minh trên biển" đầy độc đáo của chiến tranh nhân dân. Đoàn 125 đã hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Có 6 đồng chí được tuyên dương Anh hùng, trong đó có Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu...

Chuyện về người Anh hùng Liệt sĩ của đoàn tàu không số - Ảnh 4.

Bến tàu tập kết của Đoàn tàu không số tại Vũng Rô. (Ảnh: Vũ Hùng)

"Do công tác bí mật, các tàu của Đoàn 125 khi hoạt động ở vùng biển nước nào thì đeo biển hiệu của tàu nước đó - bác Hữu bổ sung. Thậm chí có lúc nguy hiểm, ta đành phải treo cả cờ, dùng cả màu sơn của tàu nước đó để đánh lạc hướng sự tuần tra kiểm soát của Mỹ - ngụy. Rồi khi vào vùng biển phía Nam, để giữ bí mật tuyệt đối, tất cả các tàu đều xóa số tàu của mình đi. Mọi thứ vật dụng trên tàu như đồ hộp, đường sữa, thuốc lá, xà phòng... cũng đều phải bóc hết nhãn mác đi. Mọi người quen gọi đoàn tàu chúng tôi là "tàu không số" là vì vậy...".

Góp vào chuyện kể của bác Hữu, bác Lanh, các bác cựu chiến binh khác như bác Phong, bác Hiếu, bác Lịch... đã cho tôi biết thêm rất nhiều những điều mà sách vở chưa từng nói tới về Đoàn tàu không số của họ. Đối với những người lính tàu không số, ra khơi là xác định cảm tử, ngày rời bến là ngày xác định hy sinh. Có những hy sinh vẻ vang ghi danh sử vàng dân tộc, có những hy sinh thầm lặng giấu vào ký ức cá nhân.

Chỉ riêng việc đảm bảo bí mật cho những chuyến tàu đã có bao điều đáng nói. Có những đồng chí tập kết ra Bắc hơn 10 năm xa nhà xa quê hương, mòn mỏi chờ mong thương nhớ, vậy mà khi tàu cập bến ngay tại bãi biển làng mình, vượt qua ngàn dặm trùng dương về tới cách nhà chỉ vài trăm mét, vẫn không được lên bờ.

Có đồng chí chồng Bắc vợ Nam, xa vợ đằng đẵng cả chục năm ròng, khi cập bến, trông thấy vợ trong đoàn dân công ra nhận vũ khí, vậy mà phải lánh mặt xuống khoang tàu để đảm bảo bí mật, phải rưng rưng ngậm ngùi nhìn vợ từ xa, từ khe cửa sổ dưới tàu trông lên mà trái tim nghẹn ngào xa xót...

(Còn nữa)

Xin mời đón xem Kỳ 2: Trận chiến cuối cùng trên biển

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem