CIA vất vả truy lùng và tiêu diệt “kẻ đáng ngại nhất” nước Mỹ

Chủ nhật, ngày 15/09/2013 06:31 AM (GMT+7)
Anwar al-Awlaki được mô tả như một nhà lãnh đạo chủ chốt của al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập. Nước Mỹ xem Awlaki là nhân vật “đáng ngại nhất” đe dọa an ninh Mỹ.
Bình luận 0
Trùm khủng bố này bị tình báo Mỹ quy trách nhiệm tổ chức vụ xả súng giết chết 13 người tại căn cứ quân đội ở Fort Hood, Texas, vào năm 2010 và âm mưu đánh bom một chiếc máy bay hướng đến Detroit vào ngày 25.9.2009. Nước Mỹ xem Awlaki là nhân vật “đáng ngại nhất” đe dọa an ninh Mỹ.

Anwar al-Awlaki rao giảng từ một nơi không xác định
Anwar al-Awlaki rao giảng từ một nơi không xác định

Lợi dụng người thân 

Ammar, em trai út của Anwar, không giống anh trai. Trong khi Anwar theo đuổi tư tưởng Hồi giáo cực đoan và rao giảng thánh chiến chống lại Mỹ, Ammar lại đang theo đuổi sự nghiệp trong một công ty dầu mỏ ở Yemen. Ammar được đi học ở Canada và cũng có mối liên hệ chính trị tốt ở đó. Anh chải tóc mượt, mặc quần jean, mang mắt kính Armani, xài iPhone đời mới nhất và “chơi” một chòm râu dê.

Ammar kể: năm 2011, anh đến Vienna (Áo) trong một chuyến công tác. Khi vừa trở về khách sạn với một đồng nghiệp người Áo thì chuông điện thoại trong phòng reo. “Xin chào, Ammar phải không?”, đầu dây bên kia là một người đàn ông nói giọng Mỹ. “Vợ của tôi quen vợ anh, và tôi có món quà gửi cô ấy”.

Ammar đi xuống sảnh và thấy một người đàn ông da trắng cao gầy trong bộ đồ màu xanh. Họ bắt tay nhau và ngồi xuống nói chuyện ngay trong sảnh. “Thật ra tôi không có quà cho vợ anh. Tôi là người của Bộ Ngoại giao Mỹ và tôi cần nói với anh về anh trai anh”, người đàn ông nói.

“Tôi đoán anh là FBI hoặc CIA”, Ammar nói.

“Bình tĩnh, tôi không phải FBI. Tôi có thể cho anh xem hộ chiếu ngoại giao của mình... Hãy gọi tôi là Chris”, người của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

“Hôm qua anh đã có tên đó chưa?”, Ammar hỏi.

Chris cho biết là người của CIA. Anh ta nói với Ammar rằng Mỹ có một lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ “bắt hoặc giết” anh trai của Ammar, và thời gian để hoàn thành nhiệm vụ đã sắp hết. “Anh ta sẽ bị giết, vậy tại sao anh không giúp cứu mạng anh trai mình bằng cách giúp tôi bắt sống anh ta?”, Chris hỏi và nói thêm: “Anh biết đấy, cái đầu anh trai anh được treo giải 5 triệu USD. Anh sẽ không phải làm không công cho chúng tôi”.

Ammar nói với Chris anh không thích tiền đó, nhưng quan trọng là anh không gặp Anwar kể từ năm 2004 và cũng không biết anh ấy ở đâu. ”Nhưng 5 triệu USD có thể giúp nuôi nấng con cái của Anwar”, Chris nói.

“Tôi nghĩ mình không cần gặp lại anh nữa”, Ammar nói với Chris. Dù vậy, Chris nói Ammar cần suy nghĩ kỹ hơn, có thể bàn bạc với gia đình. “Chúng ta có thể gặp nhau khi anh đến Dubai trong hai tuần nữa”, Chris nói. Điều đó làm Ammar giật mình, vì vé mua cho chuyến đi Dubai anh chưa mua, và chi tiết vẫn còn bàn bạc. Chris đưa cho Ammar một địa chỉ email và nói khi nào cần cứ liên lạc.

Khi trở về Yemen, Ammar đem mọi chuyện kể với mẹ mình. Bà nói: “Chấm dứt đi, đừng trả lời cũng đừng liên hệ với họ nữa. Chấm dứt mọi chuyện”. Chris sau đó có email cho Anwar, nhưng anh không trả lời…

Mục tiêu Anwar

Vào ngày 2.5.2011, vào đêm Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo với toàn thế giới rằng Osama bin Laden đã bị biệt đội hải quân SEALs tiêu diệt ở Pakistan, hàng ngàn người Mỹ đã đổ ra trước Nhà Trắng và Quảng trường Thời Đại ở New York mà tung hô: “Nước Mỹ! Nước Mỹ!”.

Cái chết của lãnh đạo al-Qaeda đã mang lại một đời sống khác cho Washington đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Lực lượng đặc nhiệm ưu tú (Joint Special Operations Command - JSOC) một thời hoạt động bí mật, đã trở thành cái tên của mọi hộ gia đình chỉ sau một đêm. Các hãng phim đua nhau cho ra đời những bộ phim về biệt đội “SEAL 6”...

Trong khi đó, Nhà Trắng tích cực lên kế hoạch cho những chiến dịch tiêu diệt những người gọi là “những mục tiêu giá trị cao” (HVT). Đứng đầu trong số đó là Anwar, một công dân Mỹ gốc Yemen sinh ở Las Cruces, New Mexico. 3 ngày sau khi Obama họp báo về Bin Laden, nhóm phản gián của tổng thống trình cho ông một bản cập nhật khẩn về Anwar. Cùng với những phân tích của JSOC và CIA về “những chi tiết quan trọng cho thấy Anwar đang ở đâu” từ tình báo Yemen, Nhà Trắng tin rằng đã đến lúc tốt nhất để giết chết lãnh đạo cực đoan này.

Máy bay quân sự của Mỹ đã sẵn sàng. Obama đã bật đèn xanh. JSOC sẽ thực hiện kế hoạch. Một chiếc máy bay Ops Dragon Spear có gắn tên lửa tầm ngắn Griffin, được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu Marine Harrier và máy bay không người lái Predator, đã bay thẳng sang tỉnh Shabwah, miền đông nam Yemen. Một máy bay do thám Global Hawk sẽ bay trên mục tiêu để gửi về những thông số trực tiếp cho những người lên kế hoạch.

Giết người như kiến

Tối 5.5.2011, Anwar và vài người bạn đang lái xe xuyên qua Jahwa, ở ngoại ô Shabwah, thì bị chấn động vì một tiếng nổ ở bên cạnh, cửa sổ bị vỡ. Anwar thấy một vệt sáng và tin rằng đó là một quả rocket mới vừa bắn nhằm vào xe ông. “Nhanh lên!”, Anwar nói với người lái xe. Ông nhìn quanh và thấy được chưa có ai bị thương. Ông gọi điện thoại kêu cứu.

Văn phòng cơ quan tình báo Mỹ
Văn phòng cơ quan tình báo Mỹ

Khi Anwar và đồng sự chạy thoát, các nhà kế hoạch của JSOC nhìn chiếc xe tải của ông biến mất trong đám bụi do tên lửa của họ bắn. Họ đã bắn trượt vì lỗi của hệ thống ngắm, và hệ thống hướng dẫn tên lửa không thể gắn vào xe của Awlaki nên họ bị mất dấu từ vệ tinh. Những gì tiếp theo phải nhờ đến Harriers và những chiếc máy bay không người lái. Nhưng lần tấn công thứ hai và thứ ba cũng thất bại, Anwar nói tài xế không chạy vào những khu vực đông dân, mà chạy vào một thung lũng nhỏ có cây cối.

Lúc đó, hai anh em Abdullah và Musa’d Mubarak al Daghari, được các thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) gọi là anh em nhà Harad, đang vội vã trên đường đến cứu Anwar. Khi các máy bay không người lái quần đảo trên bầu trời, những “kẻ săn người” người Mỹ không thể nhìn thấy được những gì diễn ra bên dưới. Một cựu kế hoạch viên của JSOC cho biết trong các chiến dịch dựa vào vệ tinh như vậy, người ta chỉ nhìn được hình ảnh từ trên xuống: “Giống như chúng ta nhìn một đàn kiến. Tất cả những gì chúng tôi thấy chỉ là mui xe, không thấy được người bên trong”.

Hai anh em nhà Harad nhanh chóng đổi chỗ cho Awlaki và tài xế. Họ lên xe ông và ông lên xe họ. Hai chiếc xe sau đó chia làm hai hướng ngược nhau, buộc người Mỹ phải chọn chỉ rượt theo một chiếc. Họ đã chọn chiếc xe tải lúc trước Anwar ngồi, và một đợt hỏa tiễn mới đã khiến anh em nhà Harad bỏ mạng. JSOC về sau mới biết họ đã nhầm mục tiêu. Dù vậy, việc theo đuổi Anwar của người Mỹ vẫn không chấm dứt. “Tôi muốn Anwar”, tổng thống Obama được trích lời nói như vậy với đội chống khủng bố.

Không cần xét xử

Vào đầu tháng 9.2011, những chiếc máy bay do thám của Mỹ chỉ ra rằng Anwar al-Awlaki đang ở trong một ngôi nhà nhỏ ở Khashef, một ngôi làng ở Jawf, cách Sana’a khoảng 6 dặm về phía đông bắc. Sau khi đã xác định đó chính là nơi ở của Anwar, CIA đã điều đến những chiếc máy bay tiêm kích không người lái Predator từ căn cứ ở Saudi Arabia và cũng nắm quyền kiểm soát một số máy bay không người lái của JSOC cất cánh từ Djibouti. Kế hoạch ám sát Anwar được đặt tên là Chiến dịch Troy.
Abdulrahman al-Awlaki
Abdulrahman al-Awlaki

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama phải đưa ra quyết định về thời gian, không phải về đạo đức hay tính hợp pháp, vì từ lâu ông đã kết án tử hình Anwar mà không cần xét xử. Một cố vấn của ông nhớ lại, Obama không hề lo ngại về việc giết Anwar. Khi được báo cáo về vị trí của Anwar ở Jawf và được báo có trẻ em ở trong nhà, Obama đã không loại trừ một khả năng nào để có thể giết Anwar, không được để Anwar thoát thêm một lần nữa. Do đã có nhiều vụ các máy bay không người lái của Mỹ giết chết dân thường ở nhiều nước khắp thế giới, nên chính sách chính thống là tránh những cái chết như vậy nếu có thể. “Nhưng trong trường hợp này, tổng thống quyết định "du di" những nguyên tắc đó”, một cựu cố vấn của ông Obama nhớ lại.

Anwar đã trốn thoát khỏi các cuộc tấn công của máy bay không người lái Mỹ ít nhất hai năm. Ông ta không ở yên một nơi nào quá 1-2 đêm. Nhưng lần đó lại khác, ông ta đã ở ngôi nhà ở Khashef thời gian lâu hơn bình thường rất nhiều, và tất cả đều được người Mỹ biết rõ. “Họ đã ở căn nhà đó trong ít nhất hai tuần. Có lẽ họ cần làm một vài đoạn phim, vì có cả Samir Khan ở cùng”, theo một cựu nhân viên CIA.

Ngày 30.9.2011, Anwar và Khan, một người Mỹ gốc Pakistan và là biên tập viên tờ Inspire, đã đi ra khỏi nhà. Camera và vệ tinh đã gửi hình ảnh 2 người đàn ông về Washington và Virginia, cho thấy họ cùng chui vào xe và chạy đi.

Khi họ đi được một đoạn, những chiếc máy bay không người lái trang bị tên lửa Hellfire của Mỹ bắt đầu bám theo. Về kỹ thuật, những chiếc máy bay thuộc quyền điều khiển của CIA, dù không quân và bộ binh của JSOC cũng được huy động hỗ trợ. Khi chiếc xe của Awlaki đi tới vùng vắng vẻ, một tên lửa Hellfire từ 1 chiếc Predator đã phóng xuống, biến chiếc xe của Anwar thành một quả cầu lửa. Một giây sau, một tên lửa khác phóng trúng xe, bảo đảm không ai trên xe có thể sống sót.

Chính phủ Yemen sau đó gửi tin báo cho các nhà báo: “Trùm khủng bố Anwar Awlaki đã bị giết chết cùng vài người đồng hành”. Khi dân làng đến chỗ chiếc xe bị bắn cháy, họ thấy những xác người đã bị cháy đen thui không còn nhận dạng được. Nhưng họ tìm được vật giống như "chứng minh thư" của Anwar, đó là con dao găm có cán bằng sừng tê giác.

Trong buổi sáng hôm đó, trong chuyến viếng thăm Fort Myer ở Virginia, ông Obama nói với báo giới: “Vào sáng sớm hôm nay, Anwar Awlaki - một lãnh đạo al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập - đã bị giết ở Yemen. Cái chết của Anwar là một quả đấm mạnh vào nhánh hoạt động tích cực nhất của al-Qaeda. Anwar là lãnh đạo các hoạt động bên ngoài của al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập. Trong vai trò đó, hắn đã vạch kế hoạch và chỉ đạo các nỗ lực giết người Mỹ vô tội”.

Trong khi Nhà Trắng và những quan chức an ninh cấp cao khẳng định với báo giới và công chúng rằng việc theo dõi và tiêu diệt Anwar là hợp pháp, họ lại từ chối đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Một số nhà lập pháp có quyền xem lại quá trình giết Anwar cho rằng họ đã không được Nhà Trắng cho xem chi tiết quá trình. “Điều quan trọng đối với dân Mỹ là biết được khi nào tổng thống của họ có thể giết một công dân Mỹ, và khi nào thì không”, nghị sĩ Ron Wyden nói.

Wyden, là nghị sĩ Dân chủ của Oregon, một thành viên của Ủy ban Tình báo thượng viện từ năm 2001. Wyden cho biết khi còn làm việc dưới chính quyền Tổng thống Bush, ông đã bất đồng với những vấn đề về minh bạch và hợp pháp, nay ông cũng gặp vấn đề tương tự với chính phủ Obama. Ông cho biết đã nhiều lần đòi chính phủ cung cấp những cơ sở pháp lý khi giết một công dân Mỹ không cần xét xử, nhưng “đó là một cuộc chiến cam go”. Nasser al-Awlaki, cha của Anwar, tin rằng người Mỹ và các lực lượng an ninh của Yemen có thể bắt sống con trai ông, nhưng họ không muốn Anwar được ra tòa xét xử.

Giết cả mục tiêu vị thành niên

Trong khi đó, con trai của Anwar là Abdulrahman al-Awlaki trước đó đã lên đường đi tìm cha. Cậu bé cũng là công dân Mỹ vì được sinh ra ở Mỹ và học ở đó 7 năm trước khi về Yemen. Khi gia đình Anwar nhận được tin ông đã bị giết chết, Abdulrahman đã tới Shabwah để tìm cha mình. Sau khi Abdulrahman biết tin cha chết, cậu đã gọi điện thoại về nhà lần đầu tiên và nói chuyện với mẹ cùng bà nội. Bà cậu bảo cậu quay về. Abdulrahman nói cậu sẽ quay về nhưng đợi cho đường được thông thoáng, vì cảnh sát đang lập các chốt kiểm tra và có những cuộc đụng độ trên đường, cậu không muốn bị dính vào bạo lực.

Do Abdulrahman quá đau buồn, người thân cậu ở Shabwah cố gắng an ủi cậu và khuyến khích cậu ra ngoài chơi với các anh em họ. Và đó là điều Abdulrahman đã làm vào đêm 14.10. Cậu và các anh em họ đã tham gia một bữa tiệc ngoài trời, nhưng đến 9 giờ tối, những chiếc máy bay không người lái xuất hiện. Vài giây sau, Abdulrahman bị giết chết. Vài người xung quanh cũng chết, trong đó có em họ cậu là Ahmed, 17 tuổi. Sáng hôm sau, ông Nasser al-Awlaki nhận được tin báo từ người bà con ở Shabwah. “Họ đã phải chôn Abdulrahman trong mộ chung với những người bị chết ở đó, vì xác nó đã bị nổ tung cùng những người khác”, Nasser nói.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ nói rằng Abdulrahman là một thanh niên 21 tuổi, đã tới tuổi quân sự, và cho rằng cậu là một người ủng hộ al-Qaeda và đã bị giết chết khi đang gặp gỡ Ibrahim al-Banna, một người Ai Cập được mô tả là “hợp tác truyền thông” của AQAP. Tuy nhiên, Nasser cung cấp cho báo chí chứng minh thư của Abdulrahman, cho thấy cậu sinh năm 1995 ở Denver (Mỹ), tức khi bị giết chết, cậu chưa đủ tuổi thành niên, trong khi chính phủ Mỹ khẳng định cậu đã 21 tuổi. “Con trai tôi (Anwar) biết rõ những gì nó làm. Nhưng tôi thực sự thất vọng trước việc giết chết con trai của nó (Abdulrahman) một cách man rợ. Abdulrahman không làm gì chống lại nước Mỹ, và nó là công dân Mỹ. Vậy mà họ giết nó một cách lạnh lùng”, Nasser nói.

CIA sau đó tuyên bố họ không thực hiện vụ tấn công, và cho biết al-Banna cũng không nằm trong danh sách tấn công của họ. Điều đó dẫn tới đồn đoán vụ tấn công giết chết Abdulrahman và những anh em bà con là của JSOC. Một quan chức Mỹ nói rằng cái chết của Abdulrahman là một tai nạn. Một sĩ quan JSOC cũng cho biết mục tiêu dự tính không bị giết trong vụ tấn công đó, nhưng không tiết lộ mục tiêu đó là ai. Tuy nhiên, những tiết lộ sau này cho thấy có thể bản thân Abdulrahman là mục tiêu.
Hòn Rồng (Thế giới & Hội nhập) (Hòn Rồng (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem