Vừa thể hiện khả năng đặc biệt của chiếc bàn, ông Tuyến vừa giới thiệu: “Ngày xưa, ông anh tôi lấy vợ ở Bình Định, khi đó nhà chị dâu tôi đã có chiếc bàn này và biết rằng nó xuất hiện đã bốn đời. Năm 1976, thì anh tôi phát hiện chiếc bàn có khả năng xoay. Đến năm 1993, do có nhiều sự đồn đại nên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định đã đến kiểm tra”. Từ đó đến nay chiếc bàn được anh của ông Tuyến mang vào Lâm Đồng để sử dụng.
Chiếc bàn xoay hiểu tiếng người của ông Tuyến tại Đà Lạt gây ra sự tò mò cho rất nhiều du khách. Ảnh: Văn Long.
“Ai muốn chiếc bàn xoay thì đặt bàn tay của mình tiếp xúc nhẹ nhàng với mặt bàn, sau đó thật tập trung và nghĩ hay đọc hướng mà mình muốn chiếc bàn xoay qua trái hoặc phải, nếu chiếc bàn xoay, đi theo hướng xoay của bàn, nếu muốn dừng lại hô dừng lại”, ông Tuyến hướng dẫn.
Du khách được ông Tuyến hướng dẫn thực hiện trò chơi với chiếc bàn xoay. Ảnh: Văn Long.
Ông Tuyến cho biết, khi khách đọc khẩu lệnh hầu như chiếc bàn đều xoay, nhưng nếu suy nghĩ trong đầu tùy người mới xoay. Hàng ngày ông Tuyến phải tiếp hàng trăm du khách đến “tận mục sở thị” chiếc bàn, nhưng ông hoàn toàn không thu phí hay bán vé mà tùy vào lòng hảo tâm của mỗi người.
Theo quan sát của PV, chiếc bàn gỗ hoàn toàn bình thường. Mặt bàn có đường kính khoảng 80cm và được ghép từ nhiều miếng gỗ chứ không phải từ một khối gỗ tròn nguyên vẹn, chân bàn cao 90cm, đỉnh của chân bàn có một khúc gỗ hình trụ để ghép vào mặt bàn. Ông Tuyến cho biết, chiếc bàn này được làm từ gỗ mít rừng, có độ bền rất cao.
Chiếc bàn của ông Tuyến hoàn toàn bình thường, thiết kế giống như những chiếc bàn khác. Ảnh: Văn Long.
PV đã đề nghị ông Tuyến đặt chiếc bàn xuống đất mà không dùng chiếc chân bàn có trục bên trên. Chủ nhân chiếc bàn không ngại ngần tháo mặt bàn, đặt xuống nền xi măng và thực hiện như cũ, mặc dù ma sát khá lớn nhưng chiếc bàn vẫn xoay như cũ.
Gia đình anh Nguyễn Thì Bình, khách du lịch từ Bắc Ninh xem trên mạng nên biết đến chiếc bàn. Cả gia đình đã đến thăm, chứng kiến và rất bất ngờ. “Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, không biết vì sao nó có thể quay như vậy. Xem trên mạng gia đình tôi đều cho rằng có sự sắp xếp nào đó, nhưng khi tận tay kiểm tra, thực hiện chúng tôi đã thấy, không còn gì để nói”, anh Bình chia sẻ.
Nhiều du khách nước ngoài cũng rất bất ngờ về khả năng của chiếc bàn xoay. Ảnh: Văn Long.
“Để lý giải về hiện tượng của chiếc bàn, đã có nhiều nhà khoa học như ông Nguyễn Lân Dũng, ông Vũ Thế Khanh đến đây nhưng họ chưa hề đưa ra một kết luận thống nhất nào cả, tất cả đều chỉ là giả thiết”, ông Tuyến chia sẻ.
Cụ thể, năm 2012, tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA đã đến để nghiên cứu chiếc bàn xoay này. Theo ông Khanh, người đặt tay vào bàn trong tâm lý phát sinh "tự kỷ ám thị". Khi cảm thấy bàn "chuẩn bị quay" sẽ có xu hướng đi theo chiều quay đã quy ước trong đầu.
Trao đổi với PV, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu hay lý giải sự kì lạ của chiếc bàn xoay của ông Tuyến.
Còn bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay, trước kia chủ nhân của chiếc bàn đã cho dừng hoạt động, thế nhưng gần đây đã hoạt động trở lại phục vụ du khách tham quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.