CMND đang còn hạn, có bắt buộc làm thẻ căn cước?

Hạ Anh Thứ tư, ngày 13/11/2019 08:35 AM (GMT+7)
Khi chứng minh nhân dân 9 số, 12 số đang còn hạn, công dân có bắt buộc phải làm thẻ căn cước không?
Bình luận 0

Câu hỏi: CMND được cấp năm 2012 có cần phải đi làm CCCD không? (Bạn đọc Nguyễn Đức Đảng)

Trả lời:

Đối với câu hỏi của bạn, luật sư Phạm Quang Xá – Đoàn luật sư TP Hà Nội đưa ra câu trả lời như sau:

Theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định, chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Như vậy CMND của bạn đã được cấp vào năm 2012, trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành (1/1/2016) thì CMND của bạn vẫn có giá trị sử dụng cho đến hết 15 năm theo quy định của pháp luật, không bắt buộc phải cấp CCCD.

Thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước công dân

Bước 1: Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân.

Bước 2:

+ Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần đổi thẻ:

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu lại thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp công dân thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân.

Trường hợp đủ điều kiện, thủ tục thì tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh chân dung của công dân, Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (mẫu CC02) chuyển cho công dân kiểm tra xác nhận thông tin, thu lệ phí theo quy định, in giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho công dân.

Trường hợp đủ điều kiện nhưng thông tin chưa đầy đủ, chính xác thì hướng dẫn công dân bổ sung hoặc kê khai lại. Nếu thiếu giấy tờ liên quan theo quy định thì hướng dẫn bằng văn bản cho công dân, ghi rõ nội dung cần bổ sung.

Trường hợp qua đối chiếu thông tin thấy không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ cho công dân và ghi rõ lý do vào Tờ khai căn cước công dân.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết).

Bước 3: Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết); nơi trả kết quả tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận: Công an cấp huyện/Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội/Trung tâm căn cước công dân quốc gia.

Thời hạn thực hiện: Đối với thành phố, thị xã thì trong thời hạn 1,5 ngày làm việc; Đối với các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo: Trong thời hạn 10 ngày làm việc; Đối với các khu vực còn lại: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ.

Hồ sơ làm lại thẻ căn cước công dân gồm:

a) Tờ khai Căn cước công dân (theo mẫu);

b) Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (theo mẫu).

c) Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin (nếu có).

d) Thẻ Căn cước công dân cần đổi.

Số lượng hồ sơ: 1 (một) bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem