3 điểm mới về làm thẻ Căn cước công dân từ tháng 11/2019

Bảo Yến Thứ năm, ngày 31/10/2019 08:57 AM (GMT+7)
Thông tư 40/2019/TT-BCA do Bộ Công an ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 18/11 và có một số thay đổi đáng chú ý về thủ tục cấp thẻ CCCD.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt về Thông tư 40/2019/TT-BCA, luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Thông tư 40/2019/TT-BCA do Bộ Công an ban hành sửa đổi Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân (CCCD) và Nghị định 137/2015/NĐ-CP.

Theo luật sư, Thông tư sửa đổi này có những sự thay đổi về làm thẻ Căn cước công dân như sau:

Thứ nhất, Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a, b Điều 12 về trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD của Thông tư 07/2016/TT-BCA. Cụ thể:

- Điểm a Điều 12 bổ sung việc công dân có thể kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân qua trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, công dân sẽ lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Sau đó, địa phương tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ về cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền.

 - Một số bổ sung đáng chú ý tại điểm b Điều 12 gồm:

+ Xử lý hồ sơ công dân kê khai trực tuyến sẽ thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống;

+ Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình số hộ khẩu. Nếu thông tin trên số hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân;

img

Luật sư Phạm Quang Xá.

+ Công dân được điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu đồng thời với việc làm hồ sơ cấp thẻ CCCD. Cụ thể:

Nếu công dân làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện cần điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu mà việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện và công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân. Cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân cho bộ phận đăng ký, quản lý cư trú để thực hiện điều chỉnh cho công dân theo quy định. Sau khi điều chỉnh xong thì bộ phận đăng ký, quản lý cư trú chuyển lại Sổ hộ khẩu đã được điều chỉnh cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.

Thứ hai, Thông tư này sửa đổi, bổ sung việc xử lý CMND 9 số, 12 số khi chuyển sang thẻ CCCD và việc xác nhận CMND như sau:

- Sửa đổi Trường hợp chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang Thẻ CCCD mà CMND này còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì công dân sẽ vẫn được sử dụng CMND này (chưa bị cắt góc) cho tới khi được trả thẻ CCCD. Khi được trả thẻ CCCD thì CMND mới bị cắt góc. Đồng thời, bổ sung thêm việc công dân được yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường bưu điện, tuy nhiên CMND sẽ bị cắt góc và trả lại ngay sau khi nộp hồ sơ cấp thẻ.

- Sửa đổi Trường hợp công dân mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất cho công công dân mà không cần có yêu cầu của công dân như quy định cũ.

Thứ 3, Thông tư này cũng bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 15 của Thông tư 07/2016/TT-BCA các quy định về việc cấp Giấy xác nhận chứng minh nhân dân. Cụ thể:

“Cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân:

a) Khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an, cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thì đề nghị cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh nơi công dân đăng ký thường trú xác minh. Sau khi có kết quả xác minh thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu thông tin hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ trình thủ trưởng đơn vị ký Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân và trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b) Trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân hoặc bị mất Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân thì thực hiện như sau:

Công dân có văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, xuất trình bản chính và nộp bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân 9 số (nếu có) cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan quản lý căn cước công dân nơi đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin của công dân, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy hẹn trả kết quả cho công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem