Thống kê tại 25 ngân hàng đã công bố BCTC quý IV.2018 cho thấy, ba ông lớn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV nắm trong tay trên 2,6 triệu tỷ đồng tiền gửi từ dân cư, chiếm một nửa lượng tiền gửi toàn hệ thống.
Động thái của các NHTM cổ phần buộc phải tăng lãi suất để “cạnh tranh” hút dòng tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp.
NHTM cổ phần “đua” tăng lãi suất huy động
Thông báo từ Techcombank của ông Hồ Hùng Anh cho biết, từ ngày 11.2, ông lớn ngân hàng cổ phần này áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,3% thay vì mức 6% trước đó. Kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng áp dụng lãi suất 6 – 6,1%/năm trong khi biểu lãi suất triển khai trước Tết là 5,8 – 5,9%.
Biểu lãi suất huy động tại Techcombank
Các kỳ hạn khác tăng nhẹ hơn, mức tăng là 0,1 điểm phần trăm. Cụ thể, với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,8 - 5%/năm, so với mức 4,7-4,9%/năm áp dụng trước đó. Kỳ hạn 12 tháng cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng lên mức 6,6%/năm, nếu có khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên được hưởng 7%/năm trong khi trước tết lần lượt là 6,5% và 6,9%/năm.
Với các khách hàng ưu tiên, những mức lãi suất trên được ngân hàng cộng tiếp 0,1 điểm phần trăm.
Như vậy, ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau Tết, Techcombank đã nâng lãi suất 0,1 - 0,4% ở hầu hết các kỳ hạn. Mức tăng cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng tăng 0,4% lên 6,3%/năm. Khá đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lại cao hơn nhóm lãi suất 6-12 tháng.
Lãi suất tiền ngân hàng LienVietPostBank trong tháng 2 đã được điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm % so với tháng 1.2019 tại toàn bộ các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại LienVietPostBank áp dụng cho khách hàng cá nhân, lãi trả cuối kì dao động từ 1% - 7,6%/năm.
Trong đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trả lãi cuối kì dành cho cá nhân ở kì hạn 1 đến 3 tuần giữ nguyên ở mức 1%/năm. Kì hạn 1 - 2 tháng được hưởng lãi suất là 5,2%/năm (tăng 0,2 điểm % so với tháng 1.2019).
Lãi suất cao nhất thuộc về tiết kiệm kỳ hạn 25 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng đang được áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,6%/năm (tăng 0,2 điểm %).
Không tăng biểu lãi suất nhưng từ 12.2, Eximbank cũng áp dụng thêm chính sách khuyến mãi là quà tặng (ấm đun nước, nồi lẩy điện...) cho các khách hàng đáp ứng được một số điều kiện.
Tại MBBank cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn 13 tháng đến 18 tháng từ 6,9%/năm lên 7,2%/năm, trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn khác.
Trước đó, tại BacABank, lãi suất huy động cũng tăng từ 0,2 - 0,4%/năm đối với các khoản tiết kiệm kỳ hạn trên 6 tháng, áp dụng từ 23.1. Đây là lần tăng lãi suất lần thứ 3 của BacABank từ giữa tháng 8 đến nay. Lãi suất tiền gửi thông thường tại BacABank cao nhất ở mức 8,2%/năm.
Biểu lãi suất huy động tại SHB
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm thuộc về ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển)
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây nhận định về xu hướng lãi suất 2019, bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research) cho rằng việc đón nhận các thông tin tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 về tăng trưởng kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số lạm phát…, áp lực quốc tế giảm bớt và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã giải tỏa áp lực với tỷ giá. Lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm.
Giảm lãi huy động, BIDV vẫn đứng đầu hệ thống “hút” tiền trong dân
Trái với cuộc đua của các NHTM cổ phần, trong nhóm bigfour ngân hàng thương mại Nhà nước, cuối tháng 1 vừa qua “ông trùm” tiền gửi BIDV đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm, trong khi các kỳ hạn khác vẫn được giữ nguyên.
Biểu lãi suất huy động tại "ông trùm" huy động BIDV
Nếu so với các ông lớn trong nhóm này, lãi suất của BIDV đang ở mức hấp dẫn hơn cả khi huy động kỳ hạn 1-6 tháng là 4,5-5,2%/năm; 6 tháng ở mức 5,5% và 12 tháng trở lên là 6,8-6,9%/năm. Mức lãi suất này của BIDV cũng cao hơn 0,1 điểm % so với của Vietcombank.
VietinBank cũng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng 0,3%/năm xuống còn tương ứng là 5,5%/năm và 6,8%/năm.
Tại Agribank, lãi suất tối đa của khách hàng cá nhân hiện tại duy trì mức 6,8%/năm.
Xét về mặt bằng chung, lãi suất khối ngân hàng thương mại nhà nước không có nhiều biến động so với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu tiền gửi tại hệ thống ngân hàng, lượng tiền gửi tại khối NHTM nhà nước đang chiếm tỷ trọng lớn.
Thống kê tại 3 ngân hàng có quy mô tiền gửi lớn nhất hiện nay là Vietcombank, Vietinbank và BIDV đến cuối năm 2018, lượng tiền gửi của khách hàng đã lên trên 2,6 triệu tỷ đồng.
Trong đó, BIDV đang dẫn đầu với lượng 986.671 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 15% so với đầu năm. Tính bình quân mỗi ngày huy động được 360 tỷ đồng/ngày, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng/tháng.
Tiếp đến là Vietcombank và Vietinbank với mức tăng trưởng lần lượt 13,2% và 10%, bình quân mỗi ngày Vietcombank huy động thêm được 260 tỷ đồng và Vietinbank huy động thêm được 202 tỷ đồng, đưa mức tổng dư nợ tiền gửi khách hàng của hai ngân hàng này lên tương ứng lần lượt là 802.223 tỷ đồng và 825.816 tỷ đồng.
Thống kê tiền gửi tại 25 ngân hàng thương mại tính đến cuối năm 2018 (tỷ đồng)
Con số tiền gửi tại 3 nhà ngân hàng này lớn tới mức chiếm đến trên 50% tổng tiền gửi của 25 ngân hàng được thống kê. Trên toàn hệ thống, tỷ lệ này ước tính ở vào khoảng 35 - 40%.
Ngân hàng cổ phần tư nhân có lượng tiền gửi lớn nhất trong 25 ngân hàng được thống kê là Sacombank với gần 355 nghìn tỷ cũng chỉ bằng 35% so với BIDV.
Với lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống, BIDV cũng chính là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất lên tới 1,31 triệu tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.