Cần tồn tại cả 2 quy hoạch
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia, có nhiều ý kiến mong muốn tích hợp QHXD trong quy hoạch (QH) tỉnh và cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng nên tồn tại đồng thời cả QH tỉnh và QHXD tỉnh.
QHXD tỉnh đóng vai trò là công cụ để ra quyết sách cụ thể về không gian lãnh thổ, phân định trước về tương lai của đất đai. Đất trong những ranh giới này được định trước để dùng cho các mục đích công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện. Đất trong những ranh khác để phát triển nhà ở. Đất trong những ranh khác nữa để làm công nghiệp, thương mại, du lịch, làm nông lâm ngư nghiệp và bảo tồn thiên nhiên…. Đây là QH thiên về không gian vật thể.
Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia khẳng định, QHXD có vai trò quan trọng. (ảnh T.Kháng)
Cũng theo ông Hưng, QHXD tỉnh (mà trước đây gọi là QHXD vùng tỉnh) là công việc đã được chúng ta thực hiện trong nhiều năm, rất ổn định. QH này bản chất vừa là một QH có tính kỹ thuật chuyên ngành lại vừa có tính tích hợp cao.
Đó là hoạch định ra hệ thống, quy mô, hình hài đô thị, vị trí và quy mô các khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các vùng bảo tồn, các vùng sinh thái… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đây là một QH dựa trên những tính toán chi tiết về kinh tế và kỹ thuật do vậy nó là công cụ rất tin cậy để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong tỉnh cũng như trong đô thị.
“Tôi cho rằng, cần thiết phải tồn tại cả QH tỉnh và QHXD cùng trên một tỉnh. Việc lập chính sách phát triển của một tỉnh cũng có các tầng bậc rõ ràng. Tầng bậc kinh tế tổng hợp được bàn thảo dựa trên các tổng kết kinh tế đa ngành, vĩ mô, đó là lớp chính sách phi vật thể. Lớp chính sách đó mang tính quyết định tổng quát. QH tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách ở tầng bậc đó - Đây là QH thiên về chính sách tổng thể về kinh tế - xã hội phi vật thể”, ông Hưng bày tỏ quan điểm.
Hai quy hoạch sẽ hỗ trợ nhau hiệu quả
Theo Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng, QH tỉnh là một quy hoạch mới, chúng ta chưa từng làm. Bất kỳ công việc gì mà mới và chưa từng làm thì sẽ luôn luôn tồn tại những tiềm ẩn và khó khăn. Hơn nữa, QH tỉnh với mong muốn tích hợp đa ngành thì sẽ trở thành 1 bản quy hoạch rất lớn và dẫn dắt nhiều ngành, nếu chúng ta không cẩn thận thì quy hoạch đó có thể trở nên quá chi tiết và quá cồng kềnh và khó thể thay đổi, biến động linh hoạt theo sự biến động của nền kinh tế.
“Nếu nói rằng có thể điều chỉnh khi cần thiết thì việc này cũng rất khó khăn. Bởi QH này do Thủ tướng phê duyệt, bất cứ thay đổi nào trong QH sẽ phải tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt lại. Liệu như vậy có đáp ứng được nhu cầu, tốc độ phát triển đang diễn ra hàng ngày. Đây là vấn đề của tất cả các loại hình QH hiện nay”, ông Hưng đưa ra lập luận.
QHXD tỉnh và QH tỉnh cùng tồn tại sẽ hỗ trợ nhau hiệu quả. (ảnh T.Kháng)
Liên quan tới nhận định, nếu vẫn giữ QHXD tỉnh thì các tỉnh đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch, gây lãng phí và tạo thêm thủ tục trong thực hiện. Lãnh đạo vị Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia cho rằng, quan điểm QH nhiều là lãng phí là một quan điểm cần phải cân nhắc. Nếu tồn tại cả hai, thì hai loại hình QH sẽ bổ trợ cho nhau rất hữu hiệu. Khối rubic là một khối lập phương nhưng sẽ được biến hình, biến màu nếu chúng ta cần thay đổi nhưng bản chất là một khối lập phương thì mãi mãi được bảo toàn.
“QH tỉnh đưa ra định dạng cho rubic là một khối lập phương và QHXD sẽ đưa ra kết cấu bên trong để khối rubic đó mỗi mặt có 1 màu hay đủ 6 màu tùy theo mong muốn. Mục tiêu, nguyên tắc thì không đổi nhưng cách hành động thì luôn linh hoạt. Đó là nguyên tắc tối thượng mà mọi loại hình QH đều hướng tới”, ông Hưng nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, ông Hưng khẳng định, việc cùng tồn tại của hai tầng bậc QH này phản ánh chính xác sự phân tầng trong việc ra chính sách. Điều này chứng minh rằng hai thể loại quy hoạch này hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Tầng bậc rõ ràng kèm theo tạo cơ chế linh hoạt là cách thiết lập thể chế hiệu quả phù hợp với sự thay đổi liên tục của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi của khoa học công nghệ.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nêu: “Thực tế, tôi chưa nhìn thấy một cái bản đồ, hay một cái đồ án nào mà QH tích hợp 1 tỉnh cả, hay một vùng tỉnh cả. Và như vậy rõ ràng chúng ta phải phân biệt rõ giữa QH tỉnh và QHXD tỉnh là 2 cái nội hàm khác nhau và đều có giá trị trong việc xây dựng đất nước”.
Giải thích thêm về sự cần thiết của QHXD, ông Chính cho rằng, QH tỉnh là để làm kinh tế xã hội, để nói rõ các sự phát triển của xã hội, để làm GDP, để làm sự phát triển các ngành, để làm rõ việc làm các quy hoạch chuyên ngành: về đất đai, về nhân lực, về khai thác tài nguyên, tài nguyên cả con người nữa ntn cho nó phù hợp. Đấy là QH tỉnh có thể làm được, nhưng mà lĩnh vực về đô thị, lĩnh vực về nông thôn, lĩnh vực về công nghiệp, lĩnh vực về cảnh quan đô thị. Nhưng tất cả những thứ về hành lang kỹ thuật thì QH tỉnh không thể nói lên được mà nó phải phải nằm ở QHXD.
“Đừng có nói chúng ta làm nhiều loại QH và nhiều loại QH chồng chéo nhau mà không hiệu quả. Đấy là do nội dung người ta làm không tốt, và người ta quản lý việc đó không tốt, còn dự báo kém thì chất lượng quy hoạch kém. Tôi rất mong trong kỳ họp tới Quốc hội xem xét để nhìn nhận cái quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh là 2 cái rất khác nhau. Và chúng ta cần phải có cái song song tồn tại để có sự phát triển. Hay nói cách khác là Luật Xây dựng trong chương về QHXD không có thay đổi, mà nếu có thay đổi là chúng ta kiểm tra lại nội dung trong đó để hoàn thiện nó tốt hơn”, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.