Cô Natasha đến Việt Nam lần đầu tiên để giảng dạy tiếng Nga vào những năm 80 của thế kỷ trước. Tình cảm với Việt Nam đã gắn bó cô Natasha và cô đã chọn Việt Nam là nơi xây dựng tổ ấm của mình.
Một lần cô Natasha đi du lịch đến Hòa Bình, cô được khám phá những nét văn hóa rất riêng của người dân miền núi nơi đây. Những ngôi nhà sàn cổ, những thửa ruộng bậc thang, và đời sống văn hóa tâm linh của người Thái trắng đã để lại trong cô giáo Nga ấn tượng mạnh mẽ. Tình yêu mến, sự thích thú đã thôi thúc cô Natasha phải tìm hiểu bản sắc văn hóa về người dân tộc Thái trắng.
|
Cô Natasha (đứng) trong một lần lên thăm bản Văn, Mai Châu tháng 11.2011 |
Kể từ đó, cứ hàng năm, cô lại lặn lội từ Hà Nội lên Mai Châu để thăm những người bạn Thái trắng của mình. Cứ như vậy, tính đến nay, cô Natasha đã có hơn 50 chuyến đi đến Mai Châu, đến nỗi, người dân ở bản Văn đã quá quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ Nga nói tiếng Việt lơ lớ, nhưng lại thuộc làu những con đường, những địa danh và đặc biệt là hiểu tường tận phong tục tập quán của người Thái trắng.
Mỗi lần cô Natasha lên Mai Châu, cô mang theo nhiều quà bánh, quần áo cho trẻ em và những người bạn Việt Nam mà cô yêu quý. Như một người phụ nữ thuần Việt, cô Natasha còn biết cách chăm chút những giá trị tinh thần của người Việt như thắp hương cho người quá cố của chủ nhà… Những cử chỉ trìu mến đó của cô giáo Nga đã làm những người dân bản Văn yêu mến đặt cho cô cái tên Việt: “Cô Na”.
Ngoài dạy tiếng Nga ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô Natasha còn có một niềm đam mê là sưu tầm những sản phẩm dệt tay của người dân tộc và viết sách về văn hóa Mai Châu. Cô Natasha từng được mời đến một số nước để nói chuyện về văn hóa của người dân tộc Thái.
Thúy Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.