Có GlobalGAP, 2 loại trái cây này yên tâm vi vu trời Tây

Nguyễn Tố (TH) Thứ bảy, ngày 14/12/2019 10:24 AM (GMT+7)
Việc ứng dụng các tiêu chuẩn khắt khe như Global GAP vào sản xuất không hề đơn giản, bởi ngoài việc thay đổi tư duy thì còn phải kiên trì và tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn và lâu dài như: tăng năng suất, sản lượng; tăng giá bán; được các thị trường tiềm năng chấp nhận… ngày càng nhiều nông dân lựa chọn Global GAP như là tấm giấy thông hành quan trọng.
Bình luận 0

Từ chối mua nếu không đạt chuẩn

Tới thăm vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình ông Võ Hồng Chiến, thôn 5 chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ông tiết lộ với diện tích 4 ha, ông thu khoảng 120 tấn/năm. Nhờ bán giá ổn định, mỗi năm ông lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long, ông Chiến cho biết, việc sản xuất thanh long VietGAP hay GlobalGAP đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngoặt, từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và được ghi chép đầy đủ. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc, bón phân chủ yếu sử dụng sản phẩm hữu cơ, vi sinh và thuốc có nguồn gốc sinh học là chính.

img

Chỉ những trái thanh long sạch, đáp ứng tiêu chuẩn Gloabal GAP mới được XK. Ảnh: IT

“Để phòng trị bệnh đốm nâu, các vườn thanh long SX ở đây chúng tôi chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, kết hợp sử dụng công lao động để tỉa bỏ những cành bệnh, chứ không dùng thuốc hóa học”, ông Chiến nói.

Theo ông Trần Đình Trung, Chủ tịch HĐQT HTX Thanh long Thuận Tiến, tiền thân của HTX là Tổ hợp tác sản xuất thanh long Thuận Tiến (gọi tắt THT Thuận Tiến) được thành lập vào năm 2019 gồm 52 thành viên, với diện tích SX 70 ha.

Cùng với sự hỗ trợ của Sở NNPTNT Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận, THT Thuận Tiến được cấp chứng nhận VietGAP đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng thị trường thanh long của THT lúc đó chủ yếu tiêu thụ ở trong nước và một phần xuất sang Trung Quốc nên đầu ra chưa ổn định

Đến năm 2014, THT Thuận Tiến tiếp tục được Sở NNPTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận khảo sát và giới thiệu dự án Mutrap do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho quả thanh long. Đồng thời để phát triển thị trường, từ năm 2016, THT Thanh long Thuận Tiến mới quyết định tiến lên thành lập HTX gồm 12 thành viên, diện tích trên 31 ha, với vốn góp điều lệ 600 triệu đồng.

“Đầu năm 2017, từ dự án Mutrap, HTX bước đầu đã được chứng nhận 4 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Cùng với đó đã tổ chức tham gia hội chợ quốc tế trái cây rau củ quả tại Trung tâm triển lãm Berlin (Đức). Từ đây sản phẩm thanh long của HTX đã được các đơn vị XK biết đến và quan tâm cho đến nay…”, ông Trung chia sẻ.

Hiện HTX Thanh long Thuận Tiến đã ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ thanh long sang các thị trường Mỹ, Úc và Châu Âu…Theo đó, thanh long VietGAP được XK sang thị trường Mỹ, Úc… còn thanh long GlobalGAP được XK sang Châu Âu, với tổng sản lượng từ 750 - 1.000 tấn/năm. Giá bán sản phẩm luôn ổn định, bà con lúc nào cũng có lãi từ 35-40%.

Lãnh đạo HTX Thanh long Thuận Tiến cho biết thêm, khâu thu hoạch sản phẩm cũng được đơn vị kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, trước khi thu hoạch và đóng gói xuất khẩu, đơn vị đều lấy mẫu gửi cơ quan chức năng kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rồi mới tiến hành. Nếu thành viên nào không tuân thủ đúng quy trình, thanh long không đạt tiêu chuẩn, HTX hoàn toàn đủ điều kiện để từ chối thu mua.

Không đủ hàng sạch để bán

Tương tự như những đồng nghiệp ở Bình Thuận, nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới.

Hiện nay huyện Cao Lãnh có hơn 3.520 ha xoài, đa phần là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Xoài Cao Lãnh được đánh giá khá cao trên thị trường do có hương vị thơm ngọt thanh, màu sắc đẹp, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

img

Bao trái xoài để tránh sâu bọ là một trong những quy trình khi thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Global GAP. Ảnh: IT

Sau gần 2 năm thực hiện, hơn 20 ha xoài của 25 hộ thuộc Hợp tác xã Mỹ Xương đã được Công ty Cafe Control Việt Nam chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand với diện tích 33,2ha/40 hộ.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương cho biết do nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, khi triển khai sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn... Tuy nhiên với sự quyết tâm trong xây dựng nhãn hiệu, nhà vườn phải vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện chuyên nghiệp, được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.

Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trái cây an toàn. Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã sản xuất xoài theo hướng an toàn trong việc sử dụng bao trái xoài, biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch và bón phân hữu cơ sinh học.

Ngoài ra, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương còn thành lập tổ hợp tác sản xuất, thành lập xưởng sản xuất sản phẩm bao trái cây, tổ dịch vụ chuyên chăm sóc cây (đốn tỉa, tạo tán, bao trái...), một cơ sở chuyên cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho xã viên, nhà vườn các vùng lân cận.

Ông Võ Hữu Hiền - xã viên Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết: trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGap cho năng suất cao 10-12 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc. Với diện tích 1,5ha trồng xoài Cát Hòa Lộc, Cát Chu, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Chủ nhiệm Hợp tác xã Lê Văn Dũng cho biết thêm nhiều công ty liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ. Công ty Sanatra của Nhật đặt mỗi tuần vài tấn xoài Cát Hòa Lộc và yêu cầu cung cấp liên tục trong năm. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn chưa có đủ nguồn hàng cung cấp theo đơn các hợp đồng. Hiện Hợp tác xã vận động, hướng dẫn xã viên mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) , GlobalGAP, sắp xếp lại lịch thời vụ để đảm bảo nguồn cung.

"CHƯƠNG TRÌNH CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem