Có hay không mâu thuẫn lợi ích trong cuộc 'bịt mắt bắt dê' trên sàn HOSE?

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 12/06/2021 11:43 AM (GMT+7)
Trả lời VTV trong bản tin thời sự tài chính sáng nay, các chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng, trong cuộc “bịt mắt bắt dê” trên sàn HoSE những ngày nghẽn lệnh tuần qua, nhiều khả năng vẫn có những người được “vén” tấm vải bịt mặt để kiếm cơ hội sinh lời vài chục phần trăm một cách không công bằng…
Bình luận 0

Không được hủy/sửa lệnh, nhà đầu tư phải dùng lệnh MP để đặt lệnh (mua/bán) để ứng phó. Trong khi đó, ngay trong những lúc "cao điểm" vẫn có hàng trăm lệnh hủy/sửa lệnh được đẩy vào hệ thống. Theo các nhà đầu tư đây là có sự phân biệt đối xử, hoặc thậm chí là có sự bắt tay nhau để "xén lông cừu" với nhà đầu tư.

Có hay không mâu thuẫn lợi ích trong cuộc “bịt mắt bắt dê” trên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Nhiều vấn đề về sàn HoSE thời gian qua được các chuyên gia kinh tế, luật sư đặt nghi vấn về tính minh bạch (Ảnh: Chụp màn hình VTV)

"Bịt mắt bắt dê" trên HoSE, có hay không mâu thuẫn lợi ích (!?)

Có thể thấy, liên tục thời gian qua HoSE nghẽn lệnh, đơ bảng điện. Sau đó là việc cấm nhà đầu tư hủy/sửa lệnh khiến nhà đầu tư bức xúc. Đỉnh điểm, bão đánh giá 1 sao với HoSE, cùng với ý kiến đề xuất lãnh đạo HoSE từ chức trở nên "nóng bỏng" trên các diễn đàn chứng khoán khiến Bộ Tài chính phải chính thức vào cuộc để thanh tra HoSE.

Song, đọng lại sai đó là vấn đề nhà đầu tư cá nhân không được hủy/sửa lệnh, nhưng vẫn có lệnh hủy/sửa lệnh trên hệ thống, không ít ý kiến cho rằng đây là lệnh của tự doanh, thậm chí của chính môi giới công ty chứng khoán trên thị trường. Bởi lẽ, HoSE không cấm nhà đầu tư hủy/sửa lệnh mà chỉ có công ty chứng khoán cấm, và công ty chứng khoán có quyền sửa/hủy lệnh nào thì đó là "quyền trong tay" của các công ty chứng khoán.

Số liệu trên sàn đã bộc lộ nhiều vấn đề về nhận định này, cụ thể trong những ngày đã dỡ bỏ cấm hủy/sửa lệnh thì nhà đầu tư cá nhân mua ròng khoảng 350 tỷ đồng, còn tự doanh của các công ty chứng khoán thì bán ròng 625 tỷ đồng. Đáng nói, trước đó một hai tuần, trong nhiều nhóm – group chứng khoán thì môi giới khuyên nhà đầu tư chốt lời, cắt lỗ… nhưng cũng trong giai đoạn này tự doanh của các công ty chứng khoán lại mua ròng 1.344 tỷ đồng, khiến nhà đầu tư đặt nghi ngờ "có hay không mâu thuẫn lợi ích?".

Thực tế, 4 lĩnh vực hiện nay của các công ty chứng khoán trên thế giới bao gồm: tự doanh, môi giới, tài chính doanh nghiệp và các nghiệp vụ khác. Thế nhưng tại Việt Nam các công ty chứng khoán ngoại lại không mặn mà với hoạt động tự doanh. Còn các công ty nội thì đều trải dài trong các hoạt động này. 

Song, hiện mới chỉ có SSI tách hoạt động tự doanh sang công ty quản lý quỹ trực thuộc nhằm trách mâu thuẫn lợi ích với nhà đầu tư. Còn các công ty khác cũng đang thu hẹp mảng này, nhưng vẫn còn khoảng 3-4% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Có hay không mâu thuẫn lợi ích trong cuộc “bịt mắt bắt dê” trên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Từ năm 2020 đến nay, nhà đầu tư cá nhân liên tục rót vốn vào TTCK Việt Nam (Ảnh: SSI)

Liên quan đến việc có thể xảy ra "mâu thuẫn lợi ích" giữa hoạt động tự doanh và các nhà đầu tư, LS Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nhận định, về cơ chế để bảo đảm ngăn ngừa sự xung đột lợi ích, tạo hành lang bảo mật thông tin đến các bộ phận nghiệp vụ để tránh xung đột tiết lộ thông tin, giao dịch nội gián… trên thực tế việc này chưa đáp ứng được trên thực chất ở nhiều công ty. Ngoài ra, một vấn đề nữa là UBCK Nhà nước có trong tay hệ thống chế tài đủ mạnh nhưng hiếm khi sử dụng.

Theo các chuyên gia tài chính, quan trọng nhất là phải tách bạch mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp, bởi đây là mảng liên quan trực tiếp đến thông tin sâu của tình hình doanh nghiệp, có thể bị lợi dụng để làm giá trên thị trường. Bên cạnh đó, phải nâng cao tính tuân thủ.

"Nếu như cần đảm bảo minh bạch hơn trên thị trường chứng khoán thì hai phía cần phải hành động. Các công ty chứng khoán phải tăng cường nguyên tác bảo mật, chống xung đột. Còn về phía UBCK Nhà nước thì đã đến lúc xem xét sử dụng các giải pháp chế tài trong một số trường hợp", luật sư Hải nói.

Có hay không mâu thuẫn lợi ích trong cuộc “bịt mắt bắt dê” trên sàn chứng khoán - Ảnh 4.

Có hay không chuyện bắt tay giữa môi giới và tự doanh để "xén lông cừu" với nhà đầu tư được VTV đặt ra (Ảnh: VTV)

Hiện, tại Việt Nam chưa có trường hợp nào liên quan đến giao dịch nội gián tại các tổ chức tài chính được ghi nhận, nhưng trên thế giới ngay cả những tên tuổi lớn cũng từng sa chân. Chẳng hạn như Citi Bank từng nhiều lần bị cáo buộc vi phạm và phải chi ra hàng triệu USD để dàn xếp và nộp phạt cho các giao dịch nội gián. 

Vì vậy, việc theo dõi sát để quản lý việc này cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới nếu muốn nâng hạng thị trường…

Quá tải của HoSE là yếu tố khiến TTCK khó nâng hạng

Trước đó, theo báo cáo kết quả khảo sát về Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, TTCK Việt Nam còn đối mặt với rủi ro quá tải của hệ thống công nghệ thông tin.

Có hay không mâu thuẫn lợi ích trong cuộc “bịt mắt bắt dê” trên sàn chứng khoán - Ảnh 5.

Hiện mới chỉ có SSI tách hoạt động tự doanh sang công ty quản lý quỹ trực thuộc nhằm trách mâu thuẫn lợi ích với nhà đầu tư (Ảnh: SSI)

"Thời gian qua việc nghẽn lệnh, lỗi mạng liên tục xảy ra, đặc biệt là sàn giao dịch HoSE vào quý 1. Bước sang quý 2/2021, dù có cải thiện nhưng nhà đầu tư lại thấy hiện tượng nghẽn mạng quay lại mỗi khi thanh khoản thị trường vượt hơn 22.000 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ số VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000-17.000 tỷ đồng, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải có hơn 24.000 tỷ, nhưng vì yếu tố hệ thống, cứ hơn 22.000 tỷ thị trường lại bị nghẽn lệnh. Hệ quả là tạo ra những kháng cự tâm lý và cả kháng cự mang tính hệ thống", báo cáo của Vietnam Report nêu.

Ngoài ra, yếu tố cũng khiến TTCK Việt trì trệ là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nhiều sản phẩm, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó thăng hạng và khơi thông dòng vốn ngoại. Đặc biệt, việc minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cao, giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải nâng hạng mới hút được dòng vốn ngoại và có thông tin minh bạch hơn. Nếu dòng vốn ngoại không vào thì chứng khoán Việt Nam sẽ gặp khó trong phát triển lâu dài", báo cáo của Vietnam Report, khẳng định.

"Nhiều khả năng MSCI sẽ chưa nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi trong kỳ công bố cuối tháng 6 tới và những kỳ vọng sẽ được đặt vào kỳ đánh giá tiếp theo vào năm 2022", dự báo SSI Research dự báo.

Còn theo MSCI (Morgan Stanley Capital International) đánh giá thì TTCK Việt Nam không có thay đổi nào về các tiêu chí tiếp cận thị trường.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động của HoSE bị ảnh hưởng bởi những hạn chế trong hệ thống giao dịch. Điều này gây nhiều trở ngại trong những phiên có khối lượng giao dịch tương đối cao. HoSE và các cơ quan quản lý đang tiếp tục làm việc để tìm ra giải pháp trước mắt và dài hạn để giải quyết vấn đề này. MSCI sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến này.

Dự kiến, vào ngày 25/6 tới, MSCI sẽ công bố về khả năng nâng hạng của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem