Có hay không việc lộ, lọt thông tin, "bảo kê" cho tội phạm bỏ trốn?

Lương Kết Thứ ba, ngày 04/06/2019 14:18 PM (GMT+7)
Sáng nay (4/6), tại phần chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề cập tình trạng để tội phạm bỏ trốn, gây nghi ngờ, hoang mang trong dư luận xã hội, cách nào ngăn chặn tình trạng này?
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4/6 (ảnh Lê Hiếu).


Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội

Trả lời về câu hỏi này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo quy định, có những quy trình kiểm soát chặt chẽ như bắt quả tang, bắt ngăn chặn. Tuy nhiên vừa qua, ngăn chặn việc bắt nhầm, bắt oan thì không cho phép áp dụng các biện pháp đối với những đối tượng chưa có đủ căn cứ, dấu hiệu chứng minh tội phạm. “Do đó việc này thời gian qua có những sơ hở, Bộ sẽ có kiến nghị điều chỉnh thời gian tới”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Người đứng đầu ngành Công an lý giải thêm, người phạm tội trước khi gây án đều có tính tới việc chạy tội, trốn tội nên cơ quan chức năng cần tính các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. “Nguyên lý đề ra là không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội”, Bộ trưởng Công an nói.

img

ĐBQH Nguyễn Tạo (ảnh quochoi.vn).

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cũng đưa ra câu hỏi chất vấn, việc khởi tố đối tượng có tiền, có vị trí thì nhiều người đã bỏ trốn. “Vậy có hiện tượng lộ, lọt thông tin hoặc bảo kê cho tội phạm bỏ trốn không và giải pháp cho vấn đề này?”, ĐB Mai chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tới đây các giải pháp đưa ra, trong đó Bộ luật tố tụng hình sự phải có quy định phù hợp yêu cầu để làm sao vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ công dân vừa không bỏ lọt tội phạm.

“Về phía ngành công an cũng sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mà pháp luật cho phép nhằm quản lý được các đối tượng ngay từ đầu”. Bộ trưởng Công an cho biết.

img

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (ảnh quochoi.vn).

Có chiến sĩ công an không chịu được áp lực đã “bảo kê” cho tội phạm

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn, thời gian vừa qua lực lượng Công an bắt được nhiều vụ ma túy lớn. “Đây vừa là chiến công của ngành Công an nhưng cũng không thể không tính tới trách nhiệm của lực lượng tại chỗ đóng trên địa bàn để cho lực lượng ma túy thẩm lậu, tập kết, đóng hàng ở đó. Ngành Công an và Bộ trưởng có biện pháp gì để xử lý đối với cán bộ và lực lượng của mình đóng trên địa bàn đó”, ĐB Nhưỡng hỏi.

Vấn đề thứ hai ĐB Nhưỡng đề cập tới việc cử tri và dư luận cho rằng nạn hoành hành của cờ bạc, tín dụng đen, băng nhóm bảo kê. Ông dẫn chứng một vụ việc ở phường Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam), hàng chục người mặc rằn ri có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng khi người dân gọi Công an không đến. Từ đó người dân đặt vấn đề có tình trạng bảo kê, bao che của một số cán bộ Công an thoái hóa, biến chất. “Quan điểm của Bộ trưởng về xử lý vấn đề này thế nào”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trách nhiệm về giữ gìn trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, chịu trách nhiệm trước tất cả những vấn đề về an ninh trật tự. Trong lực lượng Công an có trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của thủ trưởng các đơn vị.

Theo Bộ trưởng Công an, thời gian qua Bộ đã quán triệt vấn đề trên tới giám đốc công an các tỉnh để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Nếu không hoàn thành trách nhiệm sẽ có biện pháp về tổ chức cán bộ để chấn chỉnh. Cấp huyện, phường, xã cũng được quán triệt như vậy.

Đối với hành động “bảo kê” cho tội phạm, theo Bộ trưởng Công an, tội phạm có những diễn biến rất phức tạp đối với lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Công an. Chúng không từ thủ đoạn nào để tấn công lực lượng chức năng, từ những việc đơn giản nhất như làm quen để có mối quan hệ, rồi dụ dỗ, mua chuộc, nếu không được chúng dùng vũ lực để tấn công đe dọa lực lượng chức năng, trong đó có Công an.

Không chỉ cán bộ, chiến sĩ Công an mà gia đình, người thân của họ cũng bị áp lực này. Ngoài đe dọa bằng vũ lực chúng còn xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín.  Trong quá trình đó cũng có những cán bộ, chiến sĩ không chịu đựng được đã mất phẩm chất, có những hành động như quan hệ với tội phạm, “bảo kê” cho tội phạm hoạt động, thậm chí có hợp tác với các đối tượng tội phạm. “Với loại tội phạm như vậy, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như lực lượng Công an là kiên quyết loại trừ, loại bỏ những cán bộ, chiến sĩ như vậy. Đồng thời sẽ bảo vệ danh dự, uy tín của cán bộ khi họ bị xuyên tạc”, Bộ trưởng Công an nói và cho biết trên thực tế ngành Công an đã xử lý nghiêm, không có vùng cấm,  từ xử lý hành chính, xử lý hình sự những cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem