Có hơn 3 sào đất, trồng rau kiểu gì mà, một nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu lãi gần 200 triệu/năm?
Có hơn 3 sào đất, trồng rau kiểu gì mà, một nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu lãi gần 200 triệu/năm?
Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội ND xã Long Phước)
Thứ ba, ngày 28/05/2024 16:39 PM (GMT+7)
Với 3.200m2 nhà lưới (diện tích hơn 3 sào), nông dân trẻ Bùi Xuân Phương (sinh năm 1984) là hội viên chi Hội Nông dân ấp Phong Phú, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trồng nhiều loại rau và đã đem lại thu nhập cho gia đình anh gần 200 triệu đồng/năm.
Trồng rau trong nhà lưới tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất
Được cha mẹ cho 3.200m2 đất nông nghiệp, anh Bùi Xuân Phương đã trồng nhiều loại hoa màu như khoai mì (sắn), bắp (ngô), ớt, chuối, đu đủ… nhưng chỉ qua 1-2 vụ là các loại cây trồng bị bệnh, chết làm cho thu nhập của anh không ổn định.
Đầu năm 2023, sau khi anh được Hội Nông dân xã mời tham quan mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, anh Phương đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 3.200m2 nhà lưới và hệ thống ống tưới nước phun sương để trồng rau ăn lá.
Để nắm bắt kiến thức, kỹ thuật trồng rau anh Phương đã chủ động liên hệ với Hội Nông dân xã nhờ giúp đỡ, hướng dẫn anh tham quan, học tập thêm kinh nghiệm của nhiều hộ chuyên trồng rau trong xã và trên địa bàn tỉnh.
Anh Phương cũng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau do Hội Nông dân xã tổ chức. Sau khi đã nắm cơ bản về kỹ thuật trồng rau và tìm hiểu sức tiêu thụ rau tại các chợ, anh Phương quyết định không trồng một loại rau mà trồng nhiều loại để dể tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Trong diện tích 3.200m2, anh phương trồng 1.000m2 hành lá, 1.500m2 các loại rau như: rau dền, rau muống, cải, rau mồng tơi… còn lại 700m2 anh để trống. Theo anh Phương, trồng rau trong nhà lưới thuận lợi hơn trồng ngoài trời.
Trồng rau trong nhà lưới giảm được các tác động bên ngoài lên rau như gió, bụi bám, mưa làm giập lá rau. Nhà lưới còn có tác dụng giảm bớt ánh nắng mặt trời làm nhiệt độ tăng cao, hạn chế thấp nhất côn trùng, sâu rầy làm hại trên cây rau.
Bên cạnh đó, hệ thống tưới nước phun sương vừa đảm bảo nưới được tưới đều khắp trên rau và tiết kiệm một lượng nước đáng kể.
Từ khi áp dụng phương pháp trồng rau trong nhà lưới và hệ thống tưới phun sương anh Phương đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất như: giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, điện năng tiêu thụ cho việc bơm nước tưới rau. Rau trồng trong nhà lưới năng suất cao, mẫu mã đẹp hơn trồng ngoài trời.
Anh Bùi Xuân Phương chia sẻ: Với 1.000m2 trồng hành lá cần 120 kg củ hành giống với giá 50.000 đồng/kg (6.000.000 đồng/120kg), sau 30 ngày trồng thu hoạch được 600kg hành lá, với giá bán cho các tiểu thương tại chợ trung bình là 18.000 đồng/kg anh thu về 10,8 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí hành giống còn lợi nhuận 4,8 triệu đồng/ lứa. Mỗi năm sản xuất 12 lứa, tính trung bình anh có lợi nhuận từ hành lá hơn 57 triệu đồng.
Đối với 1.500m2 anh trồng 3 loại rau, thường thì rau muống, rau dền cơm, mồng tơi và các loại cải. Các loại rau này có thời gian sinh trưởng khoản từ 25 đến 30 ngày một lứa, năng suất trung bình mỗi m2 là 1,5kg, với 1.500m2 thu được 2.250kg.
Sau khi sơ chế, anh mang bán sỉ cho các tiểu thương chợ Bà Rịa và chợ Long Điền giá 8.000 đồng/kg được 18 triệu đồng/lứa.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới có thu nhập cao gấp 3 lần
Mỗi năm anh Phương trồng 12 lứa rau, doanh thu từ bán rau của anh là 216 triệu đồng. Trừ chi phí giống rau là 12 triệu, phân bón, thuốc bảo vệ thưc vật cho 1.000m2 củ hành và 1.500m2 rau là 80 triệu đồng, riêng công lao động thì vợ chồng anh tranh thủ làm nên không phải thuê.
Mỗi năm với mô hình trồng rau trong nhà lưới anh có lợi nhuận hơn 180 triệu đồng, cao gần gấp 3 lần khi anh trồng các loại bắp, mì, ớt, chuối và đu đủ.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, anh Phương rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khi thật sự cần thiết mới sử dụng và tuân thủ cách ly trước khi thu hoạch.
Anh Phương thường sử dụng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu đế vắt lấy nước phun ngừa sâu bệnh thường xuyên. Đối với phân bón, anh Phương không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh đã qua chế biến của các thương hiệu có uy tín vừa đảm bảo xử lý hết các mầm bệnh, vừa có tác dụng cải tạo, làm tơi xốp đất, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Anh Bùi Xuân Phương vui vẻ nói "Nhờ Hội Nông dân xã mời tôi tham quan các mô hình trồng rau có hiệu quả ở Phú Mỹ, tạo điều kiện cho tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau và giúp tôi mời chuyên viên từ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về hướng dẫn kỹ thuật bằng cách cầm tay chỉ việc cho tôi.
Bên cạnh đó, tôi còn được người bạn thân là anh Đinh Bắc Nam hiện là Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phong Phú động viên, giúp sức nên tôi mạnh dạn đầu tư và đã có thu nhập ổn định và có tích lũy để tái đầu tư.
Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, ngành nông nghiệp để tôi có điều kiện tiếp tục đầu tư diện tích đất 700m2 bỏ trống còn lại và sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.