Ở thời điểm mà điện ảnh Việt Nam rơi vào cơn bĩ cực như ngày hôm nay, hai lãnh đạo Cục từ chức, tiền ở Cục thì bị khoắng sạch, các hoạt động lớn đình trệ thì ngày 7.9, một “người anh em lân cận” là Đài Truyền hình Việt Nam vừa khánh thành Trung tâm sản xuất chương trình có diện tích 5,4ha với tổng số vốn đầu tư toàn dự án khoảng 385 triệu USD.
|
Các nghệ sĩ tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15 tại Nam Định. |
Nhiều nghệ sĩ điện ảnh lão thành than thở: “Truyền hình thì ngày càng phát triển và được đầu tư mạnh như thế, trong khi điện ảnh “đắp chiếu” thế này, phải chăng điện ảnh bị bỏ rơi?”.
Hoang mang ngày mai
Sau một thời kỳ dài phát triển theo nhiều mô hình, hiện nay, ở Việt Nam có 47 hãng phim Nhà nước và tư nhân đang cùng hoạt động. Sau một thời gian rạp chiếu vắng bóng khán giả xem phim nội thì tình trạng đã ấm dần lên với dòng phim do các hãng phim tư nhân sản xuất.
Tính đến đầu tháng Chín, phim “Long ruồi” của Hãng Thiên Ngân đã có doanh thu tới 40 tỷ đồng- ngang ngửa phim “bom tấn” của Hollywood thế nhưng các nghệ sĩ điện ảnh vẫn hoang mang khi nói tới tương lai.
NSND Hải Ninh tâm sự: “Tôi thực sự không hiểu điện ảnh sẽ đi về đâu trong tương lai khi chúng ta đang bỏ lửng dòng phim chính thống? Phim thương mại có doanh thu thì tốt nhưng để giới thiệu với thế giới về bộ mặt của đất nước, con người Việt Nam chúng ta cần có một dòng phim “cầm chịch” do Nhà nước đầu tư, kịch bản phải tốt, phải giao cho đạo diễn uy tín và có nghề làm”.
Nữ diễn viên Hồng Ánh cho biết: “Nói thực là với tình trạng hiện nay, nói tới chuyện tổ chức liên hoan phim tại Phú Yên vào cuối năm nay tôi cũng thấy quá e ngại. Giờ đây khán giả cũng đâu có quan tâm nhiều tới điện ảnh mà chỉ còn thói quen xem phim truyền hình, có thể kéo họ tới rạp được nữa không?
Có cần Cục nữa không?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ quan điểm: “Để chấn hưng điện ảnh ngay trong một thời gian ngắn thì chắc là khó nhưng trước mắt, chúng ta phải nhìn vào thẳng vào vấn đề, khâu nào yếu thì khắc phục ngay khâu đó. Hệ thống quản lý ngành điện ảnh đang có nhiều khâu trung gian không cần thiết.
Khi các Hãng phim Nhà nước có dự án làm phim, sau khi kịch bản được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt, họ phải bảo vệ dự toán sản xuất với Bộ Tài chính và Bộ VHTTDL, vậy thì có cần gì một Cục Điện ảnh tồn tại với chức năng quản lý và chi tiền ngân sách làm phim về cho các hãng?”.
Chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều cho điện ảnh vì đó là ngành công nghiệp không khói “đẻ trứng vàng” cho quốc gia này. Năm 2003, Hàn Quốc rót 43,5 tỷ đôla cho điện ảnh, chỉ 1 năm sau đó, tính riêng kim ngạch xuất khẩu của điện ảnh Hàn Quốc ra thị trường nước ngoài đã đạt hơn hơn 80 tỷ đôla (theo thống kê của Uỷ ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc).
“Ở Pháp không có Cục Điện ảnh, nó chỉ là một Vụ Điện ảnh tư vấn cho Bộ Văn hóa. Theo tôi, từ sự từ chức của hai ông Cục trưởng, Cục phó Cục Điện ảnh, nhân đây chúng ta nên làm luôn một sự thay đổi cơ chế quản lý. Nên giải thể Cục Điện ảnh, chuyển về trở thành Vụ Điện ảnh để tư vấn cho Bộ định hướng nội dung phim, điều tiết các nguồn lực, vạch ra chiến lược đào tạo đội ngũ...
Trước đây, đã có thời gian có Vụ Điện ảnh nằm ngay trong Bộ, chúng ta cần phải trở lại mô hình này vì theo tôi nó lành mạnh hơn là để cho một Cục trung gian và tiền ngân sách làm phim lại rót hết về đó, dễ nảy sinh tiêu cực”- NSND Hải Ninh hiến kế.
NSƯT, quay phim Lý Thái Dũng cho biết: “Hiện nay Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn trả lương ở mức 650.000 đồng/tháng, trong khi Nhà nước quy định mức tối thiểu là 830.000 đồng. Mức lương này khiến anh em nghệ sĩ không chỉ đói về lương thực mà còn đói về nhiều thứ khác. Ai đã từng làm nghề mà không thiết tha vực dậy điện ảnh, nhưng phải làm thế nào, làm từ đâu, chúng ta cần nhìn thẳng vào đó chứ đừng tổ chức những hội thảo dông dài nữa”.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.