Có ruộng, có bò nhờ vốn

Thứ tư, ngày 27/04/2011 20:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Một trong những yếu tố giúp 11.062 hộ khó khăn, đặc biệt là những hộ không có đất sản xuất ở Sóc Trăng thoát nghèo trong năm 2010 là nhờ đồng vốn của Ngân hàng CSXH”- ông Trương Thanh Tiền - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh khẳng định.
Bình luận 0

Cách nay 10 năm vì gia đình lâm cảnh nợ nần, ông Huỳnh Văn Chương ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành đành đem bán 10.000m2 đất lúa, rồi mưu sinh bằng làm mướn, buôn bán nhỏ và gia công bánh canh (bún).

Có bò

img

Đàn bò của ông Huỳnh Văn Chương từ vốn vay ưu đãi.

“Hàng ngày, vợ chồng tôi dậy từ 3 giờ sáng để làm khoảng 30kg bánh canh, trừ chi phí lãi chừng 50.000 đồng”- ông Chương cho biết.

Năm 2004, được Hội ND xã bảo lãnh, Ngân hàng CSXH cho ông vay 6 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản. Sau 6 năm đàn bò của ông phát triển lên 15 con. Năm 2010, ông bán 8 con được 35 triệu đồng. Năm 2009, trả hết nợ, ngân hàng cho ông vay tiếp 10 triệu đồng, ông mua một chiếc ghe (xuồng) máy và một máy cắt cỏ để phục vụ nuôi bò. Đầu năm 2011, trong số 7 con bò còn lại 3 con đã phối giống. “Nhờ có vốn ưu đãi, gia đình tôi mới có ngày hôm nay”.

Ông Huỳnh Văn Hoàng-Chủ tịch Hội ND xã Phú Tâm khẳng định: “Vốn Ngân hàng CSXH đóng vai trò chủ lực giúp 24/48 hộ không hoặc có rất ít đất sản xuất thoát nghèo”.

Có đất

Hiện, thị trấn Kế sách có 14 TVV với 573 thành viên, dư nợ tín dụng vốn Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội 6,2 tỷ đồng. Các thành viên TVV sử dụng vốn hiệu quả và thanh toán gốc - lãi đúng hạn.

Đến ấp An Thành ở thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, chúng tôi thêm một lần chứng kiến hàng chục hộ nghèo không hoặc rất ít đất sản xuất được tham gia Tổ vay vốn (TVV) do anh Sơn Dia làm tổ trưởng.

Anh Sơn Xa Rét, thành viên TVV kể, vợ chồng anh làm mướn quanh năm nhưng vẫn nghèo. Năm 2008, anh tham gia TVV của Hội ND và được Ngân hàng CSXH cho vay 4 triệu đồng, cộng với tiền của gia đình, anh mua được một cặp bò sinh sản.

Năm 2010 anh được ngân hàng cho vay tiếp 8 triệu đồng Chương trình 174, anh bỏ thêm 7 triệu đồng để mướn 3.000m2 (tương đương 5 chỉ vàng), khi nào chủ đất trả lại anh 5 chỉ vàng anh mới phải giao lại ruộng. Hàng ngày anh vừa chăm bò vừa chăm 3.000m2 lúa. “Đà này, cuối năm 2011 gia đình tôi sẽ hết nghèo”- anh Rét thổ lộ.

Vợ chồng chị Lưu Thị Kim Tuyết có 4 con nhưng cũng không thước đất sản xuất. Ngày ngày chị Tuyết bám chợ thị trấn Kế Sách để “mua đầu chợ, bán cuối chợ” nuôi các con ăn học. Năm 2009 con trai chị thi đậu khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ, chị được Ngân hàng CSXH cho vay 8,6 triệu đồng chương trình cho vay học sinh sinh viên. Đầu năm học 2011, ngân hàng cho chị vay tiếp 4,3 triệu đồng.

Chị Tuyết xúc động: “Nếu không được vay vốn ưu đãi, con tôi khó có thể đi học đại học, nếu phải vay lãi chợ đen từ 6-15% mỗi tháng”.

Anh Sơn Dia - Tổ trưởng TVV chi hội ND ấp An Thành - cho biết, tổ thành lập năm 2005 có 15 thành viên, năm 2011 nâng lên 27 thành viên đều là người dân tộc Khmer. Tổ sinh hoạt định kỳ vào ngày 18 hàng tháng. Ngoài nhắc nhau sử dụng vốn hiệu quả, thành viên nào khó khăn đều báo cáo để tổ nhờ chi hội ND tư vấn. Cuối năm 2010 tổ có 12 hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của thị trấn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem