Có sổ đỏ cũng không được đền bù

Thứ hai, ngày 28/04/2014 12:05 PM (GMT+7)
Thời gian qua, “đường dây nóng” Báo NTNN liên tục nhận được phản ánh của nhiều hộ dân xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang bức xúc trước việc giải phóng mặt bằng, thực hiện Dự án Tỉnh lộ 293 của UBND huyện Lục Nam.
Bình luận 0
Có sổ đỏ cũng không được bồi thường!?

Diện tích đất anh Đặng Văn Khoản (thôn An Thịnh, xã Cương Sơn, Lục Nam) đang sử dụng là do cha ông khai phá, sử dụng từ năm 1968. Năm 1988, bố anh là Đặng Văn Tài tặng lại cho anh. Năm 2000 anh Khoản được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đã làm nhà và sử dụng ổn định từ năm 1988 đến nay.

“Lần đầu, trong danh sách thông báo các hộ bị thu đất dán ở UBND xã, gia đình tôi bị thu 68,9m2, chỉ được bồi thường 3,1 triệu đồng gồm cây cối và sân bê tông, còn đất thì không được bồi thường. Lần 2 thu thêm đất, họ mời tôi lên UBND xã, ông Nguyễn Duy Quảng - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Nam nói rằng chỉ hỗ trợ 147.000 đồng/m2. Đất cha ông chúng tôi để lại, có sổ đỏ đàng hoàng, họ làm vậy là áp bức chúng tôi”- anh Khoản nói.

Anh Đặng Văn Khoản (cầm sổ đỏ) và một số người cùng cảnh mất đất,  bức xúc vì bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường.
Anh Đặng Văn Khoản (cầm sổ đỏ) và một số người cùng cảnh mất đất, bức xúc vì bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường.

Tương tự, đất của anh Lê Văn Tiến, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Văn Phú, Đặng Văn Tuấn… đều có nguồn gốc rõ ràng, được địa phương xác minh và đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 2000 cũng bị thu hồi mà không có quyết định thu hồi đất và không được bồi thường.

Thu hồi đất không có quyết định

Khi thu hồi đất của dân, thay vì ban hành quyết định thu hồi đất, UBND huyện Lục Nam ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND 7-4-2014, yêu cầu các hộ dân phải tự tháo dỡ và bàn giao mặt bằng trước ngày 11.4. Nếu quá thời gian trên mà các hộ dân không tự chấp hành thì UBND huyện sẽ áp dụng các biện pháp bắt buộc để giải phóng mặt bằng.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), đất của các hộ đó đều có nguồn gốc rõ ràng, được người dân sử dụng ổn định trước năm 1993.

Còn cột mốc chỉ giới hành lang ATGT được cắm vào năm 1995. Do đó đất của người dân có trước chứ không phải hành lang ATGT có trước. GCNQSDĐ của dân là hợp pháp, nên họ phải được bồi thường.

Trả lời câu hỏi vì sao không có quyết định thu hồi đất mà lại buộc dân phải giao đất mà không đền bù, ông Nguyễn Duy Quảng cho rằng, theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21.12.1982 về việc ban hành điều lệ bảo vệ đường bộ, Chỉ thị 13/CT-UB của UBND tỉnh Hà Bắc ngày 11.8.1983, Chỉ thị số 06/CT của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ngày 3.1.1990 thì đất của các hộ thuộc hành lang an toàn giao thông (ATGT), được quy định tại các văn bản trên nên không ra quyết định thu hồi đất và không đền bù.

Nhưng theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, quy định về hành lang ATGT và quyết định thu hồi đất là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu cho rằng quy định về hành lang ATGT là quyết định thu hồi đất thì hoàn toàn sai, không đúng quy định của pháp luật. Bởi dù đã là hành lang ATGT thì đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân, nên khi cần thu hồi phải ra quyết định thu hồi và bồi thường theo quy định.

Để hợp lý hóa, vừa qua UBND huyện Lục Nam đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ của một số hộ dân, bởi cho rằng việc cấp GCNQSDĐ năm 2000 cho một số hộ dân là sai vì chồng lấn lên hành lang ATGT.

Cách làm của UBND huyện Lục Nam khiến người dân phản ứng gay gắt, họ đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện. Hy vọng tòa án sẽ có phán quyết thấu tình, đạt lý.

Lê Chiên (Lê Chiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem