Cơ sở sấy lúa vào mùa hốt bạc

Thứ năm, ngày 27/03/2014 07:05 AM (GMT+7)
Tuy chưa đến mùa mưa nhưng hiện nay các lò sấy lúa trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân và các thương lái.
Bình luận 0
Những ngày này, 8 lò sấy lúa của ông Võ Văn Hưởng (ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) phải chạy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân địa phương và các thương lái. Ông Hưởng thông tin: “Chúng tôi phải phân công người làm việc cả ngày lẫn đêm bởi lượng ghe lúa neo đậu dưới sông chờ sấy vẫn còn nhiều. Ghe này vừa ra về thì ghe khác sẽ lại đến neo đậu tiếp”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá tại cơ sở sấy lúa của ông Hưởng là 150.000 đồng/tấn. Với công suất thiết kế khoảng 250 tấn lúa/ngày đêm/8 lò sấy thì ông Hưởng thu về khoảng 30 triệu đồng. Trừ đi chi phí, ông lời hơn 20 triệu đồng.

Đến cơ sở sấy lúa của ông Trương Văn Chính (ngụ ở ấp Mỹ Trung, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi ghi nhận có trên 30 ghe lúa đang neo đậu, chờ đến lượt sấy. Ông Chính cho biết: “Hiện nay tôi có 12 lò sấy cải tiến bán tự động, trung bình cả ngày lẫn đêm sẽ sấy được trên 350 tấn lúa. Lò có công suất lớn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, các thương lái thường xuyên gọi điện đến hối thúc”.

Theo tính toán, với công suất trên và với giá 150.000 đồng/tấn thì ông Chính thu về khoảng 50 triệu đồng/ngày đêm, trừ hết chi phí còn lời khoảng 30 triệu đồng. “Nhận thấy vào mùa mưa không có nơi phơi, người dân thì thích bán lúa tươi tại đồng ruộng nên tôi quyết định xây 12 lò sấy. Thời gian tới tôi sẽ xây thêm 6 lò sấy nữa”- ông Chính tiết lộ.

Ông Lê Văn Thiên đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để xây 3 lò sấy loại công suất 40 - 50 tấn. Chỉ sau 2 năm hoạt động, ông đã thu hồi vốn.

Trước đây, ông Lê Văn Thiên ở xã Mỹ Thạnh Bắc B (huyện Cái Bè, Tiền Giang) là thương lái mua lúa. Tuy nhiên, sau khi nắm được thông tin về lợi ích của lò sấy cải tiến bán tự động từ doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, ông Thiên liền đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để xây 3 lò sấy loại công suất 40 - 50 tấn. Chỉ sau 2 năm hoạt động, ông đã thu hồi vốn.

Ông Thiên phấn khởi: “Với lò sấy cải tiến bán tự động trên, tôi chỉ cần 8 lao động. Việc xây lò sấy vừa giúp gia đình tôi có thu nhập cao vừa giúp một số người dân trong xã có được việc làm ổn định…”.

Do lúa đông xuân 2013-2014 đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, người dân và các thương lái mua lúa không có sân phơi hoặc phơi không kịp nên đã nhờ đến các cơ sở sấy lúa. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sấy lúa hiện còn thiếu hụt nên các lò đã có luôn ở trong tình trạng quá tải. Người dân mong trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương trong vùng có sự quan tâm, đầu tư thêm nhiều lò sấy hơn nữa để phục vụ cho việc sản xuất lúa của bà con nông dân được thuận lợi hơn.

Huỳnh Xây - Ngọc Hành (Huỳnh Xây - Ngọc Hành)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem