"Có tiền không tiêu hết", các Bộ ngành và địa phương "trả lại" hàng chục nghìn tỷ ngân sách: Quốc hội nói gì?

PVKT Thứ bảy, ngày 12/11/2022 06:23 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc "có tiền nhưng không tiêu hết", hàng chục nghìn tỷ vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA bị "trả lại", Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến giải trình.
Bình luận 0

Thống kê cho thấy, từ năm 2020 đến nay, đã xuất hiện tình trạng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có văn bản đề nghị "trả lại" kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, nhất là vốn ODA do không giải ngân được và xu hướng này ngày càng gia tăng. Năm 2020 là trên 14.000 tỷ đồng, năm 2021 là trên 20.000 tỷ đồng.

Từ thực tế này, một số đại biểu cho rằng, tình trạng nhiều địa phương, Bộ, ngành đề nghị được trả lại vốn ODA cần phải được xem xét nghiêm túc, đánh giá lại tính hợp lý của việc huy động, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công mà không mang lại hiệu quả thực tế. Có ý kiến cho rằng, việc chậm giải ngân vốn ODA dẫn đến việc phải kéo dài chi phí đã cam kết với nhà tài trợ, gây lãng phí nguồn lực.

"Có tiền không tiêu hết", các Bộ ngành và địa phương "trả lại" hàng chục nghìn tỷ ngân sách: Quốc hội nói gì? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 chiều ngày 11/11.

"Trả lại" kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương: "Nút thắt" đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả

Giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, đây là một điều cần chú ý, cho thấy còn có những "nút thắt" trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy và tạo áp lực bố trí kế hoạch vốn cho các năm sau rất lớn cũng như tăng chi phí huy động. Bởi lẽ số vốn kế hoạch đã bố trí nếu không được giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán theo quy định và đòi hỏi các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bố trí bổ sung bằng kế hoạch vốn năm sau để dự án được triển khai liên tục.

Việc trả lại kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Chẳng hạn như, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác xây dựng kế hoạch chưa tốt, tư duy nhiệm kỳ, xây dựng danh mục dự án, kế hoạch chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ hơn trong việc yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện, nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.

5 nguyên nhân "trả lại" vốn đầu tư công

Cũng liên quan đến việc "trả lại" vốn này, trước đó tại báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, thời gian qua, nhiều địa phương, Bộ, ngành đề nghị được trả lại kế hoạch vốn ODA đã giao không có khối lượng hoàn thành để hoàn chỉnh hồ sơ giải ngân.

Tuy nhiên, cá biệt cũng có trường hợp đề nghị thôi không sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi do vướng mắc trong quá trình lập dự án đầu tư.

Tổng hợp sơ bộ, các nguyên nhân được các Bộ, ngành, địa phương đưa ra gồm:

Thứ nhất, cơ quan chủ quản nhận thấy không thể đáp ứng các điều kiện sử dụng vốn khi trao đổi với nhà tài trợ.

Hai là, vốn vay nước ngoài có điều kiện vay (lãi suất vay cao, thời hạn vay ngắn) không phù hợp với tính chất dự án.

Ba là, dự án không còn thuộc diện ưu tiên của địa phương, Bộ ngành.

Bốn là, thời gian chuẩn bị đầu tư của dự án dài (do các vướng mắc về thủ tục phê duyệt giải phóng mặt bằng,…

Năm là, thời gian hoàn thành các thủ tục trong và ngoài nước để sử dụng vốn quá lâu, không đảm bảo đáp ứng tính cấp bách của dự án nên chuyển sang sử dụng nguồn vốn khác.

"Có tiền không tiêu hết", các Bộ ngành và địa phương "trả lại" hàng chục nghìn tỷ ngân sách: Quốc hội nói gì? - Ảnh 3.

"Có tiền không tiêu hết", các Bộ ngành và địa phương "trả lại" hàng chục nghìn tỷ ngân sách.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và khuyến nghị các cơ quan chủ quản cần nghiên cứu kỹ về tính chất, điều kiện và các thủ tục của nguồn vốn đề nghị huy động ngay từ giai đoạn đề xuất sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, đánh giá tính phù hợp của nguồn vốn đề xuất với dự án dự kiến đầu tư, khả năng đáp ứng các điều kiện sử dụng vốn.

Trường hợp có những yếu tố không khả thi, đề nghị không đề xuất sử dụng (không huy động) để tránh lãng phí thời gian, kinh phí xây dựng dự án cũng như tạo gánh nặng nợ công khi vay vốn.

"Để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chủ quản dự án là các Bộ, địa phương phải chịu trách nhiệm xây dựng dự án, dự kiến nguồn vốn huy động phù hợp với dự án và triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng trả lại vốn như thời gian qua", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem